Mặc dù xác định trong ngày đầu tiên áp dụng biên độ mới chưa thể đánh giá chính xác được điều gì về xu hướng, nhưng ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc Techcombank khi trao đổi với PV Thanh Niên hôm qua cũng khẳng định: "Các doanh nghiệp nhập khẩu đã mua được ngoại tệ từ ngân hàng nhiều hơn và có thêm nhiều doanh nghiệp bán USD. Tính thanh khoản của thị trường ngoại tệ đã được cải thiện rõ rệt". Theo ông Vinh, nhiều doanh nghiệp đã bắt đầu phục hồi hoạt động, được vay vốn hỗ trợ lãi suất nên đẩy mạnh việc nhập khẩu thiết bị máy móc phục vụ sản xuất khiến nhu cầu về ngoại tệ tăng cao. Ông Vinh cho biết trong tháng 2.2009, doanh số thanh toán quốc tế của Techcombank tăng 20% dù thị trường ngoại tệ khá căng thẳng.
Nhận định về biến động của giá USD trong những ngày tới, ông Nguyễn Đức Hưởng, Tổng giám đốc Ngân hàng cổ phần Liên Việt nói: "Việc nới lỏng tỷ giá thường là có biến động tâm lý đẩy giá lên nhưng tôi dự đoán đợt nâng tỷ giá này không có biến động lớn".
Tại Hà Nội, sau khi tin tức về việc điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-3% lên +/-5% được phát đi, giá USD trên thị trường tự do có lúc đạt tới 18.000 VND/USD. Tuy nhiên, ngay trong sáng qua - ngày đầu tiên áp dụng biên độ tỷ giá mới - giá USD đã giảm trở lại và hạ gần sát mức giá bán chính thức tại ngân hàng. Đến trưa cùng ngày, theo khảo sát của PV Thanh Niên, giá USD trên thị trường tự do chỉ còn 17.830 VND/USD, mua vào ở mức 17.730 VND/USD. Trên phố Hà Trung - trung tâm giao dịch USD tiền mặt tại Hà Nội, việc mua bán USD chỉ tấp nập tại 2 cửa hàng lớn, còn các cửa hàng khác khá vắng vẻ. (Ngọc Thắng) |
Theo nhận định của một số chuyên gia tiền tệ khác, biên độ tỷ giá +/-5% mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra trên thực tế đã tính tới giá USD giao dịch mà các ngân hàng đã sử dụng các biện pháp nghiệp vụ để có thể mua, bán được với các doanh nghiệp trong những ngày trước đó. Cũng chính vì lý do này, việc mua bán USD giữa các ngân hàng và doanh nghiệp trở nên thuận lợi hơn do họ không cần phải áp dụng các biện pháp để "lách trần".
Tuy nhiên, một chuyên gia có kinh nghiệm về ngoại hối lại có nhận định khác: vấn đề không chỉ là xác định một mức tỷ giá bao nhiêu cho phù hợp bởi nhu cầu là không giống nhau ở các ngân hàng, doanh nghiệp cũng như cá nhân. Tỷ giá ở mức hiện nay có thể là tạm ổn cho nhiều giao dịch nhưng nó vẫn khiến cho không ít giao dịch không thể thực hiện được do không phù hợp giữa người bán và người mua. "Vấn đề là phải tạo thêm các công cụ về ngoại hối trên thị trường để các thành viên có thể mua bán với nhau chứ không đơn thuần là đưa ra một mức tỷ giá phản ánh một lượng nhu cầu mua, bán chiếm ưu thế trên thị trường", chuyên gia này nhận định.
Hoàng Ly
Bình luận (0)