Bao tiêu nông sản ĐBSCL - Mô hình cần nhân rộng

14/04/2009 09:35 GMT+7

Hàng năm, ĐBSCL cung cấp đến 90% sản lượng gạo và hơn 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước cùng 70% sản lượng trái cây… Thế nhưng, với điệp khúc “được mùa, mất giá”, thu nhập của nông dân luôn bấp bênh và mãi chạy “theo đuôi thị trường”. Thấy cây, con gì có giá đua nhau trồng, khi rớt giá lại đốn chặt…

Sản lượng dồi dào
 
Vụ lúa đông xuân 2008-2009, ĐBSCL gieo sạ được hơn 1,544 triệu ha, tăng 18.000 ha so cùng kỳ năm trước. Dù thời điểm gieo sạ có gặp khó khăn do triều cường nhưng nông dân ĐBSCL vẫn trúng. Nhờ đó, ĐBSCL có đủ khả năng đạt sản lượng xấp xỉ 10 triệu tấn lúa ngay trong vụ đông xuân này.

Từ nay đến cuối năm 2009, ĐBSCL sẽ tiếp tục gieo sạ hơn 2 triệu ha lúa hè thu, thu đông và lúa mùa; tổng sản lượng ước đạt khoảng 10,5 triệu tấn lúa. Như vậy, năm 2009 ĐBSCL có  khả năng đạt được 20 triệu tấn lúa. 

Với những đóng góp ấn tượng như trên, ĐBSCL đã khẳng định vị thế của một vựa lúa  “khổng lồ” không chỉ của Việt Nam mà của cả khu vực và thế giới. Năm 2008, ở vùng ĐBSCL có 6.160 ha mặt nước được sử dụng để nuôi cá tra, sản lượng đạt hơn 1,1 triệu tấn cá tra.

Trong đó, diện tích nuôi cá tra tập trung nhiều nhất ở địa bàn TP Cần Thơ, An Giang, Đồng Tháp và Bến Tre. Thông tin từ Trung tâm Tin học và Thống kê của Bộ NN-PTNT cho thấy: Trong năm 2008, các đầu mối xuất khẩu thủy sản của nước ta đã xuất hơn 633.000 tấn sản phẩm cá tra đến hơn 130 quốc gia trên thế giới để mang về cho đất nước hơn 1,4 triệu USD.

 

Cá thác lác, một đặc sản của tỉnh Hậu Giang, được doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu. Ảnh: CAO PHONG

Từ thực tế sản xuất và tiêu thụ cá tra trong năm 2008, Bộ NN-PTNT nhận định trong năm nay ĐBSCL thả nuôi khoảng 6.000 ha với tổng sản lượng khoảng 1,2 triệu tấn.

Ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hội nghề cá Việt Nam cho rằng: “Chúng ta có đủ điều kiện để điều chỉnh mở rộng quy mô hoặc thu hẹp diện tích nuôi cá tra - một sản phẩm độc đáo của Việt Nam. Chúng ta có quyền định đoạt sản lượng hàng hóa cung cấp cho người tiêu dùng thế giới theo quy hoạch phát triển của mình”.
 
Ngoài lúa gạo, tôm cá, ĐBSCL còn là vựa trái cây của cả nước. Toàn vùng hiện có khoảng 300.000 ha trồng cây ăn trái với sản lượng trái cây hàng năm giao động từ 2,2 đến 2,7 triệu tấn. Trong đó, có nhiều loại trái cây đặc sản như xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn, bưởi Nam Roi… Thế nhưng, nhà vườn ĐBSCL cũng luôn trong tình trạng trúng mùa rớt giá, đời sống bấp bênh.

Những điểm sáng
 
Trong 5 năm qua, cá tra, cá basa ĐBSCL luôn “thăng trầm” bất thường! Nhưng có một điển hình luôn vượt qua khó khăn khi doanh nghiệp và nông dân đặt niềm tin và giữ được chữ “tín”! Năm 2004, Hợp tác xã (HTX) nuôi cá tra xuất khẩu Thới An (phường Thới An, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) chính thức đi vào hoạt động và gắn kết với Công ty cổ phần Hùng Vương (Tiền Giang) đến nay.

Năm ngoái, khi xảy ra “khủng hoảng thừa”, hầu hết người nuôi cá tra thua lỗ vì giá thức ăn thủy sản tăng mạnh nhưng giá bán cá lại thấp. Trong bối cảnh đó, HTX Nuôi cá tra xuất khẩu Thới An đã cung cấp cho thị trường hơn 15.000 tấn cá tra nguyên liệu với giá bảo đảm có lời cho người chăn nuôi.

