Nhận thấy đây cũng là thời điểm cần những thảo luận có tính toàn diện, chúng tôi tiếp tục mở rộng câu chuyện này với các ý kiến của chính phụ huynh, giáo viên, nhà quản lý, các chuyên gia…
Phụ huynh không tin tưởng
Phong trào học chữ trước khi vào lớp 1 là do đâu? Làm gì để các em không bị cắt ngắn tuổi thơ của mình? Theo tôi, tâm lý của các phụ huynh quá lo về việc con cái không theo kịp bạn bè trong lớp là có và phổ biến tới mức nhiều giáo viên lẫn hiệu trưởng cũng coi việc các cháu đã biết chữ là điều đương nhiên. Không phải các cơ quan chức năng không biết vấn đề này nhưng chưa thấy có hành động nào để phụ huynh các cháu đủ tin tưởng mà không dạy trước cho các cháu.
Nên chăng Bộ GD-ĐT phải có quy định cụ thể và nghiêm cấm việc dạy trước cho trẻ trước khi vào lớp 1. Khi và chỉ khi phụ huynh có được lòng tin rằng việc học trước là không cần thiết, không có lợi gì cho các cháu thì việc đó sẽ tự mất đi. Hãy làm gì tốt nhất có thể vì tương lai con em chúng ta để các cháu có được cuộc sống tốt đẹp hơn.
TRẦN NGỌC DƯƠNG (livingbetterlife@...)
Tôi rất hoan nghênh nếu nhà trường không yêu cầu trẻ học trước
Con đầu lòng của chúng tôi cũng phải học đọc, học viết trước khi vào lớp 1 nhưng khi nhập học cô giáo vẫn phàn nàn cháu đọc còn chậm, viết xấu. Chưa kể giáo viên than thở phải chạy theo chương trình nên đâu có thời gian để dừng lại chờ những em còn chậm. Nếu muốn xóa bỏ hiện tượng này, trước hết phải thay đổi mạnh mẽ từ phía nhà trường. Chúng tôi rất hoan nghênh nếu nhà trường, giáo viên không đòi hỏi trẻ phải biết đọc biết viết trước khi đi học lớp 1, vì việc đó đã khiến chúng tôi phải đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc mà còn mang tiếng là “cắt ngắn tuổi thơ” của con mình.
Chip (8967@hcm...)
Cho con học trước mới yên tâm
Không chỉ ở TP.HCM hay Hà Nội mà ngay cả Bà Rịa - Vũng Tàu quê tôi, chuyện cho con học trước khi vào lớp 1 cũng phổ biến. Tôi rất bức xúc khi ở lứa tuổi 4-5, các em cần những hoạt động vui chơi múa hát, việc nhận biết con chữ chỉ là cách tập cho các em từng bước hòa nhập vào việc học tập một cách tự nhiên. Nhưng thay vào đó là bắt các em phải ngồi học nghiêm túc như một học sinh tiểu học, vừa học luyện chữ, học âm, vần... và đọc thông thạo như học sinh lớp 1. Đứng về góc độ phụ huynh, tâm lý ai cũng muốn con em mình phải trội hơn nên khi thấy con em mình vào lớp 1 mà biết đọc, biết viết thì rất an tâm. Dù có khó khăn gì, họ vẫn chấp nhận tìm thầy cô để dạy chữ cho con em khi trẻ 4-5 tuổi.
Đối với giáo viên dạy lớp 1, dù là lớp hai buổi/ngày, nhưng lịch giảng dạy chạy theo từng tiết xen kẽ với giáo viên dạy môn nên nói thật không đủ thời gian để rèn viết, rèn đọc từng em, nhất là những em chậm tiếp thu! Do đó, nếu trẻ em biết đọc, biết viết trước sẽ đỡ phần nào gánh nặng cho giáo viên chủ nhiệm lớp 1.
D.V.NGỌC (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Ý kiến nhà giáo * Th.s LÊ THỊ NGỌC ĐIỆP (hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, Q.1, TP.HCM): Có giáo viên thích dạy HS biết chữ trước Chuyện cho con đi học trước chương trình lớp 1 là do phụ huynh muốn con mình phải đạt được điểm cao ngay khi bước vào lớp 1. HS mới qua lớp mẫu giáo 5 tuổi, khi vào học lớp 1 khó có thể đạt điểm tối đa, chắc chắn sẽ còn những khuyết điểm. Ở trường tôi nhiều phụ huynh thắc mắc: “Sao cô cho điểm mắc quá, cháu viết như vậy mà cho có 6, 7 điểm”. Thậm chí có em bị 5 điểm, phụ huynh đã bị “sốc”, lên gặp ban giám hiệu phản ảnh ngay. Mặt khác, một số giáo viên khi họp phụ huynh đầu năm đã nói không khéo: thống kê bao nhiêu em đã biết chữ, bao nhiêu em chưa biết chữ, nhận xét em A, em B học hơi chậm là phụ huynh hoảng lên, truyền tai nhau: “Đứa sau phải cho học chữ trước”. Bên cạnh đó cũng không phủ nhận một điều: có giáo viên thích dạy HS đã biết chữ trước vì đỡ cực hơn. Điều này ban giám hiệu các trường phải kiểm tra và chỉ đạo thật kỹ. * TS NGUYỄN THỊ QUY (nguyên phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục - ĐH Sư phạm TP.HCM): “Tâm lý trường điểm” xuất hiện từ lâu Việc đi học chữ không phải bây giờ mới xuất hiện, nó đã hình thành từ nhiều năm nay, từ khi có khái niệm “trường điểm”. Tâm lý xã hội ai cũng cho rằng HS trường điểm thì phải thật giỏi. Muốn giỏi phải học trước, chuẩn bị trước mới giỏi được. Nói chung là phụ huynh quá kỳ vọng vào con em mình, thực tế các bé không thông minh, không xuất sắc nhưng bố mẹ ra sức nhồi nhét để con mình phải nổi trội, phải hơn con người ta. Tôi còn được biết ở những lớp học thêm dành cho trẻ 4, 5 tuổi, do các cháu còn trong độ tuổi vui chơi nên khó chú ý, ngồi lâu một tí là mỏi, thế nên giáo viên phải dọa nạt, gò ép, bắt phạt các cháu phải viết cho đủ ba trang, bốn trang giấy. Thật khổ cho các cháu. Cứ căng thẳng như vậy, dần dần các cháu sẽ đánh mất sự hồn nhiên trẻ thơ, đâm ra sợ học, chán học. Lúc nào các cháu cũng canh cánh trong lòng phải hoàn thành nhiệm vụ viết hết trang giấy mới được ăn, được ngủ. * Cô HỒNG (giáo viên dạy thêm cho trẻ 5 tuổi ở Q.10): Chương trình khá nặng Nhiều phụ huynh gửi gắm con em cho mình dạy trước từ hồi 4,5 tuổi vì lo sợ khi vào lớp 1 các bé không theo kịp chương trình. Tôi cũng thấy chương trình khá nặng. HS mẫu giáo mới chân ướt chân ráo vào lớp 1 đã phải học viết và đọc chữ “e” - khó hơn nhiều so với chữ “o” như ngày xưa. Là giáo viên tiểu học lâu năm, tôi thấy hồi xưa khi chưa cải cách chương trình, có ai cho con đi học chữ trước như bây giờ đâu. H.HG (ghi) |
Bình luận (0)