Huyền thoại hang Đầu Gỗ

09/04/2009 00:44 GMT+7

Với vẻ đẹp quyến rũ của hang, cuốn Merveille de Monde (kỳ quan thế giới) chuyên về du lịch của Pháp xuất bản năm 1938, khi giới thiệu các danh thắng nổi tiếng thế giới đã gọi hang Đầu Gỗ là Grotte des merveilles (động của các kỳ quan). Nhưng điều đặc biệt hơn là chính “động của kỳ quan” này đã gắn liền với chiến thắng Bạch Đằng Giang, mốc son chói lọi của lịch sử dân tộc. Nghe đọc bài

Từ “động của các  kỳ quan”

Giữa non nước mây trời của di sản thế giới vịnh Hạ Long tuyệt mỹ, có một cái hang mang tên rất mộc mạc dân dã: hang Đầu Gỗ hay còn gọi là hang Giấu Gỗ. Hang nằm trên đảo Đầu Gỗ, ngay cạnh động Thiên Cung. Từ phía xa nhìn lại, cửa hang có màu xanh lam hình giống như một con sứa biển, qua 90 bậc đá xây ta tới cửa hang. Vòm hang cao khoảng 25m, từ trên cao ấy hàng trăm nhũ đá khổng lồ rủ xuống như một dòng thác kỳ lạ. 

Về xuất xứ tên gọi của hang, truyền thuyết xưa kể rằng: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông, Trần Hưng Đạo đã cho chuẩn bị nhiều cọc gỗ lim ở đây, đẽo nhọn để cắm xuống lòng sông Bạch Đằng, tạo nên một trận thủy chiến vang lừng trong lịch sử. Sau đó, vì còn rất nhiều mẩu gỗ sót lại nên dân chài đã gọi tên là hang Đầu Gỗ. Lại có ý kiến cho rằng, đây chính là nơi Trần Hưng Đạo cho giấu các cọc gỗ lim để chuẩn bị cho trận chiến Bạch Đằng nên gọi tên hang là hang Giấu Gỗ, lâu dần người dân địa phương gọi chệch đi thành Đầu Gỗ. Ngày nay, tại trung tâm huyện Yên Hưng có 2 cây lim già to mấy vòng tay người ôm. Đây được cho là những cây lim còn sót lại của rừng lim mà Trần Hưng Đạo đã cho quân lấy làm cọc cắm xuống sông Bạch Đằng xưa (đã được xếp hạng di tích lịch sử cấp quốc gia). 

Do cấu tạo địa chất, hang Đầu Gỗ gồm có ba ngăn chính. Ngăn phía ngoài có hình vòm cuốn tràn trề ánh sáng tự nhiên, trần hang giống như là một bức "tranh sơn dầu" khổng lồ, mô tả phong cảnh thiên nhiên hoang sơ với những rừng măng đá, nhũ đá nhiều màu tạo nên nhiều hình thù kỳ lạ tùy theo trí tưởng tượng phong phú của mỗi người: những đàn voi đang đi kiếm ăn, những chú hươu sao ngơ ngác, chú sư tử lim dim ngủ, phía dưới là một chú rùa đang bơi giữa bể nước mênh mông. Đứng dưới vòm hang ta có cảm giác như đang đứng giữa một tòa lâu đài cổ kính, có lối kiến trúc đồ sộ và hùng vĩ.

Vượt qua ngăn thứ nhất, qua một khe cửa hẹp, ta sẽ bước vào ngăn thứ hai của hang. Ánh sáng chiếu vào đây mờ ảo, những bức tranh mới lạ hiện lên long lanh huyền bí. Những chùm hoa đá lúc ẩn lúc hiện, những hình ảnh vừa quen thuộc vừa xa lạ... tạo cho con người vừa sợ sệt vừa tò mò.

