Không có kết cấu khung cứng, đây sẽ là robot hoàn toàn mềm đầu tiên trên thế giới. Theo chuyên gia Cecilia Laschi thuộc Viện Nghiên cứu công nghệ Ý, khó khăn đối với các loại tàu ngầm được điều khiển từ xa hiện tại là "tấm thân" cồng kềnh và cánh tay robot lóng ngóng của chúng không thể xâm nhập vào các ngóc ngách của những dải san hô hoặc các kết cấu đá dưới đáy đại dương. Điều này đồng nghĩa với việc chúng không thể chụp ảnh những nơi nói trên, cũng như không thể lấy mẫu để phân tích. Đó là hạn chế đáng tiếc đối với các nhà hải dương học đang tìm kiếm những dấu hiệu của sự thay đổi khí hậu dưới đại dương và trên những dải san hô ngầm.
|
Vòi bạch tuộc có thể uốn cong theo mọi hướng, nhanh chóng tự làm mỏng hoặc kéo ra gấp đôi chiều dài của chúng để tiếp cận, bắt giữ và "nắn bóp" những vật thể trong những không gian hẹp với độ khéo léo cao. "Vì thế, chúng tôi muốn tái tạo cấu trúc cơ của một con bạch tuộc bằng cách chế tạo một robot không có khung cứng. Đây là điều hoàn toàn mới đối với ngành nghiên cứu công nghệ robot", chuyên gia Laschi nói. Trước đó, một số kỹ sư đã chế tạo được chiếc vòi bạch tuộc với các đoạn phình to bằng khí nén. Nhưng trong khi chiếc vòi này có thể di chuyển tốt, nó lại không thể thu hẹp lại khi bị kéo căng, và cũng không thể hoạt động dưới nước vì đặc tính nổi của không khí bên trong vòi.
Vì thế, Laschi và các đồng nghiệp tại Anh, Thụy Sĩ, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp và Israel đang thử nghiệm các công nghệ cơ nhân tạo có khả năng bắt chước vòi bạch tuộc một cách chính xác hơn. Nhóm nghiên cứu có kế hoạch chế tạo cơ dọc bằng cao su silicon mềm xen kẽ với một loại polymer có hoạt tính điện hóa (EAP), gọi là chất đàn hồi điện môi. Nạp điện trường vào loại vật liệu này và nó nén chặt chất silicon, làm cho cơ ngắn lại. Laschi tự tin sẽ chế tạo được robot bạch tuộc dù có những ý kiến nghi ngờ về hiệu quả của công trình nghiên cứu này. Một khi robot bạch tuộc thành hình, nó sẽ góp phần cải thiện đáng kể hiệu quả hoạt động nghiên cứu đại dương.
Trùng Quang (Theo Times of India)
Bình luận (0)