Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương

Lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương

05/04/2009 00:21 GMT+7

* Chủ tịch nước dâng hương và gặp mặt kiều bào * Khánh thành giai đoạn 1 khu tưởng niệm các Vua Hùng tại TP.HCM Sáng 4.4 (tức mùng 10 tháng 3) tại đền Thượng trên đỉnh núi Nghĩa Lĩnh - Khu di tích lịch sử đền Hùng thuộc xã Hy Cương (TP Việt Trì, Phú Thọ), tỉnh Phú Thọ đã long trọng tổ chức Lễ dâng hương Giỗ tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009. Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đại diện lãnh đạo các cơ quan T.Ư, các tỉnh, thành, đại biểu kiều bào và đông đảo nhân dân từ khắp mọi miền Tổ quốc đã về dự.

Vào lúc 7 giờ 30 phút, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Doãn Khánh - Chủ lễ Giỗ tổ Hùng Vương năm Kỷ Sửu 2009 đọc văn tế, khẳng định ý nghĩa to lớn của ngày Giỗ tổ Hùng Vương, ca ngợi công đức của các vua Hùng - những người có công dựng nước Văn Lang, nhà nước đầu tiên của dân tộc VN.

Với lòng thành kính, tri ân công đức các vua Hùng, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và các đại biểu đã dâng hương tưởng niệm các vua Hùng tại điện Kính Thiên, đặt vòng hoa trước lăng Hùng Vương.

Tiếp đó, Chủ tịch nước và các đại biểu đã tham dự lễ đặt hoa tại bức phù điêu “Chủ tịch Hồ Chí Minh bên sườn núi Nghĩa Lĩnh nói chuyện với chiến sĩ Đại đoàn quân Tiên Phong” tại đền Giếng.

Cũng trong sáng 4.4, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã gặp mặt thân mật với đoàn 50 kiều bào tiêu biểu từ 19 nước trên thế giới về dự lễ dâng hương.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Chủ tịch nước nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước cùng toàn thể đồng bào trong nước luôn trân trọng tình cảm của bà con kiều bào đối với quê hương; mong bà con luôn hướng về cội nguồn, gắng sức truyền lại cho các thế hệ con cháu truyền thống vẻ vang của dân tộc. Chủ tịch nước khẳng định: Đảng và Nhà nước không có thành kiến với những kiều bào còn chưa hiểu rõ về đất nước. Mẹ hiền VN luôn dang rộng cánh tay đón những người con về với Tổ quốc, kể cả những người từng lầm đường, lạc lối.

* Sáng cùng ngày, hàng ngàn người dân TP.HCM và các tỉnh lân cận đã về tham dự lễ khánh thành giai đoạn 1 Khu tưởng niệm các vua Hùng tại Công viên Lịch sử - Văn hóa dân tộc (ấp Vĩnh Thuận, P.Long Bình, Q.9) và lễ giỗ Quốc tổ Hùng Vương do Thành ủy, HĐND, UBND và Ủy ban MTTQ TP.HCM tổ chức. Sau lễ khai mạc và nghi thức tiếp nhận trống đồng, lãnh đạo TP cùng đông đảo nhân dân đã tham gia các nghi lễ dâng hoa, dâng hương, lễ tế... tưởng nhớ công ơn các vua Hùng; đồng thời tham dự nhiều hoạt động văn hóa khác...

Biểu tượng tốt nhất để đoàn kết người Việt

Tình cảm quê hương thiêng liêng máu thịt là điều mà những người con đất Việt xa xứ đã cùng cảm nhận được trong ngày giỗ Tổ cho dù họ sinh sống ở bất cứ nơi đâu trên thế giới và thuộc thế hệ nào.

Với GS Vũ Đức Vượng, giảng viên trường College de Anza San Francisco (Mỹ) việc tới thăm đền Đô, đền Hùng trong chuyến trở về Việt Nam lần này thực sự là kỷ niệm hết sức cảm động. Xa quê hương đất nước đã hai phần ba đời người, và mặc dù trong những năm gần đây đã có vài lần về VN, nhưng đây là lần đầu tiên GS Vượng được cùng với các bà con kiều bào từ mọi miền thế giới về thăm quê hương trong một dịp đặc biệt nhân ngày giỗ Tổ.