Tới ngăn thứ ba của hang, lòng hang lại đột ngột mở rộng. Bất giác ta nhìn lên phía trên trong ánh sáng mờ ảo, ta nhận ra bốn xung quanh là hình ảnh tòa thành cổ, trên đó đang diễn ra một trận hỗn chiến của những chú voi, ngựa đang xung trận, người và ngựa chen chúc, gươm giáo tua tủa, tất cả như đang xông lên và bỗng dưng bị hóa đá. 

Hai cây lim giếng rừng còn sót lại

Không chỉ chứa đựng vẻ đẹp tuyệt mỹ và truyền thuyết về hang Trần Hưng Đạo đã giấu gỗ, hang Đầu Gỗ còn là nơi ghi những dấu ấn lịch sử. Năm 1917, vua Khải Định và Toàn quyền Pháp Paul Doumer nhân chuyến đi kinh lý đã ra Vịnh Hạ Long chơi và lên thăm hang Đầu Gỗ. Ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thần tiên của tạo hóa, ông đã cho khắc một tấm văn bia với nội dung ca ngợi cảnh đẹp của non nước Hạ Long và hang Đầu Gỗ. Hiện nay, tấm bia đá vẫn còn ở phía bên phải cửa hang.

Năm 1962, Bác Hồ cũng đã từng tới đây thăm hang và ngắm cảnh Vịnh Hạ Long. Hiện nay, hang Đầu Gỗ đã và đang là một điểm đến trong hành trình tham quan Vịnh Hạ Long của du khách trong và ngoài nước. Đặc biệt, trong mấy năm gần đây vào dịp Lễ hội Du lịch Hạ Long (được tổ chức vào 30.4 hằng năm), người ta lại tổ chức hòa nhạc trong hang Đầu Gỗ, tạo nên một cảnh tượng hết sức thơ mộng, hoành tráng. Theo một cán bộ Ban quản lý vịnh Hạ Long, hang Đầu Gỗ có lợi thế rộng gần 5.000m2, gồm nhiều ngóc ngách, riêng khu vực biểu diễn rộng 3.000m2. Vòm hang rộng, khum. Nhiệt độ trong hang thì không một hệ thống điều hòa nhiệt độ hiện đại nào so sánh được. Mùa đông thì ấm, mùa hè nóng nực bên ngoài nhưng nhiệt độ bên trong hang lúc nào cũng chỉ 20-220C. 

Đến một vùng cổ tích...  

Trần Hưng Đạo tên thật là Trần Quốc Tuấn, là con trai của An Sinh vương Trần Liễu cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú. Ông vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, do đó trong cả 3 lần quân Nguyên - Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống trận. Sau khi kháng chiến chống Nguyên - Mông lần thứ 3 thành công, ông về trí sĩ ở trang viên của mình tại Vạn Kiếp. Ông mất ngày 20 tháng 8 âm lịch năm Canh Tý (tức ngày 5 tháng 9, năm 1300). Nhân dân đương thời lập đền thờ ông gọi là đền Kiếp Bạc. Ông được tặng tước Thái sư thượng phụ thượng quốc công Nhân Vũ Hưng Đạo  Đại Vương.

Nằm ở phía tây của tỉnh Quảng Ninh, tiếp giáp với Hải Phòng, huyện Yên Hưng ngày nay có diện tích 331,9 km2, gồm 19 xã, thị trấn, dân số khoảng 14 vạn người. Nhưng toàn huyện có đến hơn 200 di tích các loại (chiếm khoảng 40% tổng số di tích của tỉnh) và rất nhiều di tích ở đây liên quan tới chiến thắng Bạch Đằng năm 1288. Trong đó có 9 di tích tiêu biểu đã được xếp hạng cấp quốc gia, hợp thành Cụm di tích Chiến thắng Bạch Đằng gồm: Đền Trần Hưng Đạo, miếu Vua Bà, hai cây lim Giếng Rừng, đền Trung Cốc, đình Trung Bản, đình Yên Giang, đình Đền Công, bãi cọc Yên Giang, bãi cọc Vạn Muối. 

