Nhìn đứa trẻ đỏ hỏn co ro trong tấm vải rách bươm, mệ Nguyễn Thị Chiệc (thôn Đông Lưu, xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên - Huế) - mẹ của người đàn ông thứ ba - nhận em về, sống nhờ bầu sữa của thiên hạ...
Nước mắt “mồ côi”
Tin mệ Chiệc nhận một đứa trẻ không cha còn đỏ hỏn về nuôi khiến cả làng Đông Lưu xôn xao. Mọi người lũ lượt kéo nhau đến xem mặt mũi đứa bé, rồi đều chép miệng thở dài ái ngại cho bà lão 60 tuổi nuôi thân chưa nổi lấy gì để nuôi thêm đứa trẻ sơ sinh mới tròn tuần tuổi.
Ngày mệ Chiệc nhận em về nhà, người con trai của mệ không chịu nổi những lời dị nghị đã bỏ quê. Mệ Chiệc chưa kịp đặt tên cho đứa trẻ thì người trong làng đã gọi em là Giao để ám chỉ người đàn bà từ chối quyền làm mẹ.
Trước lúc trao con cho mệ, người mẹ tội lỗi chỉ kịp cho đứa bé bú no bụng sữa cuối cùng rồi quệt nước mắt đi thẳng.
“Ôm đứa bé trong tay, tui cứ nghĩ biết đâu đây là giọt máu của con trai mình. Mới sinh ra đã gặp bất hạnh, mình mà bỏ rơi nó thì mang tội” - mệ Chiệc nhớ lại chuyện của 16 năm trước.
Sau mấy tiếng đồng hồ xa mẹ, đứa bé đói sữa khóc ngằn ngặt không dỗ dành được. Mệ Chiệc bồng bé Giao chạy khắp làng tìm những phụ nữ mới sinh để xin cho cháu bú nhờ. Vừa chạy vừa dò hỏi cũng chẳng tìm được ai, đứa bé trên tay đói lả không còn sức để khóc.
May sao gặp được chị Phan Thị Bê - tổ trưởng phụ nữ của thôn, lấy xe đạp chở hai bà cháu ra bệnh viện huyện mới xin được sữa. Đứa bé bú no tươi tỉnh trở lại, mệ Chiệc rưng rưng cảm tạ người phụ nữ tốt bụng rồi lủi thủi bồng cháu ra về.
Một bác sĩ sản khoa dúi vào tay mệ mấy chục bạc bảo về mua thêm sữa bột cho cháu: “Hàng ngày mệ cứ bồng cháu đến đây, tụi con sẽ xin sữa giúp mệ”.
Từ đó, ngày hai bận, mệ Chiệc bồng cháu cuốc bộ gần ba cây số đi về xin sữa cho cháu bú. Những lúc mưa gió phải kiêng cữ, mệ chắt nước cơm hòa thêm đường thay cho sữa mẹ, bé Giao cũng được no bụng.
“Tội nghiệp cho nó, hình như cũng biết phận mình hẩm hiu nên không khóc quấy như mấy đứa trẻ khác”, mệ Chiệc kể.
Mãi đến năm lên sáu tuổi, bé Giao mới được khai sinh tử tế với tên Lê Thị Ngọc Phượng, lấy theo họ con trai mệ Chiệc. Thấy những đứa trẻ trong làng cắp cặp đến trường, Phượng Giao cũng về xin mệ cho đi học.
Em nói: “Mệ cho con đi học, con xin bác Trang gói bánh lọc kiếm tiền mua sách vở”. Mệ Chiệc ôm cháu vào lòng mà nước mắt chảy dài, trách mình không lo cho cháu được đủ đầy.
Lớn hơn chút nữa, em xin phụ việc ở tiệm bánh kem để có tiền nộp học phí, vì mệ Chiệc ngày càng già yếu không làm gì kiếm ra tiền. Hàng ngày, em dậy từ ba giờ sáng đi bộ đến tiệm bánh làm việc.
Khoảng gần bảy giờ xin chủ cho nghỉ để đến lớp, chiều về tranh thủ học bài để tối bán bánh mì dạo kiếm thêm tiền đong gạo. Đến năm 2005, tiệm bánh kem bị giải tỏa, Phượng Giao làm thuê đủ mọi nghề.
Năm 2008, trong một lần giặt quần áo thuê, em bị chủ nhà giở trò đồi bại. “Ông T. gọi em vào phòng ngủ lấy mấy bộ quần áo bẩn đi giặt. Vừa vào phòng, ông khép cửa rồi bế thốc em lên giường bắt em phải làm chuyện đó, em sợ quá vùng dậy đạp cửa chạy ra ngoài”.
Mệ ôm Phượng vào lòng nói: “Mệ có lỗi với con, chừ có đói mấy mệ cũng không cho con đi làm thuê nữa”.
Bắt ốc nuôi ước mơ làm cô giáo
Không còn làm thuê, hai bà cháu trở lại cái nghề bắt ốc, hái rau mà nhờ nó trước đây mệ Chiệc đã nuôi bé Phượng khôn lớn. Ở quê toàn đồng ruộng nên ốc bươu vàng chỗ nào cũng có, nhưng cũng lắm người đi bắt.
Lội ruộng cả buổi, bé Phượng bắt được khoảng 10kg ốc, bán cho người chạy chợ được 15.000 đồng; còn mệ Chiệc đi quanh xóm đào rau má, rau dền đỏ...
Hai bà cháu tằn tiện lắm mới đủ tiền mua gạo hàng ngày. “Còn hơn tháng nữa là thi học kỳ, em cố gắng bắt nhiều ốc dành dụm đủ 72.000 đồng đóng tiền học phí nhà trường mới cho thi” - bé Phượng lo lắng. Phượng đang học lớp 9/8 trường THCS Thị trấn Phú Lộc (Phú Lộc, Thừa Thiên - Huế).
Bây giờ, đôi bàn tay của Phượng chai sần, các móng tay xỉn màu vàng vọt. Ngày nào cũng ngâm dưới ruộng bùn nên bị đóng phèn, chẳng phải bệnh tật gì cả. Rồi em nói lo cho mệ vì mệ hay đau lắm, “mới hôm trước mệ lại sốt nhưng không chịu uống thuốc vì sợ tốn tiền”.
Đợi Phượng xuống bếp nấu cơm, mệ Chiệc mới mở chiếc tủ cũ nát lấy ra mấy tấm giấy khen vàng ố, nói nhỏ: “Lúc trước nó học khá lắm, năm mô cũng được nhận giấy khen và sách vở. Bây chừ tui già yếu, mình nó phải tự xoay xở kiếm tiền nên sức học bị giảm sút. Nó nói với tui là cực mấy cũng cố gắng học để sau ni làm cô giáo”. Mệ chép miệng thở dài, lo đoạn đường phía trước còn dài quá.
Chúng tôi hỏi Phượng vì sao lại muốn làm cô giáo, em hồn nhiên: “Để dạy chữ cho học sinh nghèo. Lớp em có mấy bạn nhà nghèo không có tiền phải nghỉ học, tội lắm”.
Theo Lê Hải / Tiền Phong
Bình luận (0)