Thương mại hiện đại cuốn hút dân Việt

12/04/2009 11:03 GMT+7

Chợ vẫn tồn tại nhưng các mô hình thương mại hiện đại như cửa hàng, siêu thị... đang lấn dần, đặc biệt tại các thành phố lớn.

Thương mại hiện đại (TMHĐ) được cho là sẽ tiếp tục bùng nổ mạnh mẽ hơn trong những năm tới tại VN khi giới trẻ ngày càng thích nghi với các mô hình thương mại mới. Về tổng thể, thị trường bán lẻ VN trong mắt các nhà bán lẻ thế giới vẫn thuộc hàng hấp dẫn nhất, là môi trường thu hút DN FDI đầu tư xây dựng nhiều mô hình TMHĐ.  

Đang dần lớn mạnh

Tại khu vực Châu Á, VN đang xếp cuối bảng trong cơ cấu giá trị sản phẩm bán tại các mô hình TMHĐ so với mô hình thương mại truyền thống, với tỉ lệ 18/82, còn cách rất xa so với Malaysia (60/40), Hàn Quốc (55/45) và Đài Loan (54/46)...
 
Người tiêu dùng (NTD) VN vẫn chưa quen mua thực phẩm tươi sống tại các siêu thị, cửa hàng hiện đại, mà tập trung mua chủ yếu tại chợ và các hình thức bán hàng khác. Điều đó cho thấy TMHĐ đang đóng vai trò thứ yếu trong việc bán các loại thực phẩm tươi sống (3%).

Trong khi đó, vai trò này của TMHĐ đã gia tăng khá nhanh trong việc cung ứng các loại hàng hoá khác, như hàng tạp hoá (16%), hàng tiêu dùng nhanh (Fast Moving Consumer Goods - FMCG), sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cá nhân (25%) và đồ gia dụng (32%). Những con số này do Cty nghiên cứu thị trường TNS tại VN đưa ra trong một cuộc hội thảo gần đây. Ông Ralf Matthaes - GĐ điều hành Cty - nói: "Mặc dù nhỏ, nhưng TMHĐ sẽ phát triển ổn định tại VN".

Theo TNS, TMHĐ là kênh tăng trưởng nhanh nhất tại VN trong vài năm qua. Nó không chỉ làm thay đổi thói quen mua sắm khi dần tạo ra sự tiện lợi "một bước là đến siêu thị"; mà nó còn làm thay đổi nhiều yếu tố khác trong xã hội, như phương thức cung ứng hàng hoá thương mại, nếp sống văn minh lịch sự, chất lượng ATVS thực phẩm v.v...

Một đặc trưng của việc mua sắm tại VN, là tuỳ theo nhu cầu mua loại sản phẩm mà NTD quyết định chọn kênh mua sắm (89%). Những mô hình TMHĐ đang có tại VN như Cash & Carry (đại siêu thị), Supermarket (siêu thị), Hypermarket (cửa hàng lớn nhiều loại hàng hoá) và Mini Market (cửa hàng nhỏ, siêu thị mini).

Trong đó, vai trò của siêu thị đang thống lĩnh với các hệ thống Co.opMart, Big C..., tiếp đến là Cash & Carry, cửa hàng lớn. Loại hình siêu thị mini ở VN hiện chưa phát triển vì tập quán mua sắm của người Việt vẫn chưa thích ứng với mô hình này: Hệ thống G7 Mart đang thiếu sức hấp dẫn về hàng hoá,  chuỗi Shop & Go tại TPHCM còn lẻ tẻ,  trong khi chuỗi Co.op Food của Saigon Co.op đang hình thành chưa rõ hiệu quả ra sao...
  
