Thành phố Tuy Hòa (Phú Yên) là một thành phố trẻ và diện tích không lớn. Có lẽ vì thế nên khi đặt chân đến đây, cảm nhận đầu tiên của đoàn Yamaha Taurus về Tuy Hòa là một thành phố yên bình, thậm chí lặng lẽ. Vòng vèo gần 3km trong thành phố mới đến được trường Niềm vui - trường nuôi dạy trẻ câm điếc tỉnh Phú Yên.
Đón chúng tôi là gần 100 em nhỏ trên ban công tầng 2 của trường cùng vẫy tay mừng vui. Không nói được thành lời, hai bàn tay của mỗi em liên tục đưa ra những cử chỉ trò chuyện với nhau về đoàn xe vừa đến. Trong mắt mỗi em đều ánh lên những niềm vui khó tả. Có lẽ đó là niềm vui khi có người lạ đến thăm, quan tâm và động viên mình. Ở trường Niềm vui có bạn, có thầy, các em không cô đơn.
Thầy Phạm Đình Chiến, Hiệu trưởng trường Niềm vui hồ hởi đón chúng tôi và cho biết: Trường Niềm vui hiện có 93 cháu đang học tập và sinh hoạt, hầu hết các em đều là con em gia đình nghèo, mồ côi. Nguồn kinh phí duy nhất của trường là ngân sách của tỉnh với 4 ngàn đồng/em cho mỗi ngày học, tiền ăn do gia đình đóng góp.
|
“Nói là gia đình đóng góp chứ thực tế hầu hết các em ở đây gia đình đều có hoàn cảnh hết sức khó khăn. Có gia đình nhiều tháng liền không có nổi mấy chục nghìn đóng tiền ăn cho con em nên đành phải xin nghỉ. Trường cũng không có nhiều ngân sách để hỗ trợ, thành thử khó khăn đủ bề”. Nghe tâm sự của thầy hiệu trưởng, chúng tôi hiểu được phần nào ánh mắt rạng ngời và niềm vui của các thầy cô giáo cũng như các em học sinh khi đón đoàn tới thăm.
Thành lập được 15 năm, trường Niềm vui đã tiễn 4 khóa học sinh ra trường. Mỗi khóa đều học hết tiểu học và được đào tạo nghề nghiệp để có thể có cơ hội hòa nhập cuộc sống. Nhắc đến điều này, trong mắt thầy hiệu trưởng Phạm Đình Chiến ánh lên những nỗi băn khoăn: “Học xong rồi, có nghề rồi nhưng hầu hết các em không có chỗ để học tiếp cũng như không có chỗ xin việc. Các cơ sở ở ngoài đều đòi hỏi người có trình độ văn hóa ít nhất là trung học cơ sở, trong khi đó các em ở đây học đến hết tiểu học đã là một cố gắng lớn của thầy và trò vì giao tiếp bằng ngôn ngữ tay gặp rất nhiều khó khăn. Mong ước lớn nhất của chúng tôi là có được một cơ sở sản xuất riêng của mình để các em sau khi học xong có thể làm việc ở đó”.
Các trò chơi làm quen được cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm tổ chức cho các em và các bạn trẻ trong đoàn Yamaha Taurus. Những nụ cười hồn nhiên khi đoán tên các anh chị bằng thủ ngữ (ngôn ngữ tay dành cho người câm điếc) đã xóa nhòa đi mặc cảm, tự ti trong lòng các em, giúp các em có thêm niềm tin vào cuộc sống với vô vàn khó khăn.
Cô Trần Thị Tuyết Dương, giáo viên giảng dạy tại trường từ những ngày đầu tiên thành lập đến nay cho biết: ”Vấn đề khó khăn nhất khi giảng dạy cho các em là vấn đề ngôn ngữ. Đa số các em đến đây muộn nên việc dạy ngôn ngữ ngón tay rất khó khăn, để truyền đạt kiến thức văn hóa cho các em lại là một vấn đề nữa”.
Khó khăn là thế, nhưng khi được sống trong môi trường những người cùng cảnh ngộ, các em đã vượt qua những tự ti, mặc cảm để cố gắng. Hầu hết các em vào đây, khi ra trường đều có thể nói thành thạo bằng thủ ngữ, nhiều em có thể nói được bằng lời nói tuy giọng hơi ngọng.
Vui đùa cùng các em |
Thầy Phạm Đình Chiến chỉ tay về phía hai em gái giống nhau như đúc, đang cười tươi tham gia trò chơi cùng các anh chị trong đoàn Yamaha Taurus và cho biết đó là hai chị em song sinh Phạm Thị Thu Hồng và Phạm Thị Thu Hậu. Bố mất vì tai nạn giao thông năm 2003, một mình mẹ các em nuôi 5 chị em ăn học. Hai chị em Hồng, Hậu lại bị điếc bẩm sinh nên hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Dường như ý thức rất rõ hoàn cảnh của mình, khi được vào trường Niềm vui, các em đã không ngừng phấn đấu và học tập rất tốt.
Em thích gì nhất? Hai bàn tay của em gái xinh xắn, nhỏ nhắn liên tục ra ký hiệu. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm giải thích: “Vẽ”. Ước mơ sau này của em là gì? Cũng với ký hiệu thủ ngữ đó: Vẽ! Đó là một đoạn hội thoại ngắn mà xúc động của chúng tôi với em Trịnh Thị Kim Vân tại trường Niềm Vui. Cô giáo Nguyễn Thị Minh Tâm cho biết Vân có khả năng vẽ rất tốt mặc dù chưa hề được học qua trường lớp dạy vẽ nào. Dịp Tết vừa rồi, số tiền bán tranh của Vân cho những bạn trẻ nước ngoài đến thăm trường lên đến hàng triệu đồng. Tiếp xúc với Vân mới cảm nhận hết được niềm tin, khát vọng trong tâm hồn cô bé 15 tuổi này.
Chia tay trường Niềm vui, trong mỗi thành viên Yamaha Fan Club có thêm một niềm vui nho nhỏ khi góp phần nhân thêm lên trong lòng các em nhỏ khuyết tật nơi đây niềm vui trong cuộc sống, niềm tin trước cuộc đời. Hành trình của họ lại tiếp tục đi đến các vùng quê nghèo của đất nước để sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh. Mỗi vùng đất họ đặt chân đến, các thành viên đều mong muốn để lại những niềm vui dù nhỏ bé trong lòng các em.
THÔNG TIN DỊCH VỤ
Bình luận (0)