Khơi khơi... bò cạp núi!
Đang say sưa bù khú trong một quán nhậu trên đường Lê Thành Phương (TP Tuy Hòa, Phú Yên), tất cả ẩm khách đều… dựng tóc hướng mắt về giỏ hàng “khủng” lổm ngổm những con bọ cạp đen xì. Người phụ nữ độ 50 tuổi, bình thản xách chiếc giỏ nhựa đi dọc các hàng ghế để giới thiệu nguồn gốc, công năng của những con bọ cạp núi.
“Đây là một loại thần dược độc ác liệt! Chữa đau lưng, nhức mỏi, tăng cường sinh lực… tuyệt vời. Loại bọ cạp núi này được bắt ở Tây Ninh, mới được phân phối về! Giá rẻ bất ngờ, chỉ 8.000 đồng/cặp” - người phụ nữ rôm rả giới thiệu. Khi có người cần tận mục sở thị, chị này lẹ làng vạch chiếc túi lưới chứa cả trăm con bò cạp đang ngọ ngoạy, cấu nhau lạo xạo. Con nào con nấy múp rụp đến nhức mắt. Thỉnh thoảng, có chú nào ngóc lên đòi ra, chị dùng bàn tay khá trắng trẻo gạt xuống. Nhưng hãi nhất là đoạn chị tay không bắt từng con bọ cạp lớn để giữa bàn tay, rồi bỏ vào túi nilon bán cho khách hàng. Một ông hỏi: “Nó có cắn đau không?”, chị cười: “Đau chớ, nhưng tui quen rồi, người khác mà bị cắn thì ngón tay thành… cái chày”. Một số người “hổng biết ra sao nhưng nghe… bổ, rẻ” bèn mua mấy cặp để lên bàn, làm mấy ông ngồi cùng dẫu đã ngà ngà nhưng vẫn nhợn, đành kiếm chuyện rút lẹ.
Tôi về gõ mạng tìm kiếm thì phát hiện giống bò cạp này khá nổi tiếng có đến 2,2 triệu địa chỉ. Bách khoa toàn thư mở định nghĩa loài này khá ngắn và… lủng củng: Bọ cạp là giống động vật không xương sống, tám chân thuộc lớp Arachnida (động vật hình nhện). Trang này còn đề cập đến nọc độc của bọ cạp: Ngoài ngoại lệ là loài Hemiscorpius lepturus có nọc độc hoại tế bào, tất cả các loài bọ cạp khác đều có độc làm hủy thần kinh. Những độc tố ảnh hưởng đến thần kinh này chứa một lượng nhỏ
protein, natri và cation kali. Bọ cạp dùng nọc độc của nó để giết hoặc làm tê liệt con mồi. Chúng hành động khá nhanh và hiệu quả. Thật may mắn là nọc độc của đa số loài bọ cạp vô hại đối với con người, tuy nhiên nó có thể gây ra các phản ứng khác như đau, tê cứng hay sưng phồng. (…). Bọ cạp thật ra không đủ nọc để giết chết một người trưởng thành khỏe mạnh. Tuy nhiên, một vài người bị dị ứng với bọ cạp có thể sẽ bị chết. Triệu chứng đơn giản nhất sau khi bị bọ cạp chích là chỗ đau tê cứng trong vài ngày. Bọ cạp nói chung khá nhút nhát và vô hại, chúng chỉ chích khi bắt mồi hay tự vệ. Trong trường hợp nguy hiểm, bọ cạp thường bỏ chạy hoặc đứng yên. (…) Bọ cạp có hai loại nọc: loại nhẹ chỉ làm đối phương choáng váng và loại mạnh đủ để giết chết kẻ thù…
Nhột nhột... rắn lục xanh!
Tuần trước, tôi dẫn vợ đi khám bệnh trên đường Chu Văn An (TP Tuy Hòa), tranh thủ làm ly cà phê sáng thì gặp cảnh còn hay hơn bọ cạp nhiều! Ấy là màn chào hàng rắn lục xanh của một người đàn ông dáng thấp nhỏ, vẻ hiền lành. Giữa quán cà phê, ông vừa quảng cáo, vừa tay trần moi từ lồng sắt ra từng con, từng nhúm lớn rắn lục xanh óng, có con bụng to vì đang có chửa. Ông giảng giải: con thon hơn, có sọc ở bụng là rắn lục đực, con không có sọc là rắn cái. Hứng chí, ông cầm một con to gần bằng cổ tay đưa lên lim dim... ngoáy tai, rồi phát biểu cảm tưởng: “Nhột nhột, đã ngứa lắm, sướng hơn thợ hớt tóc ráy tai”. Nói đoạn, ông chuyển sang tôi và mấy ẩm khách: “Không tin ráy thử coi?!”. Cha mẹ, trời đất ơi, tôi và mấy ông sồn sồn né chạy thục mạng. Có người hỏi: “Không sợ rắn độc cắn à?”, ông đáp tỉnh queo: “Tui có uống thuốc trị rồi, không sao. Loại thuốc gia truyền trị độc này được chế cũng chính từ nọc rắn”.
