Bể hụi miền Tây - Bài cuối: Hụi viên “ảo” và những nạn nhân thật

25/03/2009 00:03 GMT+7

Bà cụ ngồi co ro bên lò chuối nướng, trước cửa tiệm tạp hóa nhỏ ở xóm nghèo tại thị trấn Sông Đốc (H.Trần Văn Thời, Cà Mau). Hàng chục năm nay, hai vợ chồng già sống chắt mót từng đồng từ lò chuối và tiệm bán “cóc ken” này. Khi nghe chúng tôi hỏi đến chuyện bể hụi, bà đã bật khóc. Ông bà lão tội nghiệp vừa bị một chủ hụi lừa giật hết số tiền mà theo ông bà là để phòng khi trăm tuổi...

Hụi “ma”

Công an tỉnh Cà Mau vừa khởi tố, bắt giam một chủ hụi về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” tại thị trấn Sông Đốc, nơi trước nay nổi tiếng với quá nhiều vụ bể hụi. Trong tờ tường trình gửi công an, 34 người ký tên tố cáo họ bị chủ hụi Trần Kim Phụng lừa trên 1,6 tỉ đồng. Trong đó, vợ chồng cụ bà Phạm Thị Nhanh khai bị lừa 71 triệu đồng, đó là số tiền chắt mót cả đời cộng với số nợ hàng chục triệu mà ông bà phải gánh trong thời gian đóng hụi cho Phụng.

Những nạn nhân này trình bày vợ chồng Phụng đến nói có mở 3 dây hụi tháng và 2 dây hụi ngày và mời tham gia với những hứa hẹn chênh lệch hấp dẫn. Nghe vậy, ông bà Nhanh đã lấy hết số tiền dành dụm để tham gia với ý định kiếm ít tiền lãi. Trong thời gian này, nhiều hụi viên cần tiền đến bỏ hụi để hốt nhưng rất hiếm ai có thể hốt được. Khi có người bỏ cao mấy thì Phụng cũng nói có một người nào đó bỏ cao hơn, hốt trước. Thế là họ đành tiếp tục đóng tiền vào để nuôi hụi sống. Đến khi vợ chồng Phụng ôm tiền đóng hụi bỏ trốn, những nạn nhân có dịp họp lại với nhau và phát hiện ra đã có gần 30 hụi viên “ảo” được Phụng bịa ra để hốt hụi, nhằm ngăn các hụi viên thật bỏ cao lấy tiền. Cho đến khi số tiền chiếm đoạt đã nhiều, mọi chuyện vỡ lẽ thì vợ chồng Phụng đã cao bay xa chạy.

 

Đơn thư tố cáo của hàng chục hụi viên trong vụ bể hụi tại xã Thạnh Phước, Giồng Riềng, Kiên Giang

Người chơi hụi gọi hình thức dựng lên chân hụi giả của chủ hụi là “hụi ma”. Phần lớn những vụ bể hụi đều có dấu hiệu hình sự, các chủ hụi đều thừa nhận mình đã “phù phép” cho những hụi viên thật chơi chung đường dây hụi với những hụi viên “ảo” để những hụi viên chưa hề tồn tại này hốt hụi khi đến kỳ hạn khui. Bằng cách này, tiền đóng của hụi viên thật bị chủ hụi chiếm trọn.

Phần lớn những nạn nhân của các vụ bể hụi mà chúng tôi tiếp xúc đều thiếu chứng từ ghi nợ. Họ chỉ nhớ đã đóng bao nhiêu lần, bao nhiêu chân rồi quy ra bấy nhiêu tiền. Tiền trăm triệu, tiền tỉ hầu hết chỉ được chủ hụi ghi vắn tắt vào sổ tay, không đầu, không đuôi, thiếu điều kiện ràng buộc... Thế cho nên không ít lần sau khi nổ ra bể hụi, chính quyền địa phương mời hai bên đến đối chiếu số tiền bị chiếm đoạt thì cuộc gặp gỡ cũng chỉ trở thành cuộc cãi vã giữa chủ hụi và hụi viên chứ không thống nhất được số tiền bị chiếm đoạt.

