Tích tụ ruộng đất và bốn hạn chế

24/03/2009 00:14 GMT+7

Nông nghiệp sản xuất lớn phải tích tụ đất đai. Kinh tế thị trường phải tích lũy tư bản. Đó là quy luật tất yếu của sản xuất lớn, bất kể dưới hình thức nào. Tuy nhiên, tích tụ đất đai với điều kiện phải giải quyết tốt bốn hạn chế: hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, tình trạng phát canh thu tô trá hình và thất nghiệp đối với nông dân mất đất.

Trước năm 1975, ở miền Nam, chính quyền Sài Gòn thực hiện luật người cày có ruộng, không hạn chế diện tích đối với người trực canh, thực hiện truất hữu đất cho thuê và tái cấp đất cho người trực canh tối đa không quá 3 hecta/hộ; cấm phát canh thu tô. Chủ trương này có vẻ tiến bộ, nhưng việc thực thi cũng không hoàn hảo, đất vẫn còn hình thức trung nông "phát canh thu tô" - thu theo thỏa thuận ngầm, với diện tích không lớn. Do đó sản xuất cũng chưa có tiến bộ đáng kể.

Thời gian ngay sau giải phóng, chính quyền Cách mạng chủ trương điều chỉnh đất đai, vận động người có đất san sẻ cho người không đất hoặc thiếu đất - thực hiện chế độ bình quân nhân khẩu, rồi tuyên bố đất đai là sở hữu toàn dân và vận động tất cả đều vô HTX và tập đoàn sản xuất - một hình thức sản xuất lớn XHCN. Nhưng vấn đề động lực sản xuất, tức là quyền làm chủ thực sự (sở hữu) và nghĩa vụ (lao động) được giải quyết trên quan hệ chính trị - tinh thần chớ không phải quan hệ kinh tế, nên sản xuất ngày càng bị triệt tiêu.

Năm 1986, Đảng chủ trương đổi mới, đất đai tuy còn là sở hữu toàn dân, nhưng nông dân có quyền sử dụng lâu dài và hạn điền là không quá 3 hecta rồi nâng lên 6 hecta/hộ. Đây là một bước tiến mới, sản xuất bung ra, sản lượng tăng vọt, lúa gạo dư thừa. Nhưng có trở ngại cho hội nhập thị trường thế giới là do sản lượng và chất lượng không đồng đều, không ổn định. Muốn có sản lượng lớn phải tích tụ đất đai dưới dạng thuê đất (nộp tô) hoặc nhờ người đứng tên dùm; song vẫn không an tâm vì thời hạn sử dụng đất được ghi là 20 năm. Trong khi đó đất dự án công nghiệp hoặc phi nông nghiệp kể cả làm sân golf thì hạn điền là không hạn chế và thời hạn thuê đất gấp 3-4 lần thời hạn nông dân sử dụng đất. Như vậy, Luật Đất đai hiện hành có 2 nhược điểm lớn căn bản: hạn điền 6 hecta/hộ và thời gian sử dụng 20 năm. Tình trạng tái phát canh thu tô đang khá phổ biến. Đất thuê thì sẽ không được đầu tư cải tạo mặt bằng, thủy lợi, cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ kỹ thuật và người nông dân cũng sẽ không an tâm đầu tư nhân tài vật lực nên sản xuất sẽ không bền vững.

Nay muốn lên sản xuất lớn, hội nhập quốc tế thành công, thì điều kiện tiên quyết trong sản xuất nông nghiệp là tích tụ đất đai, trong đó giải quyết vấn đề hạn điền và thời hạn sử dụng, hạn chế tối đa khả năng phát canh thu tô trá hình như hiện nay. Giải quyết những hạn chế này không khó, chỉ cần tu chính luật, nhưng một vấn đề lớn được đặt ra là người nông dân khi không còn đất, rời khỏi nông thôn mà ít chữ nghĩa, không có nghề thì làm gì để sống? Vấn đề này đáng lý đã được giải quyết cách đây 23 năm khi triển khai công tác giáo dục phổ thông và dạy nghề cùng lúc với đổi mới quản lý nông nghiệp. Nay giải quyết bài toán tích tụ - tập trung đất đai không khéo thì sẽ xảy ra sự cố như tai nạn của trò chơi tung-hứng. Có tung mà không có hứng. Người nông dân không đất nếu không được bố trí lao động phù hợp rất dễ trở thành một bài toán xã hội nan giải. 

Theo đề xuất của người viết, tích tụ đất đai thực hiện được với điều kiện phải giải quyết tốt bốn hạn chế như đã nêu (hạn điền, thời hạn sử dụng đất đai, phát canh thu tô trá hình và tình trạng thất nghiệp đối với nông dân mất đất). Đó là định hướng đi lên sản xuất lớn của chúng ta.

Nguyễn Minh Nhị

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.