“Rắn lục… kính mời, kính mời!” |
Biết là ông “có thuốc”, thế nhưng thấy cảnh mu bàn tay của ông bị rắn cắn chảy máu, ông quệt máu vào áo ai thấy cũng kinh! Có người biết gặng hỏi, ông nói: “Cách đây mấy năm, thằng con rể tui do không uống thuốc mà đi bắt đã bị rắn cắn chết tại chỗ, bỏ lại vợ với hai đứa con nhỏ”. Tôi hỏi: “Chú không sợ chết hay sao mà còn làm nghề này?”, ông nói gọn: “Quen rồi, giờ biết làm gì, lỡ có sao thì chịu chớ sao!”. Càng “lạnh” hơn khi nghe ông nói: “Mấy đứa nhỏ trong xóm cũng đi bắt rắn lục bán cho tui. Nếu ai cần số lượng nhiều cứ điện cho tui”.
Vừa bắt rắn bỏ vào om đất bán cho khách, ông vừa quảng cáo: “Hồi trước có ông tướng gì quên tên rồi, cũng nhờ uống thuốc rắn lục mà hết viêm xoang. Còn bà cạnh nhà tui cũng dứt đau khớp kinh niên là nhờ con này”. Rút tiền mua 2 “nàng xanh lè” với giá 80.000 đồng, anh Hồ Văn Hy (28 tuổi, ở phường 4, TP Tuy Hòa) nói với tôi: “Người ta bày, rắn lục đốt thành tro rồi pha nước uống trị bệnh viêm xoang, viêm khớp… rất hiệu nghiệm”(?).
Có vẻ không “danh giá” bằng bọ cạp, khi tôi gõ “rắn lục” - có 687.000 địa chỉ rắn lục trên mạng. Theo trang web ThienNhien.Net, rắn lục xanh hay rắn lục tre có tên khoa học là Trimeresurus stejnegeri Schmidt. Rắn lục có đầu hình tam giác, phủ tấm nhỏ. Lưng có màu xanh lá cây, bụng nhạt hơn lưng, ở sườn (gần sát bụng) có một đường trắng viền da cam hay nâu, đuôi màu nâu đỏ. Rắn lục ăn chuột và ếch nhái, và chúng thường sống ở trên cây trong rừng thường xanh, đẻ từ 3 - 12 trứng/lứa. Chúng có nhiều ở khu vực miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Tuy là loại rắn độc nhưng chúng vẫn bị con người săn bắt và nuôi làm cảnh. Tổ chức Y tế thế giới đã khuyến cáo mỗi nước nên tự sản xuất huyết thanh để điều trị nạn nhân bị rắn độc cắn ở nước mình. Tại Việt Nam, Viện Vắc-xin Nha Trang đã sản xuất hai loại huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và rắn lục tre.
Coi chừng... đại bổ!
Cùng tôi chứng kiến cảnh mua bán “hàng độc” tại quán cà phê, anh Trần Phi Hành (ở phường 3, TP Tuy Hòa) bày tỏ: “Đúng là như phim kiếm hiệp. Chưa nói đến chuyện bổ dưỡng ra sao, riêng kiểu đi bán hàng độc “mọi nơi, mọi lúc” này, tôi thấy quá nhiều bất ổn. Cái kiểu xách bọ cạp, rết, rắn lục… đi bán khơi khơi, nếu lỡ có chuyện gì bất trắc, mấy “ổng, bả” túa ra đường, chui vô nhà dân… thì biết tính sao?!”. Anh Hoàng Thanh Hòa (ở xã Hòa Trị, huyện Phú Hòa, Phú Yên) góp chuyện: “Cơ quan chức năng phải coi có cách quản lý “ra ngô ra khoai” chuyện này, chớ tui nhìn đã thấy hoảng, còn mấy đứa nhỏ, chị em yếu tim chắc hết vía. Việc buôn động vật có thể gây hại cho người, nếu không vào khung “động vật hoang dã” thì cũng nên tập trung lại một chỗ cho dễ coi! Có thể ai muốn mua thì người bán cho ngâm rượu tại chỗ, để mấy “đồ hung, của dữ” này khỏi ngọ ngoạy là an toàn nhất, còn chuyện về ngâm uống ra sao thì tính sau! Riêng việc mấy người mua mấy đồ độc này, xách toòng teng về nhà, lơ đễnh để tụi nhỏ mở ra xem thử con gì, thì nguy to!?”.
Một cán bộ Chi cục Kiểm lâm Phú Yên cho hay: rắn lục, bọ cạp, rết,… là loại động vật hoang dã thông thường, đã có những quy định về khoanh nuôi, sử dụng nhưng việc mua bán nhỏ lẻ “thoắt ẩn thoắt hiện” như thế rất khó quản lý. Còn bác sĩ Nguyễn Hùng, Phó giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Phú Yên cho biết: “Không thể phủ nhận tác dụng chữa bệnh của một số động vật, tuy nhiên, phải có sự hướng dẫn hoặc trực tiếp chế biến, kê toa của thầy thuốc chuyên môn, chứ không thể đùa giỡn với sức khỏe, tính mạng. Đó là chưa kể một số côn trùng, động vật có thể lây lan một số bệnh cho người và gia súc; những loài có thể tấn công, gây độc cho người thì phải hết sức cẩn thận trong khoanh nuôi, di chuyển, mua bán”.
“Trước khi cơ quan quản lý chặt việc sử dụng các loại động vật độc này, người dân phải tự ý thức về sự nguy hại trong kiểu mua “thuốc sống” trôi nổi, chớ nên quá tin vào những kiểu quảng cáo “đại bổ, chữa bá bệnh”, rồi tự ý mua về dùng… đại! Đã có không ít người bị chết hoặc nguy cấp tính mạng vì uống thuốc kiểu này!” - bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Bài & ảnh: Hùng Phiên
Bình luận (0)