Tuyên bố của Bình Nhưỡng
Chính quyền Hàn Quốc và Mỹ sáng qua đồng loạt phát đi cảnh báo CHDCND Triều Tiên đã phóng tên lửa đẩy tầm xa từ bờ biển đông bắc nước này vào 11 giờ 30 phút 15 giây (9 giờ 30 phút 15 giây giờ VN). Tên lửa đa tầng hướng về Thái Bình Dương, đến không phận Nhật Bản trong vòng 7 phút và không có mảnh vỡ nào rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản, Reuters dẫn lời giới chức tại Tokyo.
4 giờ sau vụ phóng, thông tấn xã KCNA tuyên bố vụ phóng thành công mỹ mãn. Vệ tinh viễn thông thử nghiệm đã được tên tửa đẩy Unha-2 đưa vào ngoại tầng không gian trong 9 phút 2 giây kể từ khi được phóng vào 11 giờ 20 phút (chênh lệch 10 phút so với nguồn tin của Hàn, Nhật, Mỹ). Cũng theo hãng tin này, vệ tinh Kwangmyongsong-2 đang di chuyển theo quỹ đạo hình bầu dục, với khoảng cách gần nhất là 490 km và xa nhất là 1.426 km so với Trái đất.
Một chu kỳ hoàn chỉnh quanh Trái đất của vệ tinh mất 104 phút và 12 giây. Nếu vụ phóng này thật sự thành công, CHDCND Triều Tiên hẳn đã vượt qua mặt Hàn Quốc trong nỗ lực đưa vệ tinh đầu tiên vào vũ trụ, gia nhập câu lạc bộ không gian với các cường quốc khác.
Nhận định của Mỹ
Tuy nhiên, chỉ vài giờ sau tuyên bố của CHDCND Triều Tiên, trong một thông báo được đưa trên website của mình, quân đội Mỹ tuyên bố vụ phóng đã thất bại.
Theo hãng tin Kyodo, báo cáo của Bộ Tư lệnh phòng không vũ trụ Bắc Mỹ và Bộ Chỉ huy miền bắc nước Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đã phóng tên lửa 3 tầng Taepodong-2 nhưng nó đã không vào được quỹ đạo. Báo cáo nêu rõ: "Tầng thứ nhất của tên lửa (do CHDCND Triều Tiên phóng) đã rơi xuống biển Nhật Bản.
Những tầng còn lại cùng với thiết bị mang vệ tinh đã rơi xuống Thái Bình Dương". Báo cáo trên cũng khẳng định "không có vật thể nào bay vào quỹ đạo cũng như không có mảnh vỡ nào rơi xuống Nhật Bản". Lãnh đạo quân đội Mỹ đánh giá thiết bị phóng của CHDCND Triều Tiên "không phải là mối đe dọa đối với Bắc Mỹ hoặc Hawaii" nên không tiến hành hoạt động nào để đối phó với vụ phóng này. Hàn Quốc cũng đưa ra nhận định tương tự. Hãng tin Tân Hoa xã dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Lee Sang-hee tuyên bố Bình Nhưỡng đã không thể đưa được vệ tinh vào quỹ đạo.
HĐBA LHQ đã quyết định triệu tập cuộc họp khẩn cấp kín theo yêu cầu của Mỹ, Nhật Bản ngay sau vụ phóng vệ tinh của CHDCND Triều Tiên. Dự kiến, cuộc họp diễn ra tại Mexico vào 2 giờ sáng ngày 6.4 (theo giờ VN).
Washington và Tokyo muốn HĐBA phải thông qua nghị quyết lên án vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng và kêu gọi tăng cường các biện pháp cấm vận đối với quốc gia Đông Á này. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận xét HĐBA rất khó đưa ra một nghị quyết chung về vấn đề của Bình Nhưỡng do các thành viên thường trực có quan điểm trái ngược nhau.
Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc lên tiếng chỉ trích đây là hành động khiêu khích, vi phạm nghị quyết của LHQ, trong khi Trung Quốc và Nga lại cho rằng CHDCND Triều Tiên có quyền thăm dò vũ trụ một cách hòa bình.
Bước tiếp theo
Hãng tin CNN hôm qua dẫn lời các chuyên gia nói rằng vụ phóng vệ tinh, như tuyên bố của CHDCND Triều Tiên, chỉ nhằm thu hút sự chú ý của quốc tế. Tuy nhiên, cũng có người cảnh báo rằng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến tới đẩy mạnh cải thiện tính chính xác của tên lửa và độ bền của đầu đạn hạt nhân trong nỗ lực hoàn thiện hệ thống phóng.
Theo hãng tin Yonhap, giới chuyên gia vũ khí đều đồng ý rằng công nghệ tên lửa đẩy hầu như tương đồng với công nghệ tên lửa, đó cũng là điều khiến Mỹ và các nước đồng minh lo ngại trước vụ phóng vệ tinh của Bình Nhưỡng. Họ cũng đặt nghi vấn xung quanh khả năng hoàn thiện công nghệ lắp đầu đạn hạt nhân lên tên lửa tầm xa của CHDCND Triều Tiên.
Phản ứng quốc tế EU: Khối đưa ra lời chỉ trích mạnh mẽ trước hành động của Bình Nhưỡng, cho rằng vụ phóng đã làm tăng thêm tình trạng căng thẳng tại khu vực đang có nhiều biến động. Mỹ: Tổng thống Barack Obama cực lực chỉ trích hành động của CHDCND Triều Tiên, cho rằng vụ phóng đã vi phạm Nghị quyết 1718 của LHQ, và rằng LHQ cần gia tăng các biện pháp cấm vận đối với hành động khiêu khích nghiêm trọng trên. Hàn Quốc: Đây là hành động khiêu khích nghiêm trọng, gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực. Seoul đã có lộ trình riêng tham gia vào Sáng kiến ngăn chặn phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt (PSI) ngay sau vụ phóng. |
Thụy Miên
Bình luận (0)