Chuyện sau các vụ tạt axít ở Campuchia

30/03/2009 22:45 GMT+7

Trong lúc các vụ tạt axít ở Campuchia có chiều hướng gia tăng thì đằng sau nó là mảnh đời bất hạnh của các nạn nhân, những người phải nép mình trong bóng tối.

Hơn cả cái chết

Khi bị tạt axít, người ta sẽ đau đớn đến mức nào? Hãy tưởng tượng ai đó ấn thanh sắt nung đỏ rực vào mặt hay thân thể bạn. Chiev Chenda đã diễn tả nỗi đau khi bị tạt axít như vậy. Tai họa đến với cô khi một người phụ nữ lạnh lùng tạt loại hóa chất chết người kia vào cô. "Trước đây tôi đã từng nhìn thấy, chăm sóc và chơi đùa với con mình nhưng giờ thì không thể được nữa rồi từ khi tôi bị mù", Chiev nói. Cô mới bị tấn công hồi tháng trước gần nhà mình ở ngoại vi thủ đô Phnom Penh. Chiev Chenda chỉ là 1 trong số hàng trăm nạn nhân bị tạt axít tại Campuchia. Một bản tin của đài VOA cho hay các nhà quan sát nhìn nhận tội phạm tấn công bằng axít ở quốc gia này đang tăng lên.

Theo thông tin từ trang web của Hội Từ thiện vì nạn nhân của axít Campuchia (CASC), từ năm 1999 đến nay, bản thân hội và Trung tâm Phẫu thuật trẻ em đã điều trị cho 190 nạn nhân bị bỏng axít. Trong số đó, 56% là phụ nữ, 17% là trẻ em. Hơn 8% trong số đó bị mù và 6 nạn nhân đã qua đời. Licadho, một tổ chức bảo vệ quyền con người ở Campuchia, cho biết từ năm 1999 đến năm 2003 đã có 44 trường hợp bị tấn công bằng axít. Tuy nhiên, các số liệu trong 5 năm gần đây lại ghi nhận con số 114 trường hợp. Theo ông Ung Bunthan, một nhân viên của Licadho, số trường hợp tấn công bằng axít không được ghi nhận có khi còn cao hơn.

Bản báo cáo mang tên "Sống trong bóng tối" do Licadho công bố vào năm 2003 cũng cho thấy thủ phạm các vụ tấn công thường không muốn giết chết nạn nhân mà muốn hủy hoại khuôn mặt họ, làm họ trông kinh khủng đến nỗi không ai muốn yêu thương. Loại axít thường được sử dụng là sulfuric và nitric. Không chỉ làm cháy da thịt, hóa chất này đôi khi còn ăn vào tận xương.

Theo luật Campuchia, thủ phạm các vụ tấn công bằng axít có thể bị tù 10 năm hoặc chung thân nếu nạn nhân chết hay tàn phế. Tại Bangladesh, bắt đầu từ năm 2002, hình phạt tử hình được áp đặt cho những tội phạm tạt axít, theo hãng tin BBC. Còn tại Iran, căn cứ theo điều luật qias trong luật Hồi giáo Sharia, thủ phạm tạt axít sẽ phải nhận lại hình phạt tương tự. Tháng 11.2008, một tòa án ở Iran đã tuyên kẻ làm mù một cô gái bằng axít phải chịu hình phạt bị nhỏ mắt bằng axít. Vụ tấn công này xảy ra hồi năm 2004 khi nạn nhân từ chối kết hôn với thủ phạm.

Ông James Gollogly, Giám đốc CASC nói: "Động cơ các vụ tạt axít được chia làm nhiều loại. Phổ biến nhất là việc trả thù một cô gái trẻ cặp kè với người đàn ông lớn tuổi. Vợ của người đàn ông đó có thể tự thực hiện vụ tấn công hoặc thuê ai đó làm". Không chỉ chịu đau đớn về thể xác, các nạn nhân còn lâm cảnh tàn tật suốt đời. Điều đó còn đáng sợ và tồi tệ hơn cái chết, ông Ung Bunthan nói.

"Tìm lại khuôn mặt"

Vụ cô Tat Marina bị tạt axít năm 1999 là vụ án được dư luận Campuchia chú ý khi ấy. Xuất thân từ một cô gái bán sinh tố trái cây ngoài đường, với vẻ ngoài xinh đẹp, Tat luôn mơ ước trở thành một ca sĩ. Mộng ca hát không trở thành hiện thực nhưng cô được mời đóng phim quảng cáo rượu. Năm 1998, cô trở thành người mẫu đóng minh họa trong các đoạn băng karaoke. Lúc bị tấn công bằng axít, cô mới 16 tuổi. Người vợ của một quan chức khi ấy đã cùng 2 người đàn ông lạ mặt tạt axít vào cô, lấy đi vẻ đẹp hừng hực của tuổi thanh xuân. Tat sau đó được đưa sang TP.HCM để điều trị. Sau 10 năm, khuôn mặt của cô sau nhiều lần phẫu thuật trông đỡ ghê sợ hơn lúc vừa gặp nạn nhưng không thể xinh đẹp như xưa nữa. Hiện Tat đang sống vui vẻ bên con trai 4 tuổi dù danh tính cha đứa trẻ không được tiết lộ.

Câu chuyện của Tat vừa được đưa vào một bộ phim tài liệu có tên Tìm lại khuôn mặt do một nhóm làm phim người Mỹ thực hiện, nói về những nạn nhân của nạn tạt axít. Nhà sản xuất Skye Fitzgerald để ý đến đề tài này khi đang thực hiện một bộ phim khác ở Campuchia. Fitzgerald và đoàn làm phim đã được chứng kiến sự sợ hãi và dè dặt của các nạn nhân bị tạt axít. Khi ấy, phải mất một thời gian thuyết phục thì Tat Marina và anh trai cô mới đồng ý tham gia vào bộ phim vì sợ bị trả thù. Bộ phim đã được cho ra mắt hôm 11.3. Hồi đầu năm 2008, một bộ truyện tranh Shake girl (Cô gái bán sinh tố) kể về cuộc đời Tat và nhiều nạn nhân khác cũng được phát hành trên mạng. Trong tuần đầu tiên, hơn 100.000 lượt truy cập từ hơn 70 quốc gia đã vào để đọc truyện. Bản truyện này sau đó được in thành sách.

Trong khi đó, thủ phạm tấn công Tat, cũng như đa số thủ phạm các vụ tạt axít khác ở Campuchia, đến nay vẫn chưa bị đưa ra trước công lý.

Việt Phương
(VP Bangkok)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.