Tiêu thụ hàng FMCG tăng nhanh

Ông Ralf  Matthaes cho rằng, xu hướng tiêu dùng của người Việt sẽ phát triển như đã từng diễn ra ở Trung Quốc khi quá trình đô thị hoá mạnh mẽ hơn. Tăng trưởng GDP bình quân đầu người tại VN hơn ba lần trong giai đoạn 1995-2008. Riêng trong bốn năm trở lại đây, GDP bình quân đầu người tăng gấp đôi từ 552USD lên 1.024USD/người/năm.

Sự phát triển về kinh tế đã và đang hình thành nên một tầng lớp thượng lưu thành thị là một trong các nhân tố quan trọng thúc đẩy TMHĐ phát triển và gia tăng chi tiêu. Nghiên cứu của TNS chỉ ra rằng, trên 1/3 hộ gia đình thành thị hiện có thu nhập trên 500USD/tháng.

Mức chi tiêu cho hàng hiệu tại các đô thị dù đang giàu lên nhanh nhưng chỉ chiếm chưa đến 10% hộ gia đình. Tuy nhiên, đối với hàng tiêu dùng nhanh, chi tiêu tăng rất nhanh, và lại tập trung nhiều tại kênh TMHĐ. Theo nghiên cứu của Cty TNS, những người có thu nhập từ 6,5 triệu đồng/tháng trở lên chính là đối tượng chủ đạo tiêu thụ hàng FMCG, chiếm 51,3% trong năm 2007 và 51% trong năm 2008.

Chi tiêu vào những mặt hàng FMCG như nước uống đóng chai, dầu gội đầu, sữa tắm, một số sản phẩm chăm sóc sức khoẻ cá nhân... đã tăng gấp đôi trong 5 năm từ 2003-2008. VN dù đứng cuối bảng ở Châu Á về TMHĐ, nhưng lại đứng đầu về mức tăng trưởng chi tiêu cho hàng FMCG, với 19%, trong khi Malaysia 11% và Đài Loan chỉ có 3%.

- Thị trường bán lẻ VN hấp dẫn. Năm 2007, Tập đoàn tư vấn AT Kearney xếp hạng VN là thị trường bán lẻ đang xuất hiện hấp dẫn thứ tư thế giới, sau Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Song song, chỉ số niềm tin của NTD VN cũng rất cao, đạt 118 điểm, trong khi chỉ số này trung bình của thế giới là 97 điểm. Tổng chi mua sắm của người Việt vẫn còn rất khác nhau giữa các khảo sát. Trong năm này, con số đó là 45 tỉ USD.

Sang năm 2008, cũng chính AT Kearney đã xếp hạng độ hấp dẫn của thị trường bán lẻ VN lên vị trí số 1, vượt qua Ấn Độ, Nga và Trung Quốc. Quy mô thị trường bán lẻ trong năm này, theo số liệu thống kê trong nước, đã tăng 20,5% đạt 975.000 tỉ đồng, tương đương 54,3 tỉ USD.

- Chi tiêu tại VN dự báo giảm trong năm 2009 vì chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế toàn cầu. Mức giảm theo nghiên cứu của TNS là 15% đối với thực phẩm, 20% đối với sản phẩm chăm sóc cá nhân và đồ gia dụng. Đối với các mặt hàng như xe ôtô, xe máy, hàng điện tử, theo ông Ralf Matthaes có thể giảm từ 40%-50%.

- Tương lai tiêu dùng của VN còn ở phía trước, đây là nhận định của Cty TNS căn cứ vào cơ cấu dân số của VN, được cho là rất trẻ, chỉ sau Philippines. VN có 78% dân số độ tuổi từ 39 trở xuống, còn độ tuổi từ 25 trở xuống có đến 57%. Dân số trẻ là yếu tố hàng đầu thúc đẩy TMHĐ phát triển mạnh hơn nữa trong tương lai, vì họ không mặn mà lắm với thương mại truyền thống. VN có tỉ lệ lao động nữ cao thứ ba ở Châu Á, là đối tượng được cho là có nhiều tiền chi tiêu.    

Theo Thẩm Hồng Thụy / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.