Nguy hiểm rình rập từ trạm biến áp

26/03/2009 01:53 GMT+7

Hai vụ nổ trạm biến áp xảy ra liên tục những ngày qua trên địa bàn TP Hà Nội khiến người ta lo ngại về tình trạng an toàn của những công trình này.

Vụ nổ trạm biến áp trước sân nhà A27, khu tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trưa 23.3, không gây thiệt hại về người nhưng ngọn lửa bùng cháy dữ dội đã thiêu trụi toàn bộ đồ đạc trong gian bếp của một gia đình dưới chân cột điện.

Còn vụ nổ trạm biến áp Vĩnh Tuy 3, phường Vĩnh Hưng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) ngày 19.3, mà nguyên nhân được báo cáo là chập điện, khiến hàng trăm hộ dân trong khu vực hoảng loạn.

Điều đáng nói, trạm biến áp Vĩnh Tuy 3 nằm ngay trong khuôn viên nhà văn hóa, nơi thường có nhiều người đến tham gia tập luyện thể dục thể thao. Chưa hết, nhà chứa máy biến áp nằm áp sát với gian nhà lắp đặt đồ chơi thiếu nhi, dụng cụ rất dễ bắt điện nếu hệ thống dây cáp điện tại đây chẳng may rò điện. “Rất may lúc xảy ra vụ nổ, bà con đã ra về, chỉ còn tôi kẹt lại phía trong vì đang bận khóa cửa nhưng may mắn thoát nạn. Nếu vụ nổ xảy ra sớm hơn, chắc chắn nhiều người sẽ gặp nạn...”, ông Dương Văn Đố, Tổ trưởng tổ dân phố số 5, đồng thời là nhân chứng vụ việc kể lại.

Chúng tôi đã tiến hành một khảo sát nhỏ tại một số điểm đặt trạm biến áp và phát hiện, hành lang an toàn của công trình điện này đang bị xâm hại nghiêm trọng. Và theo các chuyên gia, đây chính là nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến các vụ cháy nổ tiếp theo trong điều kiện thời tiết mùa hè oi bức cộng với sự thiếu ý thức của người dân trong việc chấp hành quy định đảm bảo an toàn cho các trạm biến áp.

Ông Trần Đăng Thịnh, giảng viên môn Thiết bị điện (Khoa Điện trường ĐH Bách Khoa Hà Nội) cho biết: trạm biến áp hiện có loại lắp đặt kín (đặt trong nhà - PV) và loại lắp đặt hở, thường được đặt cao khoảng 2m so với mặt đất. Hành lang an toàn cho trạm biến áp hở là 0,5m, tính từ chân cột đến công trình dân dụng và 3 mét đối với loại kín. 

Nhưng trên thực tế, rất ít trạm biến áp thỏa mãn các tiêu chí an toàn kể trên. Chẳng hạn ngay trong vụ nổ trạm biến áp trước sân nhà A27, tập thể Nghĩa Tân, một hộ dân đã tận dụng diện tích ngay dưới chân trạm biến áp làm nơi đặt bếp nấu ăn.

Tương tự, tại trạm biến áp loại hở Cầu Mới đặt ở đầu ngõ 47B, phố Khương Thượng, khoảng diện tích ít ỏi giữa hai chân cột điện cũng bị người dân căng bạt, chiếm dụng làm hàng quán. Vào buổi chiều, họ còn nhóm lửa, bắc lò than đun nấu sát chỗ đặt tủ điện và máy biến áp, bất chấp biển cảnh báo nguy hiểm treo ngay phía trên đầu.

Hay như trạm biến áp Trung Liệt 1, trước cửa nhà số 230 Tây Sơn, ban công ngôi nhà và máy biến áp chỉ cách nhau chưa đầy một mét.

Sự lơ là trong công tác quản lý của các cơ quan chức năng và sự thiếu ý thức của người dân là nguyên nhân chính khiến nhiều trạm biến áp hiện đang bị xâm hại, bất chấp quy tắc về an toàn lưới điện.

Ông Nguyễn Văn Bình, một người dân sống tại ngõ 117/67 Thái Hà cho biết, trạm biến áp 117 Thái Hà được xây dựng vào năm 1995, khi đó nó cách xa khu dân cư hiện hữu đến vài chục mét; hiện tại, nhà dân đã “ăn” sát vào chân trạm biến áp.

Các vụ nổ trạm biến áp liên tục thời gian gần đây, tuy chưa có thiệt hại về người xảy ra nhưng đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn tại các công trình này. Đòi hỏi cả cơ quan quản lý và người dân phải có ý thức trong việc bảo vệ an toàn công trình và tính mạng con người.

Phan Hậu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.