Bể từ "quý tộc" đến bình dân
Phía trước gian phòng làm việc của UBND thị trấn Đầm Dơi (H.Đầm Dơi, Cà Mau) dán đầy những giấy niêm yết, thông báo thụ lý vụ án của tòa án huyện. Tỉ mỉ rà lại từng văn bản, ông Huỳnh Vũ Phong, cán bộ tư pháp thị trấn kể về vụ bể hụi gần nhất. Tới giờ, người dân thị trấn không ai biết vợ chồng chủ tiệm điện Mười Hai, Dương Kim Nguyệt đang ở phương nào. Trước ngày "ly hương", vợ chồng bà Nguyệt đã kịp quẳng lại một "quả bom" tiền tỉ cho những người ở quê lãnh đủ. Hàng chục người từ chủ tiệm vàng, điện, cửa hàng tạp hóa... ở khu trung tâm thị trấn phải ngậm trái đắng, ôm chồng đơn đến gõ cửa các cơ quan chức năng tố cáo đã bị chiếm đoạt số tiền gần 5 tỉ đồng. Người ít nhất vài mươi triệu, người nhiều nhất nói đã bị chiếm đoạt trên 1,5 tỉ. Đó là số tiền họ "nuôi" hụi để chờ ngày hốt kiếm lời.
Chị Phạm Kiều Ngoan (44 tuổi, chủ tiệm điện ở khóm 4) nói đường dây hụi do bà Nguyệt làm chủ rất "quý tộc", hụi viên chỉ toàn những nhà có cơ sở làm ăn trong thị trấn, chứ chị hàng rong, anh hàng cá không bao giờ được tham gia. Những người khá giả này chỉ nuôi "hụi sống" nên ít chú ý những lần khui hụi. Cho nên đến kỳ khui, chủ hụi đã bịa tên ông A, bà B đã hốt rồi, thế là những người còn lại cứ việc đóng tiền để tiếp tục "nuôi". Cho đến một ngày, người ta không thấy bà chủ hụi đến nhà gom tiền như mọi khi. Tiệm điện của gia đình bà cũng đóng cửa. Chồng bà Nguyệt được mời lên trụ sở thị trấn và cam đoan sẽ kêu vợ về giải quyết nợ nần. Để rồi tối đó ông ta cũng bỏ đi biệt tích...
Ông Bùi Hùng Cường, quyền Chủ tịch UBND thị trấn Đầm Dơi, cho biết trước đó tại thị trấn này cũng vừa nổ ra một vụ bể hụi tiền tỉ khác với số nạn nhân đông hơn nhiều lần. Đó là vụ bể hụi của vợ chồng ông Hạnh, bà Loan. Tổng số tiền chiếm đoạt từ cả hai vụ lên đến gần chục tỉ đồng. Theo ông Huỳnh Tấn Tới, chủ tiệm vàng Mỹ Hiền, gia đình ông đã bị chiếm đoạt từ 2 vụ này số tiền trên 2 tỉ đồng. Khác với hụi "quý tộc" của bà Nguyệt, dây hụi của bà Loan có gần trăm nạn nhân với đủ thành phần, từ chủ tiệm vàng, chủ sạp vải, đến anh bán cà rem, anh bảo vệ trường học...
Từ đất liền ra đảo
Nạn bể hụi cũng xảy ra ở nhiều đảo thuộc huyện Kiên Hải (Kiên Giang) |
"Nhà tui nghèo khó, làm bao nhiêu tằn tiện không dám ăn ngon, để dành đóng hụi cho chị Nga, bây giờ bị chỉ giật tui không biết phải xoay xở làm sao...". Chị Lê Thị Diệu Hiền (30 tuổi, ngụ tổ 2, đảo Củ Chon, xã đảo An Sơn, huyện Kiên Hải, Kiên Giang) nức nở kể về chuyện chị bị giật 26 triệu 200 ngàn đồng tiền hụi. Chị Hiền nói nhà chị có chiếc ghe nhỏ đi câu mực. Hằng ngày, khi ghe vào là chị sốt sắng đi đóng hụi, để bà Nga (chủ hụi) tin mà cho hốt sớm. Chị nói đang cần một số tiền để sửa chiếc ghe quá cũ và sắm thêm câu lưới đi biển nên mới nuôi hụi, xem như là cách dành dụm. Mỗi ngày, đi biển vào, chị Hiền phải đóng hụi 255 ngàn đồng. Nuôi đến 142 ngày thì chị năn nỉ chủ hụi cho hốt. Chủ hụi hứa. Nhưng khi đến ngày hẹn, chồng bà Nga bảo bà đã vào đất liền. Vài ngày sau, khi trở về bà Nga tuyên bố dây hụi đã bị bể. Chuyện đường dây hụi của bà Phạm Kim Nga, chủ tiệm vàng Lớn ở đảo Hòn Lớn bị bể đã gây chấn động xóm đảo. Nhiều người không tin nổi, bởi gia đình bà Nga thuộc dạng giàu có nhất nhì ở quần đảo này. Vậy mà...
"Dịch" bể hụi từ đất liền lan ra các đảo không phải chỉ mới đây. Chị Trương Bé Sáu, ấp Củ Chon, xã An Sơn, một trong những nạn nhân trong vụ bể hụi của bà Nga bức xúc "trước đây thỉnh thoảng cũng có bể hụi, nhưng là do chủ hụi mất cân đối, người ta thỏa thuận trả được. Đằng này bà Nga thừa nhận bà có dựng "hụi ma".
Thiếu tá Phạm Thành Đông, Đội phó Đội cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an huyện đảo Kiên Hải cho biết: Tình trạng bể hụi đã từng xảy ra nhiều lần trên các đảo như Nam Du, Hòn Nghệ... Do người dân đi biển kiếm tiền hằng ngày, muốn tích góp để được một số tiền kha khá để cải thiện cuộc sống nên mới tham gia chơi hụi. Ông Lê Chí Cảnh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn, Cà Mau thì nói ông đã nghiên cứu rất kỹ những vụ bể hụi. Ông nói chơi hụi dễ bể là do chủ hụi rất dễ mất cân đối, chỉ cần một người hốt hụi chết không đóng là chủ hụi hết lời; hai người không đóng là chủ hụi lỗ. Gặp cảnh này, chủ hụi thường dựng lên những hụi viên khống và "cho" họ hốt hụi, lấy số tiền hốt đó lấp qua cho những người không đóng, vậy là chủ hụi lại mất thêm khoản chênh lệch do hốt hụi chết... Tình hình mất cân đối càng trầm trọng hơn, dẫn đến bể hụi là chuyện tất yếu. Ngoài ra, trình độ của chủ hụi thường không đủ để quản lý một số tiền lớn lên đến trăm triệu hay cả tỉ đồng.
Tiến Trình
Bình luận (0)