Bom bẩn, hiểm họa tiềm tàng

23/03/2009 23:29 GMT+7

Số lượng các nhà máy điện nguyên tử tăng nhanh, khiến tình trạng buôn bán chất phóng xạ gia tăng và phóng xạ có nguy cơ rơi vào tay quân khủng bố, theo báo Courrier International.

Cuối tháng 11.2007, tại khu vực biên giới giữa Hungary và Slovakia, cảnh sát đã bắt ba người đang chào bán 500g bột uranium với giá 2.400 euro/g. Loại bột phóng xạ này có thể đủ để chế tạo một quả bom bẩn (còn gọi là bom phóng xạ), có thể được dùng như chất nổ thông thường nhưng lại tạo ra nguy cơ cao.

Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho biết năm 2006 đã có 252 vụ chất phóng xạ bị đánh cắp hoặc biến mất. “Đó chỉ là phần nổi của tảng băng”, ông Abel González, chuyên gia thuộc Ủy ban Nghiên cứu ảnh hưởng của phóng xạ nguyên tử thuộc Liên  Hiệp Quốc (UNSCEAR), nhấn mạnh. “Hiện các chất phóng xạ ít được kiểm soát đang lưu hành tại nhiều nước”.

Có thể bị buôn lậu

Trong 20 năm trở lại đây, những tiến bộ khoa học của các chương trình hạt nhân dân sự, cùng với việc phá bỏ các kho hạt nhân, khiến việc sử dụng và dự trữ các chất phóng xạ gia tăng. Nhưng phóng xạ có thể rơi vào tay những kẻ buôn lậu và thậm chí cả quân khủng bố nếu không được bảo vệ cẩn thận, các chuyên gia cảnh báo. Trong một hội nghị tại Edinbourg (Scotland), một chuyên viên của IAEA đã nhấn mạnh: “Nguy cơ lớn nhất là khi một nhóm khủng bố kiếm được đủ nhiên liệu để sản xuất vũ khí hạt nhân.

Một quả bom nguyên tử nổ tại một vùng có người ở có thể gây ra những hậu quả khủng khiếp và không thể lường được trong thời gian dài”. Theo tính toán của IAEA, số vụ mất cắp và tàng trữ bất hợp pháp chất phóng xạ đang gia tăng những năm gần đây và thậm chí đã tăng đến 385% từ năm 2002 đến năm 2006. Năm 2007, IAEA đã thống kê được 150 vụ việc trên toàn thế giới.

 Số lượng vụ việc được phát hiện tăng, một phần do vấn đề hạt nhân ngày càng được lưu tâm, một phần nhờ các chính phủ tăng cường kiểm soát. Bên cạnh đó, IAEA cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này. Số lượng các quốc gia được thống kê đã tăng trong những năm gần đây.  

Dù vậy, số liệu thống kê hằng năm của IAEA cho thấy vẫn tồn tại một thị trường buôn bán chất phóng xạ mà các chuyên gia không thể xác định được. Không xác định được người mua, người bán và họ mua để làm gì. Tuy nhiên, phần lớn trường hợp, dư luận biết được các vụ đánh cắp dựa trên thông báo của các nhà chức trách. Tội phạm, nhờ đó, có được những nguồn cung cấp các sản phẩm phóng xạ khá đa dạng.

Ngoài các nhà máy điện hạt nhân và kho chứa chất thải hạt nhân, phần lớn các bệnh viện đều có chất phóng xạ. Ngay cả các ngành công nghiệp cũng dùng các hoạt chất từ phóng xạ để đo độ nhớt của dầu hoặc để đánh giá sự chuyển động của các lớp trầm tích... Lượng phóng xạ rò rỉ hay bị đánh cắp thường rất nhỏ.
Nhưng các chuyên gia nhấn mạnh, một lượng phóng xạ rất nhỏ cũng có thể gây ra nguy hiểm cực lớn và làm rối loạn hoàn toàn một quốc gia. Mặt khác, các tổ chức khủng bố có thể phân hạch hạt nhân từ chính những lượng nhỏ bị đánh cắp ở những địa điểm khác nhau, yếu tố IAEA cho rằng “cực kỳ nguy hiểm”.

Người buôn bán sắt vụn nguy hiểm 

“Đó là vấn đề chúng tôi đặc biệt quan tâm”, Annalisa Giannella, phát ngôn viên của Cao ủy phụ trách đối ngoại EU Javier Solana, nhấn mạnh. “Có một nguy cơ thực sự: các vụ đánh cắp chất phóng xạ thường do tội phạm thực hiện, không phải để chế tạo bom nguyên tử như trong vụ Hiroshima, mà để sản xuất bom bẩn. Loại bom này có thể làm hại rất nhiều người”.

Cách đây vài năm, các chuyên gia hạt nhân ít chú ý đến nguy cơ tấn công khủng bố bằng bom bẩn, đơn giản là bom bẩn sát hại luôn cả kẻ mang chúng. Nhưng bây giờ mọi thứ đã thay đổi. Có hàng ngàn “ứng viên tiềm năng” sẵn sàng tiến hành các vụ tấn công liều chết, sẵn sàng tử vì đạo, vì những động cơ riêng. Vì thế, nguy cơ tấn công bằng chất phóng xạ đã tăng lên đáng kể.

“Chúng ta phải đánh giá được các mối đe dọa và sẵn sàng phản ứng ngay tức thì trong trường hợp bị tấn công”, Gilles de Kerchove, chuyên gia chống khủng bố của Liên minh châu u cho biết. Theo ông, EU đã tổ chức nhiều đợt diễn tập giả định để đánh giá phản ứng của các quốc gia thành viên trong trường hợp bị tấn công bằng bom phóng xạ.

Theo các phân tích chi tiết của IAEA, 62% vụ việc liên quan đến phóng xạ đều do sơ suất trong việc canh giữ, chứ không phải do tội phạm cố tình ăn cắp. Tuy nhiên, sơ suất đó có thể gây chết người, với hậu quả nặng nề còn hơn cả các vụ tấn công. Vụ rò rỉ phóng xạ tại Goiânia (Brazil) năm 1987, làm 4 người chết và ít nhất 250 người bị nhiễm phóng xạ là một ví dụ. Trong vụ việc này, nguyên nhân không phải là khủng bố, mà chỉ là một người bán sắt vụn đã lấy một viên huỳnh quang ra khỏi máy chiếu tia X nhặt được. Và chất phóng xạ Cesium 137 chứa trong đó đã phát tán trên toàn thành phố.

Ngọc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.