Bộ trưởng Y tế Singapore, ông Khaw Boon Wan, nói rằng điều khoản trong Luật Ghép nội tạng (HOTA) cấm bệnh nhân thận trả tiền cho người khỏe mạnh để có một quả thận là "lỗi thời và không công bằng". Ông Khaw cho biết, trong năm 2008, Singapore có 26 người chết trong khi chờ được ghép thận. Hơn 560 người đang ở trong danh sách chờ, với thời gian trung bình là 9 năm, để có được một quả thận từ các tử thi.
Bà Lee Wei Ling, Giám đốc Viện Thần kinh quốc gia và là em gái Thủ tướng Singapore, ủng hộ điều luật này. Theo bà, người khỏe mạnh mất một quả thận sẽ không hề hấn gì; trong khi bệnh nhân thận ở giai đoạn trầm trọng nếu được ghép thận sớm sẽ tiết kiệm được khoản chi rất lớn cho việc chạy thận, giảm nhẹ gánh nặng cho hệ thống y tế, lại cải thiện được tuổi thọ đáng kể so với ghép muộn. Nhưng nhiều người vẫn lo ngại điều luật đó có thể khiến người nghèo trong khu vực tìm đến Singapore để bán thận. Mà cũng không nói đâu xa, hàng trăm ngàn công nhân nước ngoài đang lao động tại đảo quốc sư tử đứng trước nguy cơ mất việc phải trở về nước cùng nợ nần chồng chất, có thể sẽ tìm cách bán một phần nội tạng trong lúc quẫn bách.
Đại gia mua thận
Năm 2007, ông Tang Wee Sung, 54 tuổi, Chủ tịch điều hành CK Tang Ltd., tập đoàn bán lẻ nổi tiếng với những cửa hàng thời trang Tangs ở khu mua sắm tráng lệ Orchard và nhiều nơi khác trên đảo quốc sư tử, rơi vào giai đoạn cuối của căn bệnh thận. Mỗi tuần ông phải chạy thận đến 6 ngày. Ông cũng bị rớt khỏi danh sách bệnh nhân chờ được nhận thận của Bộ Y tế bởi sức khỏe quá kém. Tháng 6 năm ngoái, đại gia kinh doanh thời trang này đã bị bắt do dàn xếp mua quả thận của một thanh niên Indonesia với giá 300.000 SGD (khoảng 3,5 tỉ đồng). Người định bán thận là Sulaiman Damanik, 26 tuổi, ở một làng quê trên đảo Sumatra. Anh này bay sang Singapore chuẩn bị bán thận thì bị bắt và ngồi tù hai tuần khi chưa được trả đồng xu nào. Ông Tang cũng lãnh án tù một ngày (trên thực tế ông chỉ bị giam hai tiếng đồng hồ do sức khỏe kém) và chịu phạt 17.000 SGD (gần 200 triệu đồng) vì vi phạm luật HOTA và khai man.
Phiên tòa xử ông Tang khi ấy đã gây chấn động Singapore. Đặc biệt, các cổ đông của CK Tang nổi dóa vì lâu nay vị chủ tịch ra sức che giấu bệnh tình. Tháng 8.2008, ông buộc phải rời chiếc ghế chủ tịch.
Đại ca hiến thận
Sáng ngày 9.1.2009, nước Singapore lại chộn rộn với tin ông Tang được ghép một quả thận tại Bệnh viện Đại học quốc gia. Quả thận khỏe mạnh được biết là của một tay giang hồ khét tiếng có biệt danh "Độc nhãn long" bị treo cổ cùng buổi sáng hôm ấy tại nhà tù Changi. Gã này hỏng mắt phải, tên thật là Tan Chor Lin, 42 tuổi, từng là thủ lĩnh một bộ ba giang hồ tung hoành ở Singapore và Malaysia. Theo báo Straits Times, Tan là con út trong một gia đình có 7 người con. Cha mẹ Tan di cư sang Singapore từ tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Từ rất nhỏ, Tan đã gia nhập băng nhóm Ang Soon Tong với chân rết ở Singapore và tiểu bang Johor Bahru của Malaysia. Nhóm này chuyên buôn lậu súng, thuốc phiện, cờ bạc, rửa tiền và đến nay vẫn tồn tại. Đêm 15.2.2006, Tan lẻn vào nhà và bắn chết một người đàn ông với sáu phát đạn. Giết người xong, gã trốn sang Malaysia, 10 ngày sau thì bị bắt tại một khách sạn. Gã bị dẫn độ về Singapore tháng 3.2007 và tháng 5 thì bị kết án treo cổ. Hồi tháng 8.2008, gã gửi thư lên Tổng thống xin khoan hồng, nhưng bị từ chối.
Anh trai của kẻ quá cố kể với Straits Times rằng, trước hôm hành quyết vài ngày, gã tỏ ra bình thản và thổ lộ mong muốn hiến tặng hai quả thận, gan và nhãn cầu còn lại. Gia đình kẻ quá cố nói rằng không biết người nhận thận là ai. Gia đình đại gia CK Tang cũng nói không biết ai là chủ nhân quả thận mà ông Tang được nhận. Bộ trưởng Y tế Khaw nói rằng ông vui mừng vì "Độc nhãn long" đã hiến tặng nội tạng trước khi chết và ông Tang được ghép thận, nhưng từ chối xác nhận quan hệ cho-nhận giữa hai người này.
Tuy vậy, theo điều tra của Straits Times, vào buổi sáng thứ sáu định mệnh của tay giang hồ khét tiếng, ở Singapore chỉ có hai ca ghép thận, của ông Tang và một ca khác ở bệnh viện đa khoa. Đến nay dư luận vẫn thắc mắc liệu "Độc nhãn long" có muốn quả thận của mình được ghép cho một người mà hy vọng cải thiện sức khỏe rất mong manh? Và rằng tại sao một người từng bị rớt khỏi danh sách chờ lại được nhận quả thận ấy?
Vụ "Độc nhãn long" cũng hé mở những bí ẩn xung quanh việc lấy tạng của tử tù tại Singapore. Bác sĩ Lim, một trong 15 người thuộc nhóm ghép thận của Bộ Y tế, từng đi thu nhận nội tạng tử thi đã kể tỉ mỉ công việc này với Straits Times.
Thục Minh (VP Singapore)
Bình luận (0)