Những con số giật mình
Công bố mới đây của tạp chí Forbes về việc Mỹ và New York trở lại "ngôi vị" số 1 thế giới về nước và thành phố có nhiều tỉ phú nhất năm 2009 đã khiến nhiều người dân New York nổi giận, bởi số người thiếu ăn và vô gia cư của thành phố này hiện lên đến mức kỷ lục của hàng chục năm trở lại đây.
Theo kết quả điều tra của Ngân hàng Lương thực cho thành phố New York, một trong những tổ chức phát chẩn thức ăn cho người nghèo lớn nhất New York, hơn 28% trẻ em thành phố đang sống dưới mức nghèo khổ và 20% (khoảng 397.000 em) sống nhờ thức ăn cứu trợ hằng ngày.
Trong số 1,3 triệu người New York thường xuyên nhận thức ăn cứu đói từ các tổ chức từ thiện, có đến 64% là phụ nữ, 22% là người tàn tật, 16% là người già, 27% là người lao động nghèo. Số người không đủ tiền mua lương thực năm 2008 cũng lên đến mức kỷ lục 4 triệu người, tăng gấp đôi so với năm 2003. Đặc biệt, tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo khổ tại New York là 19% (hơn 1,5 triệu người), cao hơn nhiều so với tỷ lệ chung của nước Mỹ (12,5%, khoảng 36,5 triệu người), cao đến nỗi tổ chức Ngân hàng Lương thực cho thành phố New York đã mở đầu báo cáo điều tra của mình bằng một câu rất chua xót: "Tại New York, một trong những thành phố giàu nhất thế giới, sự thiếu ăn đang hiện diện ở khắp nơi".
Tuy nhiên, đây chưa phải là những con số cuối cùng. Trước đó, Cục Quản lý người vô gia cư của New York thông báo số hộ gia đình vào ngủ trong các khu nhà tạm dành cho người vô gia cư cuối năm 2008 là 9.442 hộ, tăng 40% so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong hơn 25 năm qua. Ở các tiểu bang khác, số người vô gia cư cũng tăng đột biến và những "thành phố lều" - nơi ở tạm của người vô gia cư - mọc lên ở khắp mọi nơi.
"Thế hệ 8X vô địch"
Không chỉ đẩy nhiều người Mỹ chìm sâu vào cảnh đói nghèo, cuộc khủng hoảng kinh tế dường như còn khiến cấu trúc xã hội Mỹ thay đổi. Những ngày gần đây, báo chí Mỹ bắt đầu sử dụng cụm từ "thế hệ 8X vô địch" để chỉ những người Mỹ đang trong độ tuổi 20 - 29 không có bảo hiểm y tế. Theo điều tra của Quỹ Thịnh vượng chung, để tiết kiệm chi phí sinh hoạt, hơn 13,2 triệu thanh niên Mỹ (chiếm 29%) và 775.000 thanh niên New York đã chọn biện pháp hy sinh nhu cầu tối quan trọng này. Họ an ủi rằng mình rất khỏe mạnh, "vô địch" nên bệnh tật sẽ không thể xâm phạm. Gặp lúc ốm đau, họ thường tự chẩn bệnh kê đơn theo hướng dẫn lấy từ internet hoặc mượn đơn thuốc của bạn bè, bởi chi phí điều trị không có bảo hiểm tại các bệnh viện Mỹ rất đắt.
Tuy nhiên, rủi ro mà "thế hệ 8X vô địch" phải nhận là rất lớn. Nhiều người trong số này đã đi cấp cứu vì uống sai thuốc và chịu một khoản viện phí khổng lồ. Tờ New York Times mới đây đưa tin, chị Alanna Boyd, 28 tuổi, làm nghề tiếp tân tại Manhattan, phải trả đến 17.398 USD cho 46 tiếng nằm viện mổ ruột thừa vì không có bảo hiểm. Hoặc như anh Levon Aaron, 23 tuổi, hoạt náo viên tại một quán bar ở New York, phải đi cấp cứu vì mua nhầm thuốc trị suyễn, để rồi xuất viện sau hai giờ với tờ hóa đơn 3.000 USD.
Giữa lúc đó, làn sóng thất nghiệp và tịch biên nhà siết nợ ngày một lan rộng trên toàn nước Mỹ đang dần tạo ra một "tầng lớp" mới không ai mong muốn: "tầng lớp" vô gia cư. Ông Jean Rice, thành viên chủ chốt của tổ chức Bức tranh về người vô gia cư ở New York, nói với người viết bài rằng dùng chữ "tầng lớp" (class) lúc này là phù hợp vì số người vô gia cư ở Mỹ đã lên đến hàng triệu người. Số này bây giờ cũng không còn cam chịu sống lặng lẽ ngoài đường nữa mà đã bắt đầu tập hợp để đấu tranh cho quyền lợi của bản thân.
Hôm 19.3, lần đầu tiên những người vô gia cư của New York đã tự tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn ở khu Đông Harlem đòi chính quyền thành phố phải trưng dụng những khu đất trống thuộc sở hữu của người giàu để xây thêm nhà tạm cho người vô gia cư. Họ còn dự định chiếm một tòa nhà bỏ hoang trên đại lộ Madison để "minh họa". Tuy nhiên, do thông tin bị rò rỉ nên cảnh sát đã phát hiện và ngăn chặn thành công ý định này.
Lê Quang (từ New York, Mỹ)
Bình luận (0)