Đây thực chất là chứng bệnh rối loạn tâm thần, sợ biến dạng cơ thể...Báo chí vừa đưa tin một ca sĩ Hàn Quốc bị biến dạng khuôn mặt, nhìn rất dễ sợ sau 20 lần giải phẫu thẩm mỹ. Ca sĩ này đã thổ lộ cô “nghiện” phẫu thuật thẩm mỹ, không bao giờ thấy hài lòng với gương mặt của bản thân và luôn ghen tị với những người có vẻ ngoài xinh đẹp hơn mình.
Cuối cùng, cô đã trở thành một người thất nghiệp, chán nản và gương mặt thì đã biến dạng rất nhiều, đầu của cô to gấp 3 lần kích thước bình thường do tác động của lượng dầu và các hóa chất phẫu thuật dưới da. Sau đó, cô này đã trải qua 5 năm với 15 lần phẫu thuật khác để có thể có được một khuôn mặt ưa nhìn hơn, dù không thể trở lại với khuôn mặt bình thường như trước đây. Không chỉ riêng gì ở Hàn Quốc, hiện nay ở VN số phụ nữ sống lệ thuộc dao kéo ngày càng nhiều mà họ không hề ý thức được hậu quả của việc giải phẫu thẩm mỹ đang đợi mình ở phía trước.
Luôn cần thêm một cuộc phẫu thuật nữa
Bác sĩ Robert Guida, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ vùng mặt tại Trung tâm Phẫu thuật thẩm mỹ New York (Mỹ), cho biết có rất nhiều dạng người bị nghiện phẫu thuật thẩm mỹ. Ông đã liệt kê một số triệu chứng của hội chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, gồm những biểu hiện như thực hiện quá nhiều các cuộc giải phẫu thẩm mỹ trên một vùng cơ thể hay ở những vùng cơ thể khác nhau.
Họ cũng quá ám ảnh về những khiếm khuyết cơ thể nhỏ nhặt mà người khác không chú ý đến, hoặc quá quan tâm đến một hay nhiều vùng cơ thể đặc biệt của các diễn viên hay người mẫu nổi tiếng. Những người này kỳ vọng quá mức và không thực tế vào hiệu quả của phẫu thuật thẩm mỹ (rất khó làm hài lòng bệnh nhân). Họ từ chối chấp nhận lời tư vấn của bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ khi họ góp ý rằng làm thêm phẫu thuật thẩm mỹ là không cần thiết hay có thể làm tình hình tệ hơn.
Thực tế, có nhiều người cảm thấy không hài lòng vì một hay hai bộ phận trong cơ thể của mình nhưng ở người bình thường, chỉ sau một hay hai cuộc giải phẫu thẩm mỹ là họ cảm thấy thoải mái ngay. Trong khi bệnh nhân nghiện phẫu thuật thẩm mỹ cứ tiến hành mãi các cuộc “sửa sang” cho đến khi cơ thể bị biến dạng vì họ không bao giờ có cảm giác hài lòng sau mỗi cuộc “trùng tu sắc đẹp” bằng dao kéo.
Họ luôn cho rằng một cuộc phẫu thuật nữa luôn là cần thiết để hoàn hảo hơn. Cuối cùng mặc dù trên người bệnh nhân đã có rất nhiều bộ phận đã được phẫu thuật chỉnh sửa thí dụ như mũi, mắt, tay, vú... nhưng bệnh nhân vẫn chưa cảm thấy hài lòng về hình dạng cơ thể mình.
Tưởng tượng ra khiếm khuyết
Thật ra, người nghiện phẫu thuật thẩm mỹ mắc một chứng bệnh gọi là rối loạn sợ biến dạng cơ thể. Đây là một rối loạn tâm thần thường gặp ở những người thường xuyên đi phẫu thuật thẩm mỹ hay đi khám ở các phòng khám chuyên khoa về da (6% – 15%). Những bệnh nhân này luôn bị ám ảnh về các khiếm khuyết về hình dạng cơ thể mình mà những khiếm khuyết này thường là không đáng kể, hay do họ hoàn toàn tưởng tượng ra. Bệnh thường bắt đầu xuất hiện ở tuổi thanh thiếu niên. Cả nam và nữ đều có thể mắc bệnh này.
