Sức mạnh tên lửa của CHDCND Triều Tiên

03/04/2009 23:09 GMT+7

CHDCND Triều Tiên sở hữu hàng trăm tên lửa từ tầm ngắn đến tầm xa, có khả năng đặt Hàn Quốc, Nhật Bản và một phần nước Mỹ vào tầm ngắm.

CHDCND Triều Tiên đang trở thành tâm điểm chú ý của toàn cầu với kế hoạch phóng vệ tinh vào quỹ đạo trái đất dự kiến vào rạng sáng hôm nay. Bất chấp các hình ảnh chụp từ không gian cho thấy Bình Nhưỡng thực sự đã gắn một vệ tinh lên tên lửa đẩy ở bệ phóng Musudan-ri, các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ vẫn khăng khăng rằng dù phóng vệ tinh hoặc phóng tên lửa tầm xa thì chẳng có gì khác nhau. Lý do chính khiến các quốc gia trên phản ứng mạnh mẽ là do họ lo ngại Bình Nhưỡng tăng cường sức mạnh tên lửa.

Theo dữ liệu do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cung cấp, CHDCND Triều Tiên được cho là đang sở hữu hơn 800 tên lửa đạn đạo, trong đó có các tên lửa tầm xa với khả năng vươn đến đất Mỹ. Về thực chất, chương trình tên lửa của quốc gia Đông Á này chủ yếu phát triển dựa trên nền tảng là các tên lửa Scud do Nga sản xuất. Theo một số tài liệu, Bình Nhưỡng đã có được dòng tên lửa chiến thuật trên từ Liên Xô sớm nhất là vào năm 1969 theo chương trình hợp tác phát triển tên lửa với Moscow, nhưng các tên lửa Scud đầu tiên đến được bán đảo Triều Tiên là từ Ai Cập vào năm 1976. Theo các chuyên gia vũ khí, Ai Cập đã cung cấp tên lửa Scud-B cho CHDCND Triều Tiên cũng như thiết kế về loại vũ khí chiến thuật này nhằm giành lấy sự ủng hộ của Bình Nhưỡng chống lại Israel trong cuộc chiến tranh Yom Kippur vào năm 1973, khi đó liên quân Ả Rập tấn công Israel trong ngày lễ Sám hối (Yom Kippur). Sau đó, Bình Nhưỡng đã phát triển thành công tên lửa tầm trung Rodong và tên lửa tầm xa Taepodong. Tất cả đều dựa trên công nghệ của tên lửa Scud, mà Bình Nhưỡng gọi là Hwasong.

Từ nền tảng Scud

CHDCND Triều Tiên có nhiều loại tên lửa tầm ngắn. Tên lửa KN-02 được cho là có độ chính xác cao nhất, nhưng lại có nhược điểm là tầm bắn ngắn nhất, chỉ vào khoảng 100 km. 

Trước khi có KN-02, vào năm 1984, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu chế tạo phiên bản Scud-B của nước này và phát triển thành hai dòng mới, Scud-C và Scud-D, kéo dài tầm bắn của loại tên lửa trên. Nếu tầm bắn của Scud-B chỉ vào khoảng 300 km thì tầm bắn của Scud-C là 500 km, còn Scud-D được cho là có tầm bắn dài nhất trong các tên lửa tầm ngắn, 700 km. Cả 3 loại Scud đều hoàn thành xong giai đoạn thử nghiệm và đã được triển khai.

Theo thông tin từ tình báo Mỹ, Hàn Quốc và Nhật Bản, tên lửa tầm trung Rodong có tầm bắn khoảng 1.000 km và có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân. Tuy nhiên, tên lửa này không có độ chính xác cao. Báo cáo vào tháng 3.2006 do Trung tâm Nghiên cứu giải trừ hạt nhân (Mỹ) cho hay Rodong có bán kính sai sót vào khoảng từ 2 đến 4 km, có nghĩa là 50% tên lửa này được bắn đi sẽ rơi ngoài vòng tròn bán kính đó. Chính nhược điểm trên khiến Nhật Bản e ngại nhất. Tên lửa Rodong có thể tấn công hầu hết mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản, nhưng với độ chính xác quá thấp như thế, tên lửa mà nước này muốn bắn vào các mục tiêu quân sự có thể rơi nhầm vào khu vực dân cư. Hiện hầu hết các hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot PAC-3, chính xác là 4 hệ thống, đã được triển khai xung quanh Tokyo, khu vực đông đúc dân cư. Nếu Bình Nhưỡng dùng Rodong tấn công vào các hệ thống này, nguy cơ tổn thất dân sự rất cao.

Đến các thế hệ Taepodong

Trong dòng Taepodong, CHDCND Triều Tiên đầu tiên đã phát triển Taepodong-1, loại tên lửa 2 tầng được cấu tạo từ các phần của tên lửa Rodong và Scud, với tầm bắn 2.200 km. Tuy nhiên, tên lửa này được cho là có độ chính xác kém hơn cả Rodong. Mặc dù có thể đưa các căn cứ quân sự của Mỹ tại Okinawa (Nhật Bản) vào tầm ngắm, tên lửa này cần được khai hỏa từ một địa điểm cố định và cần nhiều thời gian để chuẩn bị, do đó không tạo được tính bất ngờ vì dễ bị tình báo quốc tế phát hiện. Trong khi đó, Bình Nhưỡng cũng đang chế tạo tên lửa bắn từ mặt đất Taepodong-X, sử dụng nhiên liệu rắn dựa trên kỹ thuật tên lửa đạn đạo trên các chiến hạm của Liên Xô, với tầm bắn 4.000 km, đủ để triệt tiêu căn cứ Mỹ trên đảo Guam. Không như Taepodong-1, Taepodong-X có thể được khai hỏa từ các hệ thống phóng di động che khuất tầm quan sát của lực lượng tình báo đối phương.

Vũ khí đáng gờm nhất trong kho tên lửa của CHDCND Triều chính là Taepodong-2, có tầm bắn từ 5.000 đến 6.000 km, đặt Alaska, Hawaii và một phần bờ tây của Mỹ vào tầm ngắm. Sau vụ thử đầu tiên thất bại vào tháng 7.2006, Taepodong-2 sắp được phóng lên không trung, lần này đóng vai trò là tên lửa đẩy mang theo vệ tinh. Cũng như Taepodong-1, Taepodong-2 cần có bệ phóng cố định. Ngoài ra, nguồn tin tình báo Mỹ còn cho rằng CHDCND Triều Tiên đang phát triển dòng Taepodong-2 cải tiến, tầm bắn đến 8.000 km, có thể bắn đến Úc và Đông u.

Theo báo Washington Post dẫn đánh giá của giới chuyên gia, rất khó để xác định và triệt tiêu các tên lửa KN-02, Scud, Rodong, Taepodong-X vì tính cơ động, số lượng lớn cũng như thời gian chuẩn bị ngắn. Hiện Bình Nhưỡng có hơn 600 tên lửa Scud và 200 tên lửa Rodong. Thông tấn xã Kyodo vừa dẫn nguồn tin từ Tổ chức Khủng hoảng thế giới cho hay CHDCND Triều Tiên đang sở hữu hai đầu đạn hạt nhân cho tên lửa Rodong.

Thụy Miên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.