Cầm nhà chơi hụi
Năm rồi, gia đình ông Huỳnh Tấn Tới (tiệm vàng Mỹ Hiền) ở thị trấn Đầm Dơi bị mất trên 2 tỉ đồng. Giờ đây thì cả thị trấn ai cũng biết nhà ông đứng đầu sổ trong 2 vụ bể hụi lớn nhất tại đây. Vụ bể hụi của bà Nguyễn Bích Loan, gia đình ông bị mất gần 1 tỉ; vụ bể hụi của bà Dương Kim Nguyệt thì ông bị chiếm đoạt trên 1,5 tỉ đồng.
Tiếp chúng tôi, ông Tới gượng cười “may mà chưa mất hết”. Ông tình thiệt: “Trước đây tui cũng chơi hụi, nhưng chơi nhỏ. Nhiều nhất cũng chỉ hai, ba trăm triệu hà (!). Nhưng về sau thấy tình hình kinh doanh vàng bạc bị ế ẩm, nên tôi đánh bạo thế chấp 5 căn nhà trong thị trấn để vay ngân hàng 2,5 tỉ đồng. Mỗi tháng tôi đóng lời từ 25 đến 40 triệu. Mình tính, nếu “quây” hết số tiền này thì mỗi tháng thu về ít nhất cũng 50 triệu tiền lời. Nhưng không ngờ...”. Vừa bị nhà bà Loan giật hụi, vợ chồng ông Tới vẫn yên tâm chơi hụi của bà Nguyệt. Ngoài 800 chân hụi ngày tham gia từ đầu, vợ chồng ông còn mua thêm 700 chân hụi khác mà bà Nguyệt nói có người nuôi không nổi nên bán lại, nếu vợ chồng ông mua lại và tiếp tục nuôi thì sẽ kiếm lời to. 1.500 chân hụi, mỗi ngày nhà ông Tới phải đóng cho chủ hụi 7,2 triệu đồng. Với số tiền trên 1 tỉ bỏ ra, hằng ngày ông thu lời trên 800 ngàn đồng.
Ông Tới kể: lúc vợ chồng bà Nguyệt đến rủ rê chơi hụi, ông không chút lưỡng lự. Vì ông biết gia đình này có hai, ba căn nhà trong thị trấn, là chủ tiệm điện, trước giờ làm ăn rất đứng đắn, giữ chữ tín. Ông Mười Hai, chồng bà Nguyệt nổi tiếng hiền lành, không rượu, không cà phê, không thuốc lá... không tin họ thì tin ai? Vì có quá nhiều người tin, nên khi vợ chồng bà Nguyệt giật hụi bỏ trốn, ban đầu mọi người còn không tin. Đến khi chính quyền địa phương xác nhận điều này, có người còn hy vọng bà Nguyệt sẽ về giải quyết... Nhưng đến nay vợ chồng chủ hụi vẫn biệt tăm hơi. Mất tiền, mang nợ, hằng tháng gia đình ông Tới còn phải gồng mình đóng lãi cho số tiền bị chiếm đoạt.
Chị Phạm Kiều Ngoan, một chủ tiệm điện gia dụng gần đó tố cáo bị vợ chồng bà Nguyệt giật trên 800 triệu, cay đắng: “Tui nuôi 400 chân hụi. Sau đó chị Nguyệt qua gạ tôi có một người kêu bán lại 400 chân hụi với giá 380 triệu. Chưa hết, trước ngày đi, chị Nguyệt còn qua nói kẹt vốn bất tử, hỏi vay tôi 200 triệu với lãi suất 0,1%. Tình nghĩa vậy đó mà chị còn giật của tui”. Chị Ngoan nói đó là tất cả số tiền chị dành dụm được hàng chục năm trời.
Tất cả những con hụi đều tham gia chơi hụi trên cơ sở của lòng tin, không cần bảo chứng. Có con hụi đặt niềm tin với các chủ hụi “siêu bền” đến mức... chịu hổng nổi luôn!
