Đề cử 82 bia Văn Miếu là Di sản tư liệu thế giới

25/03/2009 23:41 GMT+7

UNESCO vừa chấp thuận đề cương đề cử Di sản tư liệu thế giới đối với 82 bia Văn Miếu - Quốc Tử Giám của Việt Nam. Hồ sơ chính thức phải được hoàn tất trong năm 2009 để Chương trình Ký ức thời gian - UNESCO xét duyệt. Thanh Niên trao đổi với TS Đặng Kim Ngọc - Giám đốc khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội xung quanh vấn đề này.

* Thưa ông, bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám có gì độc đáo để chúng ta chọn đề cử?

- Bia tiến sĩ của Việt Nam rất độc đáo, không nơi nào có và cũng rất khác so với bia tiến sĩ Trung Quốc. Cho dù về hình dáng, bia tiến sĩ Trung Quốc có đủ chủng loại (bia vuông, bia tròn...) trong khi ta chỉ có bia dẹt là chính, nhưng hoa văn trang trí trên bia của ta lại phong phú hơn. Có thể coi mỗi tấm bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một tác phẩm nghệ thuật - điêu khắc trọn vẹn. Về điểm này, bia tiến sĩ ở Huế cũng không sánh bằng. Ngoài ra, những bài ký khắc trên bia đều là những áng văn thơ chuẩn mực, không chỉ có giá trị nghệ thuật mà còn phản ánh giá trị tư tưởng, xã hội. Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cũng có bia tiến sĩ, nhưng bia tiến sĩ ở Việt Nam có tính tập trung và tính chuyên sâu cao hơn.

 
TS Đặng Kim Ngọc - Giám đốc khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám

* Chấp thuận đề cử thì cũng chưa chắc đã được công nhận danh hiệu?

- Bây giờ thế giới phẳng, các chuyên gia UNESCO cũng đủ trình độ chuyên môn để biết di sản nào độc đáo, di sản nào không. Họ đều là những người làm việc hết sức minh bạch, vì vậy, không hề có chuyện "chiếu cố". Muốn thuyết phục họ công nhận di sản của mình là độc đáo thì mình cũng phải có những chuyên gia uyên bác. Khi đề cương hồ sơ Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám Việt Nam được gửi lên thì họ đề nghị ta sửa tên hồ sơ là 82 bia tiến sĩ đời Lê và đời Mạc để phản ánh nội dung chuẩn xác hơn. Chúng tôi giật mình và thấy rất phục! Đúng là các bia tiến sĩ còn lưu giữ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Hà Nội) đều có niên đại thời Lê và thời Mạc, chứ không có bia nào thời Trần, thời Nguyễn. Mình còn phải học hành tử tế, phải trang bị kỹ lưỡng hơn khi ra bên ngoài.

* Từ lúc lập đề cương (đầu năm 2009) đến tháng 9.2009 phải hoàn tất hồ sơ chi tiết về 82 bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, liệu có quá vội vàng không?

- Đúng là có trường hợp nước đến chân mới nhảy. Cũng có trường hợp nhiều khi chúng ta vội vàng đề cử chỉ vì quá say mê, quá yêu quý di sản đó trong khi chưa nhận diện đầy đủ về nó, và tổ chức quá nhiều hội thảo quốc tế vẫn chưa ra kết luận. Riêng về bia tiến sĩ, chúng tôi không hề vội vàng, thậm chí có thể nói là hơi chậm, bởi đã có một quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng trong hàng chục năm.

Tiêu chí của UNESCO là lựa chọn những di sản có giá trị độc đáo, không tiền khoáng hậu. Mỗi nước chỉ được chọn 1 di sản tư liệu ứng cử cho mỗi năm. Trước bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám, UNESCO mới chỉ chấp nhận mộc bản triều Nguyễn là Di sản tư liệu thế giới.

* Mấy năm trước, Việt Nam đã có ý định đề cử khuôn viên Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Tứ trấn là di sản thế giới. Thực hư chuyện này thế nào, thưa ông?

- Khi đang xin phép làm hồ sơ Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Tứ trấn để đề cử Di sản thế giới thì phát lộ sự kiện Hoàng thành Thăng Long. Vì vậy, ta đề cử Hoàng thành Thăng Long trước. Tuy nhiên, theo quan điểm của tôi, không thể xếp hạng di sản thế giới đối với cả Kinh thành Thăng Long được. Tứ trấn là khu vực bao quanh các đền Quán Thánh (phía Bắc), đền Bạch Mã (phía Đông), đền Voi Phục (phía Tây), đền Kim Liên (phía Nam). Ý nghĩa lịch sử thì to lớn, nhưng hiện nay, kiến trúc còn lại chủ yếu mang dấu ấn thời hậu Lê và Nguyễn, như vậy chưa đủ sức đại diện cho Kinh thành Thăng Long 1.000 năm. Chưa kể, nhiều di tích đang bị dân xâm lấn. 

Y Nguyên (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.