Trách nhiệm của chính quyền địa phương
Theo Thanh tra TP.HCM, từ 1.7.2004 (ngày Luật Xây dựng có hiệu lực thi hành) đến 30.6.2008, trên địa bàn 9 khu phố của HBC có 1.015 trường hợp chuyển nhượng 179.110 m2 đất của 702 cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp tự ý phân lô, bán nền cho những người có nhu cầu, không thông qua chính quyền địa phương.
Trong đó, có 969 trường hợp nhận chuyển nhượng là người ở nội thành và các quận ven, còn lại ở các tỉnh và dân ngoại thành. Tất cả các trường hợp chuyển nhượng đất này đều bằng giấy tay, xảy ra thường xuyên trong thời gian dài, sau đó xây dựng trái phép, nhưng chính quyền địa phương không kịp thời phát hiện để có biện pháp ngăn chặn, xử lý.
Đến khi dư luận lên tiếng về “điểm nóng” xây dựng trái phép, UBND phường HBC mới “ra tay”, nhưng thiếu kiên quyết (tỷ lệ thu phạt thực tế chỉ đạt 68,1%)....
Cũng theo Thanh tra TP, dân số phường HBC gia tăng rất nhanh, từ 16.508 người (năm 1997) hiện lên tới 43.845 người (11.052 hộ), dẫn đến nhu cầu xây dựng nhà ở tăng cao, trong khi phường HBC được biết đến là địa phương có nhiều dự án đã quy hoạch “treo” từ nhiều năm qua, nhất là dự án quy hoạch đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (còn gọi là ga Bình Triệu); quy hoạch khu công viên cây xanh tập trung...
Việc chậm triển khai các dự án trên làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong khu vực vì không được mua bán hoặc sửa chữa, xây mới nhà, đất. Trong khi đó, phần lớn nhà dân là nhà cấp 3 - 4 đã dột nát, xin phép không được nên tự xây lén lút. Điều đáng nói, việc chuyển nhượng đất, chuyển mục đích sử dụng đất, san lấp mặt bằng phân lô bán nền và xây dựng nhà ở trái phép, sai mục đích sử dụng đất... nói trên xảy ra trong thời gian dài, UBND Q. Thủ Đức đều biết, nhưng không chỉ đạo xử lý kịp thời; không cương quyết trong chỉ đạo các phòng chuyên môn cũng như UBND phường HBC thực hiện cưỡng chế vi phạm; không tổ chức theo dõi đôn đốc việc thực hiện các quyết định xử phạt vi phạm hành chính của các đối tượng vi phạm...
Kiến nghị sửa quy hoạch
Theo Thanh tra TP, trong số 1.015 căn nhà xây dựng không phép tại phường HBC, chỉ có khoảng 60% là phù hợp quy hoạch, còn lại 40% (khoảng 400 căn) nằm trong phạm vi dự án khu đầu mối giao thông – dân cư Bình Triệu có diện tích hơn 200 ha (trong đó có dự án ga Bình Triệu rộng 60 ha)..
Để xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm xây dựng tại phường HBC, Thanh tra TP.HCM kiến nghị UBND TP chỉ đạo Giám đốc Sở Quy hoạch – Kiến trúc rà soát và đề xuất điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trên địa bàn Q. Thủ Đức và một số khu vực trên địa bàn phường HBC, để có cơ sở quản lý quy hoạch và thực hiện quy hoạch; đồng thời giao Chủ tịch UBND Q.Thủ Đức, Giám đốc các Sở Xây dựng, Quy hoạch – kiến trúc, Tài nguyên – Môi trường đề xuất xử lý đối với 1.015 trường hợp xây dựng trái phép trên địa bàn.
Thanh tra TP cũng phát hiện trong tổng số 60 dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở tại phường HBC có 25 dự án đang thực hiện với tiến độ “rùa bò”, chủ yếu do các chủ đầu tư chưa tích cực trong thực hiện, thiếu khả năng tài chính, không đền bù được, tranh chấp khiếu nại... Thanh tra kiến nghị UBND TP giao các sở, ngành liên quan tiến hành kiểm tra 25 dự án có tiến độ thực hiện chậm, xử lý theo hướng: không giao đất đối với các dự án chưa có quyết định giao đất; thu hồi dự án không triển khai thực hiện để phục vụ chương trình tái định cư của thành phố...
Để xảy ra các sai phạm trên, theo Thanh tra TP.HCM, trách nhiệm trực tiếp theo phân công thuộc về ông Nguyễn Hồng Sơn, nguyên Phó chủ tịch phụ trách quản lý đô thị UBND phường HBC, thời kỳ từ tháng 5.2004 - 2.2007 (ông Sơn đã bị xử lý kỷ luật cách chức và hiện là cán bộ Hội nông dân Q. Thủ Đức). Trách nhiệm trong quản lý, chỉ đạo thuộc về bà Võ Thị Hằng, Chủ tịch UBND phường HBC. Đối với UBND Q. Thủ Đức, trách nhiệm chính thuộc về ông Trần Công Lý, Chủ tịch UBND Q. Thủ Đức (từ tháng 5.2004-5.2008); ông Nguyễn Việt Quốc, Phó chủ tịch UBND quận; ông Trương Văn Thống, Phó chủ tịch UBND quận (từ tháng 6.2008 đến nay); ông Lê Văn Lộc, Phó chủ tịch UBND quận; ông Đặng Văn Thành, Trưởng Phòng QLĐT quận (từ tháng 3.2004-3.2005); bà Nguyễn Thị Biều, Trưởng Phòng QLĐT từ tháng 3.2005-12.2006); ông Trần Văn Dũng, Trưởng Phòng QLĐT (từ tháng 12.2006 đến nay); ông Đặng Văn Thành, Trưởng Phòng Tài nguyên - Môi trường (từ tháng 3.2005 đến nay)... Thanh tra kiến nghị UBND TP chỉ đạo tiến hành kiểm điểm trách nhiệm các cán bộ này. |
Minh Nam
Bình luận (0)