Mỗi di tích đều bao quanh bởi những câu chuyện về chiến thắng Bạch Đằng. Trong đó, có những câu chuyện nghe hết sức dân dã như đình Trung Bản (xã Liên Hòa) được xây dựng để thờ Trần Hưng Đạo, tương truyền trong khi đứng chỉ huy quân sĩ nơi này, gió thổi làm tóc ông xổ ra, ông bèn chống gươm để búi lại tóc. Ngày nay, bức tượng Trần Hưng Đạo đặt trên ban thờ đã mô tả đúng chi tiết ấy: Tay phải ngài cầm trâm cài đầu, phía sau là mái tóc dài xổ ra. Các nhà nghiên cứu mỹ thuật từng đánh giá đây là pho tượng Trần Hưng Đạo đẹp nhất nước. Với miếu Vua Bà, cũng là một câu chuyện dân gian: Tương truyền khi Trần Hưng Đạo đi khảo sát bãi cọc Bạch Đằng, khi tới bờ sông ngài đã được một bà hàng nước mách cho lịch con nước thủy triều lên xuống để tiện bố trí bãi cọc. Khi thắng trận, để tỏ ơn Trần Hưng Đạo đã tâu lên vua xin cho lập miếu thờ và tôn bà là Vua Bà. Từ dân thường, bà được tôn làm vua. Đây được coi một trường hợp hy hữu trong tín ngưỡng thờ dân gian ở Việt Nam. Nằm ở cuối huyện Yên Hưng, đình Đền Công – như tên gọi cũng có truyền thuyết là sự đền công của Trần Hưng Đạo vì tại đây, ngài đã được các vị thần ứng mộng báo cho cách đánh hỏa công... 

Dấu tích bãi cọc Bạch Đằng tại Yên Giang - ảnh: H.S - T.M

Những năm qua, cụm di tích Chiến thắng Bạch Đằng đã được đầu tư, tôn tạo, thu hút ngày càng nhiều du khách đến tham quan, nghiên cứu. Hằng năm, mỗi di tích đều có lễ hội nhưng lớn nhất trong số đó là lễ hội Bạch Đằng - hay như cách gọi của người dân địa phương là ngày “Giỗ trận”, diễn ra vào ngày 8.3 âm lịch, tại đền Trần Hưng Đạo. Trong lễ hội có lễ rước tượng Đức Thánh Trần, hội đua thuyền trên sông Bạch Đằng và các trò chơi nhằm tôn vinh chiến thắng xưa...   

* Năm 938, đoàn quân do Ngô Quyền vượt đèo Ba Dội tiến ra Bắc. Ông đã chủ trương bố trí một trận địa cọc ở cửa sông Bạch Đằng, rồi nhân lúc nước triều lên, nhử thuyền địch tiến vào bên trong hàng cọc và tập trung lực lượng tiêu diệt địch bằng một trận quyết chiến nhanh, gọn, triệt để. Sau khi diệt trừ xong bọn Kiều Công Tiễn, Ngô Quyền và bộ chỉ huy kéo quân về vùng ven biển Đông Bắc chuẩn bị đón đánh quân Nam Hán. 

* Cuối năm 938, cuộc kháng chiến chống xâm lược Nam Hán lần thứ hai của quân dân Việt đã giành được thắng lợi hết sức oanh liệt. Cả một đoàn binh thuyền lớn của giặc vừa vượt biển tiến vào mạn sông Bạch Đằng đã rơi vào thế trận và bị tiêu diệt gọn trong một thời gian rất ngắn.

* Năm 1288, chiến thắng Bạch Đằng lại được lặp lại, tiếp tục ghi dấu son chói lọi vào lịch sử dân tộc ta. Lịch sử còn ghi lại, sau hai lần thất bại trong cuộc xâm lược Đại Việt vào các năm 1258 và 1285, vào tháng 11 năm 1287, quân Mông - Nguyên bắt đầu xâm lược nước ta lần thứ ba. Và chiến thắng Bạch Đằng năm 1288 được các sử gia đánh giá là trận tiêu diệt chiến lược lớn nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc ta.

Hải Sâm - Trần Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.