Mẹ mất, cha biệt xứ
Trần Văn Tân sinh ra ở vùng quê giồng cát ven biển Bạc Liêu, thuộc ấp Giáp Nước, xã Vĩnh Trạch (TX Bạc Liêu). Bà con ở đây sống bằng nghề làm rẫy, trồng lúa, nuôi tôm…
Trần Văn Tân mang trong mình ba dòng máu. Cha người Kinh, mẹ người Khmer lai Hoa. Cha mẹ Tân sinh hai chị em Tân. Nhưng rồi, gia đình làm ăn thất bại, túng thiếu, bần cùng, ông Trần Văn Để (cha của Tân) rơi vào cảnh rượu chè, bài bạc, bỏ xứ đi biệt.
Tân tâm sự: “Ngoại kể, tôi sinh ra được một tháng, cha mẹ cự cãi... Một ngày cha say rượu, châm lửa đốt nhà, rồi bỏ đi. Bây giờ, tôi không biết cha sống chết ra sao”.
Tuổi thơ Trần Văn Tân sống nhờ bà ngoại, cậu mợ. Bà Thạch Thị Ổi (mẹ của Tân) gửi hai chị em cho bà ngoại để đi gặt lúa mướn nuôi con. Đôi ba tháng, mẹ Tân mới về nhà. Lần nào mua áo mới, mẹ Tân cũng tự tay mặc cho con. Tân nhớ mãi lời mẹ âu yếm: “Áo này con mặc vừa quá. Ráng lớn nghen”.
Ngoại kể, sinh được một tháng thì cha mẹ cãi nhau. Cha châm lửa đốt nhà rồi bỏ đi biệt xứ... Lần nào mua áo mới, mẹ cũng tự tay mặc cho Tân và âu yếm: Áo này con mặc vừa quá. Ráng lớn nghen. |
Dường như những năm tháng dầm mưa dãi nắng thân cò nuôi con khiến bà Ổi kiệt sức. Bà đi gặt lúa mướn ở miệt Cà Mau, rồi sang Campuchia làm công. Bước đường mưu sinh cho mình, cho con quá mệt mỏi nên khi quay về quê thì mắt bà đã mù, ung thư gan giai đoạn cuối. Năm 2002, bà Ổi qua đời, khi Tân 10 tuổi.
Cha biệt tăm tích, mẹ không còn, chị gái của Tân là Trần Thị Ngọc Nga đi ở đợ tại Sài Gòn rồi theo chồng sống xa xứ.
Ngoi lên
Con đường đất đến trường dài sáu km, ghi dấu chân nhỏ cậu bé mồ côi Trần Văn Tân. Chăn trâu, đào đất, làm cỏ, phụ hồ, kéo cá... Tân đều làm để kiếm tiền ăn học. Lam lũ, tự kiếm sống nhưng Trần Văn Tân luôn là học sinh khá, tiên tiến.
Tân làm cỏ bên mộ phần của mẹ |
Bước vào lớp 10 Trường THPT bán công Bạc Liêu Tân gần như gục ngã. Đường từ nhà đến trường THPT Bạc Liêu khá xa lại lầy lội, sông sâu cách trở, nên Tân phải ở trọ. “Lúc đó, em nghĩ mình phải nghỉ học, làm mướn kiếm cơm. Nhưng lại nghĩ học là lối thoát duy nhất đời em”- Trần Văn Tân tâm sự.
Chị Lâm Anh, phóng viên, bí thư chi đoàn báo Bạc Liêu nhờ trung tâm giáo dục thường xuyên Bạc Liêu cho Tân ở trọ, không mất tiền, nhưng cơm ăn, áo mặc, sách vở phải tự lo. Vừa đi học, Tân vừa làm mướn. Bà ngoại Tân (bà Lâm Thị Hai, 62 tuổi), sống với vợ chồng người con út. Làm mướn, mỗi tháng Tân kiếm được khoảng 300.000 đồng. Ba năm THPT, Tân đạt học sinh tiên tiến.
Năm 2008, thầy Nguyễn Minh Hiển, giáo viên chủ nhiệm miễn mọi đóng góp cho Tân. Năm 2008, thầy Hiển giúp 150.000 đồng tiền bán sách để Tân đi thi Đại học Cần Thơ và Đại học Sài Gòn. Điểm thi vào Đại học Sài Gòn, đủ vào hệ cao đẳng, nhưng Tân không có tiền đi học xa nhà.
Tân xin xét nguyện vọng 2 vào Đại học Bạc Liêu. Để có tiền đi học tại thị xã Bạc Liêu, Tân xin giữ xe tại trường cấp ba cũ của mình. Người thầu bãi giữ xe là người thầy cũ. Thương tình cảnh của Tân, thầy cho Tân ăn, ở miễn phí, mỗi tháng được trả tiền công trông xe là 400.000 đồng.
“Khó khăn nhưng tôi cố gắng thích nghi. Tôi sẽ tốt nghiệp Đại học Bạc Liêu và học lên cao nữa!”- Trần Văn Tân khẳng định.
Theo Nguyên Hương / Người Lao Động
Bình luận (0)