Bảo tàng sống về chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa

10/04/2009 00:05 GMT+7

Hôm qua 9.4, tộc họ Đặng ở thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã làm lễ cúng vong linh tiền nhân và hiến tặng tờ lệnh liên quan đến chủ quyền quần đảo Hoàng Sa cho Nhà nước.

Theo pháp lý quốc tế, trước và sau năm 1909 khi bắt đầu có sự tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Hoàng Sa, sự chiếm hữu phải thật sự, liên tục, hòa bình và mang tính nhà nước. Bất cứ hành động nào của tư nhân không mang tính nhà nước đều không có giá trị pháp lý quốc tế.

Việt Nam chúng ta có rất nhiều văn bản nhà nước về việc xác lập, thực thi chủ quyền đối với Hoàng Sa còn lưu giữ được. Không những vì đó là sự thật lịch sử có sự chiếm hữu thật sự của nhà nước Đại Việt thời Chúa Nguyễn hay Việt Nam thời nhà Nguyễn. Từ thời Nguyễn Ánh chống Tây Sơn đã sử dụng những người Tây phương như người Anh: Barizy, người Pháp: Dayot, Chaigneau cố vấn cho việc chiếm hữu nhà nước, dùng thủy quân từ năm 1816 và dùng thủy quân cắm cột mốc, dựng bia, đào giếng, xây đền miếu, trồng cây… Những việc làm này được ghi rất rõ trong các văn bản nhà nước như Chỉ Dụ của nhà vua, tờ Tấu, phúc Tấu của các bộ còn lưu trữ trong Châu Bản Triều Nguyễn. Ngoài ra Quốc sử quán triều Nguyễn còn ghi rất rõ trong biên niên sử như Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Đại Nam Thực Lục Chính Biên. Còn kỹ hơn nữa ghi trong Hội điển, sách pháp chế của triều đình thành lệ hàng năm rõ ràng. Chính từ các chứng nhân nước ngoài ấy đã viết, phổ biến trên các sách báo hồi ấy đều cho rằng năm 1816 Vua Gia Long đã long trọng cắm cờ tại Paracel tức Hoàng Sa. Thực ra năm 1816 chỉ là năm bắt đầu dùng thủy quân theo cách hành xử chủ quyền của phương Tây mà thôi.

Chính sách khôn khéo của triều Nguyễn là dùng những người giỏi đi biển ở các tỉnh miền Trung như Quảng Ngãi, Bình Định, Bình Thuận. Đặc biệt dùng rất nhiều dân Cù Lao Ré tức Lý Sơn, có truyền thống nhiều thế kỷ là dân binh khai thác Hoàng Sa cũng như biển Đông, không chỉ với tính cách đội dân binh Hoàng Sa mà còn trợ giúp cho thủy quân của triều đình. Hoặc được giao cho chức chỉ huy thủy quân như Suất đội thủy quân Phạm Hữu Nhật, tức Phạm Văn Triều, thuộc tộc họ Phạm Văn, phường An Hải, nay là thôn Đông, xã An Hải. Hoặc với nhiều công việc của dân phu hay lái thuyền hướng dẫn đội thủy quân như đà công Đặng Văn Siểm vừa mới phát hiện hoặc với tính cách các phái viên lo tổ chức chuyến đi công tác nữa.

Chính từ những điều này nên huyện đảo Lý Sơn được coi là cái nôi của đội dân binh Hoàng Sa hay cung cấp người chỉ huy hoặc trợ giúp thủy quân làm tròn công tác. Số người được cử đi rất nhiều và qua nhiều thế kỷ. Mỗi tộc họ đều có truyền thống cất giữ những văn bản từ sắc phong, tờ tư, tờ lệnh, tờ bằng cấp như đà công Đặng Văn Siểm vừa phát hiện.

Huyện đảo Lý Sơn thật sự đã trở thành bảo tàng sống cũng như bảo tàng vô cùng quý với các văn bản, chứng cứ pháp lý về chủ quyền của Việt Nam tại Hoàng Sa cũng như Trường Sa. Bởi trước đây và ngay đến thời chính quyền Sài Gòn cũ vẫn có văn bản cùng lấy tên chung Hoàng Sa cho hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà theo chính sử, đội Hoàng Sa luôn kiêm quản đội Bắc Hải khai thác Trường Sa.

Có điều việc khai thác, bảo quản các tài liệu quý giá này vẫn còn bất cập. Đề nghị Bộ Văn hóa - Thể thao – Du lịch nên thành lập ngay Hội đồng Giám định quốc gia công nhận các văn bản mang tính nhà nước trên như là các di vật lịch sử quý báu nhất để theo luật mọi người phải có trách nhiệm bảo quản. Đồng thời phải số hóa tất cả các tài liệu văn bản trên cũng như các tài liệu liên quan nằm rải rác ở rất nhiều nơi trong và ngoài nước. Nhà nước cũng nên khẩn trương công nhận “Bảo tàng sống về chủ quyền của Việt Nam tại quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa” cho huyện đảo Lý Sơn để các con dân nước Việt, nhất là các học sinh, sinh viên có thêm điều kiện học hỏi, rèn luyện ý thức dân tộc khi tham quan, hành hương đến đảo ngọc này, hòn đảo tiên phong khai thác, tiên phong ra biển Đông của Việt Nam.  

Hãn Nguyên Nguyễn Nhã, tiến sĩ Sử học

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.