“Thú thực ngay khi đến đây, được gặp gỡ bà con, cảm nhận được tình cảm thiêng liêng của mảnh đất quê hương tôi mới thấy linh hồn nước Việt Nam vẫn sống trong mỗi người...”, GS Vượng tâm sự. Ngày giỗ Tổ là dịp để những con dân nước Việt có dịp trở lại với cội nguồn của mình, và theo GS Vượng đây thực sự là một dịp quý báu và cũng là một việc linh thiêng giúp đoàn kết dân tộc Việt Nam.

GS Vượng là một trong số gần 60 kiều bào tiêu biểu từ 15 nước về dự Quốc giỗ dâng hương tại đền Hùng (Phú Thọ) vào ngày 10 tháng 3 (âm lịch). Đây là chuyến đi được Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài tổ chức với mục đích giúp kiều bào hướng về cội nguồn. Thành viên tham gia đoàn là những người có nhiều đóng góp xây dựng quê hương, những cá nhân có tên tuổi trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, công nghệ, kinh tế... và một số bà con đang đầu tư tại VN.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người VN ở nước ngoài cho biết, sẽ cố gắng duy trì những chuyến đi tương tự, mỗi đợt mời từ 80 – 100 kiều bào tiêu biểu cho các vùng miền mà bà con đang sinh sống và đặc biệt trong đoàn luôn luôn có 3 thế hệ để có tính kế thừa.

Thành viên trẻ tuổi nhất trong đoàn kiều bào về dự Quốc giỗ năm nay là thạc sĩ tin học Phạm Đăng Quang (Bulgaria). Sinh năm 1980 và rời Hà Nội đã gần 20 năm nhưng những tình cảm mà Quang dành cho quê hương vẫn rất sâu nặng. Và chuyến đi lần này với Quang là một cơ hội tốt để anh hiểu thêm về lịch sử dân tộc mình. Ngoài công việc chuyên môn của mình, anh cũng đang có những dự án nhỏ để đóng góp cho đất nước.

Nghi thức dâng lễ phẩm vào đền thờ các vua Hùng- Ảnh: Minh Nam


Cũng đã nhiều lần về VN nhưng đây cũng là chuyến đi đầu tiên của vợ chồng ông Lê Long và bà Hà Ngọc Liễu (Bỉ) đến thăm đất Tổ. “Thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài khá thiệt thòi vì ít có cơ hội tiếp cận văn hóa Việt Nam, nếu có cũng chỉ qua sách vở mà thôi.

Chỉ có về Việt Nam, các bạn trẻ mới có thể trực tiếp cảm nhận được tình cảm quê hương đất nước. Việc tổ chức những chuyến đi như thế này thực sự là rất quan trọng vì nó sẽ giúp cho các thế hệ người Việt trẻ ở nước ngoài hiểu thêm về lịch sử và có lòng tự hào dân tộc.

Câu chuyện về ông Lý Xương Căn, hậu duệ của Hoàng tử Lý Long Tường, vị tôn thất nhà Lý (1010 - 1225) đã phải lánh nạn sang đất Triều Tiên sau khi nhà Trần lên nắm quyền lực, sau gần 1.000 năm lánh nạn nơi đất khách đã tìm về cố hương tại Bắc Ninh đã làm không ít kiều bào trong đoàn xúc động.

“Người Việt mình sau gần 1.000 năm vẫn giữ được gia phả, giữ được dòng họ, giữ được gốc gác, giữ được cái tinh túy của mình sau một thời gian dài như vậy thì không có lý gì mà những người Việt Nam bây giờ sống ở khắp nơi trên thế giới lại không có thể hướng về Việt Nam và nói đây là quê hương của tôi mặc dù mình là người quốc tịch nào đi nữa.

Chưa có bao giờ người VN phân tán tứ xứ như hiện nay, ở nơi nào trên thế giới cũng có thể tìm được người VN nhưng tôi nghĩ điều đó không hề làm VN yếu đi mà ngược lại còn làm VN mạnh lên. Các vua Lý và các vua Hùng nếu các cụ nhìn lại thấy được các thế hệ của chúng ta vẫn giữ được tâm hồn VN, bảo vệ được văn hóa của người Việt các cụ hẳn cũng mỉm cười chứ không chê trách chúng ta”, GS Vượng tâm sự.

Hương Giang

 

 TTXVN - Minh Nam

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.