10 lần bị giật hụi
Không bị giật với số tiền quá lớn, nhưng ông Đinh Ngọc Doanh, khóm 3, ấp 1, xã Hàng Vịnh (H.Năm Căn, Cà Mau) tức tối vì trước giờ đã là nạn nhân của... 10 vụ bể hụi rồi, vậy mà vẫn tin để rồi tiếp tục bị giật hụi. Tại trụ sở xã, ông Doanh nhẩm tính lại những chủ hụi ông tham gia từng bị bể “đầu tiên là hụi bà Huệ, đến bà Tuyết, Mỹ Dung, Mỹ Thuận, Sương, Ba Tam, Hai Cự, Bé Hai...” hai vụ bể hụi gần nhất, ông bị chiếm đoạt gần 100 triệu đồng. Ông Doanh cay đắng: “Mình làm ăn vất vả, được bao nhiêu là bị giật bấy nhiêu, muốn điên luôn! Bị giật hụi, vợ chồng tôi cũng nhát. Nhưng sau đó lại có người tới nhà rủ rê, năn nỉ chơi hụi, mà toàn những chỗ có uy tín, có nhà, có đất, có sơ sở làm ăn không hà, mình không tin sao được...”. Ông Doanh đã nhiều lần tin, để rồi lại tiếp tục bị giật.
Chơi hụi tiền tỉ nhưng cũng chỉ được chủ hụi ghi sơ sài như thế này |
Dù sao, những trường hợp trên vẫn có của ăn, của để để chơi hụi. Trong vụ bể hụi do bà Trịnh Thị Tuyết Hồng (một chủ sạp bán giày, dép ở chợ Bạc Liêu), nhiều nạn nhân báo họ phải đi vay tiền để chơi hụi. Như một cô giáo ở xã Hiệp Thành (TX Bạc Liêu) đi vay tiền ngân hàng để chơi hụi với mong muốn kiếm ít vốn làm ăn. Đến cơ quan công an để trình bày vụ việc, cô giáo này cũng chỉ biết ôm mặt khóc nức nở.
Cũng vì tin tưởng, lại bị hấp dẫn bởi những hứa hẹn lợi nhuận cao mà hàng chục hộ dân tại Thạnh Phước (H.Giồng Riềng, Kiên Giang) đã thế chấp giấy tờ đất cho ngân hàng để vay tiền chơi hụi. Khi vợ chồng chủ hụi Ngô Hồng Thắm, Nguyễn Văn Phương lánh mặt và tuyên bố bể hụi, những người dân tội nghiệp này mới đôn đáo đến gõ cửa chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng nhưng mọi chuyện đã muộn. Người bị chiếm đoạt cao nhất (lên đến trên 1 tỉ đồng) là một chủ nhà máy xay lúa nói trước đây vốn là bạn bè thân với chủ hụi nên mới tin, chơi đậm để hưởng chênh lệch cao.
Những trường hợp khác còn đáng thương hơn. Chị Nguyễn Thị Vẹn, một nông dân ở ấp Thạnh Quới, nói trong nước mắt: Gia đình chị có đứa con 9 tuổi bị bại não, chỉ nặng có 6 ký. Một hôm Thắm tới nhà nói có tiền nên tham gia chơi hụi với Thắm sẽ có lãi cao, đầu tháng đóng cuối tháng hốt, để kiếm tiền mua sữa, thuốc cho bé. Nghe vậy, chị Vẹn đã lén chồng thế chấp toàn bộ đất đai vay tiền để chơi hụi. Những tháng đầu Thắm cũng mang tiền đến cho chị Vẹn, bảo đó là tiền lời... để chị Vẹn tiếp tục chơi hụi nhiều hơn. Gạt nước mắt, chị Vẹn đau đớn: ngày con chị qua đời cũng là ngày chị hay tin Thắm đã tuyên bố bể hụi!
Những nạn nhân bị bể hụi chỉ cho chúng tôi người phụ nữ đen đúa, vẻ chất phác ngồi co ro một góc. Chị tên Nguyễn Thị Nâu, nghề nghiệp làm cỏ, cắt lúa mướn. Chị tham gia chơi hụi trong đường dây của Thắm, bị giật 6,5 triệu đồng. Số tiền tưởng chừng như không lớn đối với dân thành thị nhưng đối với phận làm thuê chạy gạo từng bữa như nhà chị là cả một gia tài. Để có nó, chị phải tằn tiện từng ngày để đóng hụi. Người ta lắc đầu trách chị sao lạnh lùng đem thằng con thứ 2 đi ở mướn cho người ta để lấy 4 triệu đồng chơi hụi. Chị trần tình: “Tui vô hụi là để kiếm lời cho nó làm vốn, cưới vợ...”.
Ông Nguyễn Văn Đáng, cán bộ tư pháp xã Thạnh Phước nói sau khi chiếm đoạt tiền của bà con, vợ chồng Phương, Thắm đã mua một miếng đất rộng ở gần đó. Người dân thì nói vợ chồng Phương đã tậu một căn nhà tại thành phố Rạch Giá, sống sung sướng, để lại sau lưng xóm nghèo với những giọt nước mắt của những người dân chất phác, cả tin... (còn tiếp)
Tiến Trình
Bình luận (0)