Nghịch lý xe buýt ở TP.HCM

24/03/2009 23:37 GMT+7

Nhiều đại biểu, chuyên gia giao thông đã tham gia góp ý cho xe buýt tại Hội nghị chuyên đề nâng cao chất lượng xe buýt do HĐND TP.HCM tổ chức sáng qua 24.3.

Ông Dương Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT TP.HCM thừa nhận nhiều "bệnh" cũ của xe buýt đến nay vẫn chưa khắc phục được, như: tiếp viên có thái độ không tốt, phân biệt đối xử với hành khách, xe không dừng hẳn khi đón trả khách, chạy không đúng biểu đồ giờ...

Người dân “ngán” xe buýt

Ông Huỳnh Công Hùng, Phó ban Kinh tế ngân sách HĐND TP.HCM đưa ra những con số khảo sát cho thấy mức độ hài lòng của người dân với xe buýt đã sụt giảm đáng kể. Cụ thể, số ý kiến hài lòng về tài xế, tiếp viên xe buýt giảm từ 75% năm 2006 xuống còn 67,8% năm 2008. Số hành khách sử dụng vé tháng và vé tập bị phân biệt đối xử tiếp tục tăng từ 8,5% năm 2006 lên 23% trong năm 2008. An toàn được xem là một trong những ưu điểm của xe buýt thì nay bắt đầu lung lay khi 58% xe chạy nhanh và ẩu, 44,6% xe không dừng hẳn để đón trả khách. Trong năm 2008, xe buýt gây ra đến 23 vụ tai nạn giao thông, làm chết 21 người và bị thương 6 người. Ông Hùng đặt câu hỏi phải chăng đây là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người ngán ngại đi xe buýt.

Đại biểu HĐND TP Trương Trọng Nghĩa đưa ra một hình ảnh phản cảm, đó là dãy xe buýt nối đuôi nhau giữa một rừng xe gắn máy, tuy nhiên trên các xe buýt này lại trống khách. "Như vậy, xe buýt không những không đảm đương được vai trò của mình trong giờ cao điểm mà chính nó lại góp phần gây ùn tắc. Đây chính là điểm yếu trong khâu quản lý điều hành, cần khắc phục ngay", ông Nghĩa bức xúc.

Theo Sở GTVT, đến nay toàn TP.HCM có 151 tuyến xe buýt trong đó có 36 tuyến không trợ giá. Tổng số xe buýt hiện đang khai thác phục vụ hành khách là 3.225 xe. Lượng khách đi xe buýt đạt bình quân 936.000 lượt khách/ngày. (Minh Nam)

Lý giải các tồn tại của xe buýt, ông Dương Hồng Thanh cho rằng xe buýt hiện nay đang hoạt động trong hoàn cảnh hết sức khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất là thiếu quỹ đất để hình thành các bến bãi, trạm trung chuyển dẫn đến thiếu liên kết giữa các tuyến xe buýt. Đó là chưa kể với tình trạng đào đường trên diện rộng như hiện nay, lộ trình các tuyến buýt phải thay đổi liên tục ảnh hưởng đến thói quen đi lại của hành khách.

Trợ giá đến bao giờ?

Đề cập đến vấn đề tìm nguồn thu thêm cho xe buýt, PGS.TS Phạm Xuân Mai (ĐH Bách khoa TP.HCM) nói: "Dễ thấy nhất và hiệu quả nhất là việc quảng cáo trên thân xe buýt, có thể thu được 120 - 150 tỉ đồng/năm nhưng không hiểu sao đến tận bây giờ vẫn chưa triển khai? Các nước tiên tiến trên thế giới đều làm, các tỉnh thành khác trong cả nước đều làm, tại sao TP.HCM lại cấm?”. Đại biểu HĐND TP Ngô Minh Hồng cũng tán thành việc quảng cáo trên xe buýt để tăng thu, giảm trợ giá. Bà Hồng nhấn mạnh tại sao TP.HCM lại bỏ qua khoản thu chính đáng này?

Một vấn đề cũng được nhiều đại biểu quan tâm là việc sử dụng trợ giá thời gian qua và xe buýt đã thực sự khai thác tối đa năng lực của hệ thống hiện hữu? Theo Sở GTVT, con số trợ giá xe buýt năm 2002 chỉ 40 tỉ đồng, nhưng đến năm 2008 đã đội lên 610 tỉ đồng, tăng gấp 15 lần! Đại biểu HĐND TP Nguyễn Minh Hương cho rằng quan trọng không phải là trợ giá ít hay nhiều, mà là trợ giá đã hiệu quả chưa? Bà Hương đặt yêu cầu trợ giá phải trên cơ sở khai thác tối đa hệ thống luồng tuyến xe buýt, vì hơn 3.200 xe buýt hiện nay vẫn chưa khai thác hết là không hợp lý.

Chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo cũng đồng tình với việc xe buýt vẫn chưa khai thác được hết năng lực, vì còn có thể phục vụ gấp 3 lần số lượng khách hiện nay. Bà Thảo cho rằng trong khi chưa có metro, monorail thì xe buýt vẫn là phương tiện công cộng số 1 để giảm kẹt xe. Do đó, phải tập trung nâng cao chất lượng xe buýt, đảm bảo cơ sở hạ tầng, khuyến khích người dân đi xe buýt...

* Việc quảng cáo trên hệ thống xe buýt tại Đà Nẵng đã thực hiện từ năm 2008. 15 xe buýt của TP Đà Nẵng chạy các tuyến Hòa Khánh - Chợ Hàn - Cổ Viện Chàm... của Công ty cổ phần quản lý bến và dịch vụ vận tải Đà Nẵng đã hợp đồng hai mặt trái phải của xe với các doanh nghiệp trên địa bàn TP để các doanh nghiệp đăng tải các hình ảnh quảng cáo của đơn vị mình. (Bảo Nguyên)

* TP Cần Thơ hiện có 114 xe buýt đang hoạt động, trong đó 55 xe do Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ đầu tư phục vụ việc đi lại của người dân và 59 xe liên doanh với các cá nhân bên ngoài. Ông Nguyễn Quốc Bửu, Giám đốc Công ty công trình đô thị TP Cần Thơ cho biết, việc quảng cáo trên xe buýt ở Cần Thơ không bị cấm cản và đã góp phần tăng nguồn thu, giảm chi phí cho hoạt động xe buýt. (Trường Phong)

* Tại Hà Nội, ngoài Tổng công ty vận tải Hà Nội giữ vai trò chủ lực trong hoạt động xe buýt, còn có sự tham gia của một số doanh nghiệp như Bắc Hà, Bảo Yến, Đông Anh... Hầu hết doanh nghiệp đều sử dụng hai bên thành xe buýt để quảng cáo. Các doanh nghiệp này trực tiếp đứng ra tìm kiếm khách hàng và ký hợp đồng cho thuê thành xe để quảng cáo, mỗi doanh nghiệp có bảng giá quảng cáo riêng. (Xuân Toàn)

Phương Thanh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.