Sau khi các phương tiện truyền thông phản ánh về "Dự thảo nghị quyết về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người có thu nhập thấp" mà Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ, PV Lao Động đã có cuộc thăm dò trong các doanh nghiệp (DN) về mức độ hấp dẫn của các chính sách ưu đãi.
Hấp dẫn đến đâu?
Các ưu đãi đặt ra trong Dự thảo nghị quyết về các giải pháp xây dựng nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp, sinh viên, người có thu nhập thấp nhằm khuyến khích thu hút DN tham gia phát triển nhà ở xã hội bao gồm: Được miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất cho phần đất xây dựng nhà ở xã hội;...
Một DN (xin được giấu tên) cho rằng, về cơ bản, những chính sách ưu đã này không khác mấy so với các cơ chế mà Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của UBND thành phố trong buổi làm việc ngày 14.3.2009.
Đối với các tỉnh, thành, trong điều kiện quỹ đất đai còn dồi dào thì các chính sách ưu đãi này có thể phát triển được quỹ nhà ở xã hội. Nhưng xét riêng đối với TPHCM và Hà Nội và một số thành phố lớn khác như Hải Phòng, Đà Nẵng thì rất khó thu hút được DN tham gia; bởi nếu so với Nghị định 71 trước đây thì các chính sách này còn kém sức hấp dẫn hơn.
Chưa gỡ được khó!
Ông Võ Đình Quốc - Phó TGĐ Cty cổ phần bất động sản điện lực Sài Gòn Vina (EVN Land SaiGon) - cho rằng: "Cái khó nhất hiện nay đối với các dự án phát triển nhà ở có tính chất xã hội là quỹ đất. Còn về tài chính và vốn đầu tư, nếu DN có dự án tốt, việc huy động vốn từ các ngân hàng là không khó, thậm chí nhiều ngân hàng còn cạnh trạnh để được cho vay. Một kênh huy động khác đó là từ nguồn vốn góp của khách hàng cũng không khó lắm. Trước đây, TPHCM cũng đã từng có một chương trình phát triển nhà ở xã hội với các chính sách ưu đãi tương tự, nhưng do không có quỹ đất, cuối cùng chương trình bị thất bại".
Ông Quốc cho biết thêm: "Trong dự thảo nghị quyết do Bộ Xây dựng trình Chính phủ chưa thấy bất cứ giải pháp nào tháo gỡ vấn đề đất ở đâu để phát triển nhà ở xã hội. Trong trường hợp nếu để DN tự lo quỹ đất thì tôi tin rằng, sẽ không có bất cứ DN nào mặn mà với việc phát triển nhà ở xã hội. Nếu đã tự lo được quỹ đất, sẽ không ai dại gì đầu tư vào phân khúc thị phần nhà ở giá thấp, vừa lâu thu hồi vốn, lợi nhuận trên vốn không hơn gửi tiết kiệm ngân hàng. Chỉ những dự án không có được lợi thế về vị trí thì DN buộc phải xây dựng nhà giá thấp".
Theo đánh giá của một số doanh nghiệp, các chính sách ưu đãi đặt ra trong dự thảo nghị quyết về ưu đãi phát triển nhà ở xã hội chưa đủ sức hút doanh nghiệp tham gia.
Theo Ngọc Huân / Lao Động
Bình luận (0)