Gian nan giải quyết hậu quả

Trong nhiều vụ bể hụi, những hụi viên bị chiếm đoạt tiền thường than phiền vụ việc của họ chậm được giải quyết, hoặc chính quyền, ngành chức năng thiếu “nhiệt tình” khi xem xét giải quyết các vụ bể hụi. Không thiếu những chủ hụi sau khi chiếm đoạt tiền của hụi viên, lánh mặt một thời gian rồi lại quay về sinh sống bình thường với lời hứa “sẽ trả từ từ”, “trả khi có khả năng”. Khi ấy, việc đòi lại tiền hụi bị chiếm đoạt của hụi viên là vô cùng khó.

Theo ông Nguyễn Sơn Ca, Phó giám đốc Sở Tư pháp Cà Mau, điều tiên quyết phải làm là tránh những vụ bể hụi bằng cách giáo dục, nâng cao nhận thực pháp luật về hụi, nhất là nghị định của Chính phủ quy định về họ, hụi, biêu, phường cho người dân. “Ngay cả chính quyền địa phương ở nhiều nơi cũng chưa hiểu rõ tính chất của hụi dân gian là hụi tương trợ, còn hụi mang tính kinh doanh thì phải đăng ký và chịu sự giám sát”, ông Ca nói.

Tại xã Hàng Vịnh, H.Ngọc Hiển (Cà Mau) chúng tôi ghi nhận một trường hợp bể hụi, một số hụi viên đã được tòa án giải quyết cho họ nhận lại tất cả số tiền bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, cho đến nay, khi nhắc đến vụ bể hụi này, nhiều cán bộ xã còn tỏ ra bức xúc. Đó là vụ bể hụi của vợ chồng ông Nguyễn Trường Tam, Phạm Thị Liên, có 53 hụi viên. Trong số này, có 50 hụi viên gửi đơn yêu cầu đến xã. Vốn đã có quá nhiều vụ bể hụi xảy ra trong xã, nên khi được yêu cầu, chính quyền xã đã làm rất bài bản: từ thông báo sự việc bể hụi đến đông đảo hụi viên, đối chiếu nợ, mời chủ hụi đến nghe trình bày rồi mới tiến hành hòa giải. Khi hòa giải không thành, xã chuyển hồ sơ vụ việc lên tòa án huyện. Nhưng tòa án chỉ giải quyết 5 trong số 50 đơn của hụi viên cùng với 3 trường hợp khác không nộp đơn lên xã với hình thức bán toàn bộ tài sản của chủ hụi để trả cho 8 nạn nhân này, mặc cho 45 hụi viên còn lại đang yêu cầu chưa được giải quyết. Bà Diệp Hoàng Hương, Phó chủ tịch UBND xã nói bà lấy làm khó hiểu với cách xử của tòa huyện trong vụ việc trên, nên khi thêm một vụ bể hụi tiền tỉ của bà Trương Hồng Hoa xảy ra, xã đã cử đoàn cán bộ gồm đại diện chính quyền, ban hòa giải và đoàn hội trong xã đến các cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án huyện để đề nghị “nếu có giải quyết vụ việc nên thông báo cho xã và các đương sự biết”. Mặt khác, lãnh đạo xã cũng báo cáo vụ việc với lãnh đạo huyện để xin ý kiến chỉ đạo. Bà Hương thở dài: “Mỗi lần có vụ bể hụi xảy ra là cán bộ xã phải mất cả tháng, chạy đổ mồ hôi chứ đâu đơn giản”.

Trung tá Ngô Thành Thái, Đội trưởng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an thị xã Bạc Liêu cho rằng, nạn nhân của những vụ bể hụi thường mong muốn các cơ quan công an vào cuộc, vì như thế chủ hụi mới “sợ” mà trả tiền cho họ. Tuy nhiên, không phải vụ bể hụi nào cũng có dấu hiệu của tội phạm hình sự và những “dấu hiệu tội phạm” ấy không phải lúc nào cũng rõ ràng, dễ xác định nên cơ quan buộc phải cẩn trọng để tránh hình sự hóa các quan hệ dân sự khác. Cũng không thiếu những trường hợp khi cơ quan công an vào cuộc thì đối tượng đã bỏ trốn, hoặc có những trường hợp đưa ra xử lý theo pháp luật thì tài sản của chủ hụi cũng chẳng còn gì để thi hành án.

Tiến Trình – Kim Tuấn – Hoàng Giang

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.