Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị hôm 2.4, Thủ tướng Anh Gordon Brown cho biết các lãnh đạo G20 đã đạt được một thỏa thuận "mang tính lịch sử" khi nhất trí lập quỹ cứu trợ kinh tế trị giá 1.100 tỉ USD. "Đây là ngày thế giới cùng sát cánh bên nhau chống suy thoái toàn cầu, không phải bằng lời nói suông mà là một kế hoạch để phục hồi cũng như cải cách (kinh tế) toàn cầu", ông nói. Theo báo Telegraph, nhà lãnh đạo Anh khẳng định một trật tự thế giới mới đã được hình thành sau hội nghị G20. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng không giấu được sự vui mừng với những kết quả đạt được tại hội nghị và gọi đây là "bước ngoặt" cho kinh tế thế giới, Telegraph cho hay. Chủ nhân Nhà Trắng bày tỏ: "Chúng tôi đã thống nhất một loạt biện pháp không tiền khoáng hậu để phục hồi đà tăng trưởng và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng như vậy xảy ra lần nữa".
G20 tập hợp 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi của thế giới, gồm Argentina, Úc, Brazil, Canada, Trung Quốc, Pháp, Đức, Ấn Độ, Indonesia, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nga, Ả Rập Xê Út, Nam Phi, Hàn Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Vương quốc Anh, Mỹ và EU (đại diện là nước giữ chức Chủ tịch luân phiên EU - hiện là Czech - và Ngân hàng Trung ương châu u). Hội nghị London vừa qua có sự tham dự của các lãnh đạo G20 + Tây Ban Nha, Hà Lan, Chương trình đối tác mới vì sự phát triển của châu Phi (NEPAD), ASEAN, LHQ, Ngân hàng Thế giới, IMF, WTO và Diễn đàn ổn định tài chính (FSF). |
Nhìn chung, sau những bất đồng sâu sắc tưởng như không thể vượt qua, hội nghị G20 tại xứ sở sương mù đã kết thúc khá suôn sẻ khi tìm được lời giải cho bài toán về khủng hoảng kinh tế. Ngay cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy, người từng đe dọa rút khỏi hội nghị, cũng thừa nhận những kết quả trên là vượt ngoài trông đợi. Theo BBC, các lãnh đạo G20 sẽ nhóm họp lại vào tháng 9 tới tại Mỹ.
Châu Yên
Bình luận (0)