Các than phiền ở những người này thường tập trung vào phần mặt hay đầu, ví dụ như ít tóc, mụn, các nếp nhăn, sẹo, các mạch máu dưới da, da mặt tái hay đỏ, mặt trông có vẻ hơi sưng, mặt không đối xứng hay lông mặt quá nhiều...
Các than phiền khác thì tập trung vào hình dạng, kích cỡ hoặc các đặc điểm của mũi, mắt, lông mi, lông mày, lỗ tai, miệng, môi, răng, hàm, cằm, má hay đầu. Bệnh nhân cũng có thể quan tâm đến các phần cơ thể khác như bộ phận sinh dục, vú, mông, bụng, cánh tay, bàn tay, chân, bàn chân, hông, vai, cột sống, hình dáng cơ thể, tình trạng bắp cơ... Họ luôn cảm thấy lo lắng, hoang mang, suy sụp về các khiếm khuyết nhỏ nhặt hay tưởng tượng này.
Họ thường bỏ ra quá nhiều thời gian trong ngày để săm soi, tìm kiếm và tìm cách sửa chữa các khiếm khuyết này. Họ có thể dành quá nhiều thời gian để soi gương ở các góc cạnh khác nhau hay thậm chí dùng cả kính lúp để tìm các khiếm khuyết đến nỗi không còn thời gian dành cho công việc, học hành hay quan hệ xã hội dẫn đến hoạt động trong các lĩnh vực này bị giảm sút.
Đôi khi sự mặc cảm về các khiếm khuyết này lớn đến nỗi bệnh nhân không dám ra ngoài đường, không muốn tiếp xúc với người khác vì sợ người khác “phát hiện” các khiếm khuyết của mình và thế là cuối cùng bệnh nhân chỉ ở trong nhà suốt ngày.
Các biện pháp mà bệnh nhân thường áp dụng để cải thiện các khiếm khuyết là tăng cường vận động (ví dụ tập tạ), theo chế độ ăn kiêng, thường xuyên thay đổi y phục, đi chăm sóc da hay đi làm phẫu thuật thẩm mỹ thường xuyên.
Để điều trị chứng nghiện phẫu thuật thẩm mỹ, có thể sử dụng thuốc và tâm lý liệu pháp. Thuốc dùng để điều trị các chứng rối loạn lo âu, trầm cảm, rối loạn sợ biến dạng cơ thể rất thường gặp ở các đối tượng này. Về tâm lý liệu pháp có thể sử dụng biện pháp điều trị nhận thức hành vi với mục tiêu là xác định các kiểu suy nghĩ sai lầm, các hành vi không thích hợp, thay thế nó bằng các kiểu suy nghĩ và hành vi phù hợp hơn thông qua một quá trình tập luyện.
Bác sĩ Nguyễn Đức Minh (Bệnh viện Răng Hàm Mặt TPHCM): Không thể đem vẻ đẹp của người này để đắp lên khuôn mặt người khác mà giải phẫu thẩm mỹ cơ bản là phải dựa trên sự tổng hợp những đường nét của chính phụ nữ đó và chỉ nên can thiệp vừa phải để sau khi làm đẹp xong phụ nữ vẫn chính là mình nhưng tự tin hơn và những người xung quanh vẫn nhận ra được họ. Do đó, bác sĩ cần phải tư vấn cho thân chủ của mình một cách khách quan và thiện chí. Ngoài vẻ đẹp, ở phụ nữ cũng cần có nét duyên mà điều này không thể hiện được bằng các thông số nên dù phẫu thuật thẩm mỹ có can thiệp đến mức nào cũng không thể thay thế được điều này. |
Theo Bác sĩ Lê Quốc Nam / Người Lao Động
Bình luận (0)