Theo ông Nguyễn Ngọc Hải, Chủ nhiệm HTX nuôi cá tra xuất khẩu Thới An, trong 5 năm qua, HTX được Công ty Hùng Vương ký hợp đồng bao tiêu (HĐBT) nên chưa bao giờ thua lỗ. Hàng tuần, phía công ty đều chi tiền để các xã viên mua thức ăn cung cấp cho cá. Tôi nghĩ, các doanh nghiệp ở ĐBSCL nên học cách làm của Công ty Hùng Vương.

Theo ông Hải: Thời gian qua, những người nuôi cá tra ở ĐBSCL muôn nuôi đạt sản lượng cao nhất, chất lượng tốt nhất. Còn các khâu khác: chất lượng con giống, chất lượng và giá thức ăn, thuốc thú y… do người khác định đoạt. Nếu người nuôi cá và các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ cá tra có sự gắn kết chặt sẽ giảm bớt rủi ro. Khi giá cá xuống thấp, người nuôi cá vẫn có lời ít do doanh nghiệp chế biến chia sẻ rủi ro. Khi cá tra tăng giá và hút hàng, doanh nghiệp chế biến vẫn chủ động được nguồn nguyên liệu với giá cả hợp lý.

Trong nhiều năm qua, khoảng 6.000 ha đất trồng lúa ở Nông trường Cờ Đỏ - nay là Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (NNCĐ) được sản xuất theo quy trình khép kín: sản xuất lúa, chế biến gạo, tồn trữ và xuất khẩu gạo. Tất cả các khâu: làm đất, bơm tưới, thu hoạch, phơi sấy, chế biến và tồn trữ lúa gạo ở doanh nghiệp này đều được cơ giới hóa.

Đầu vụ sản xuất, Công ty NNCĐ cung cấp lúa giống tốt, phân bón và phổ biến lịch thời vụ cho hợp đồng viên. Nhờ đó, gần như toàn bộ diện tích đất sản xuất lúa của doanh nghiệp chỉ sử dụng 1 hoặc 2 giống lúa theo khả năng tổ chức tiêu thụ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp bao tiêu toàn bộ nông sản hàng hóa cho hợp đồng viên, tồn trữ theo từng giống lúa.

Ông Hồ Minh Khải, Giám đốc Công ty NNCĐ nói: “Sản lượng lúa gạo của chúng tôi đảm bảo chất lượng và đồng nhất nên khi xuất khẩu hoặc tiêu thụ nội địa đều cao giá hơn những sản phẩm cùng loại được sản xuất ngoài phạm vi doanh nghiệp, góp phần tăng thu nhập cho hợp đồng viên”.

Công ty NNCĐ đang tính đến chuyện thuê máy cày có gắn thiết bị định vị bằng tia laser để san ủi mặt bằng đồng ruộng tạo điều kiện giảm chi phí sản xuất để giúp hợp đồng viên nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích.

Tại An Giang trong 10 năm qua,  Công ty TNHH Angimex-Kitoku ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ hàng trăm hécta lúa Nhật. Vụ đông – xuân rồi có khoảng 600 ha được doanh nghiệp này ký kết bao tiêu cho nông dân 4 giống lúa: Kinu, Hana, Akita và Koshi, với giá từ 7.300 đồng đến 8.100 đồng/kg. Năng suất lúa bình quân 5,8 tấn/ha, hạch toán chi phí còn lãi khoảng 30 triệu đồng/ha.

Có đầu ra ổn định, doanh nghiệp “mạnh tay” ký kết bao tiêu với giá cao. Tuy nhiên, HĐBT này cũng có cái hay khi đưa ra tiêu chí: cộng khoảng 600đ/kg nếu nông dân trồng lúa đạt chất lượng cao và ngược lại!

Một cán bộ lãnh đạo Hội Nông dân TP Long Xuyên - An Giang nhận định: Nông dân Long Xuyên sản xuất lúa Nhật theo HĐBT là cách nâng cao giá trị sản xuất và chất lượng sản phẩm, đây cũng là một hướng đi trước xu thế “đô thị hóa” nông thôn ngoại thành.

Những điển hình nói trên là những điểm sáng trong một mục tiêu liên kết chặt chẽ nhà nông và nhà doanh nghiệp.
 
Bao giờ những điểm sáng đó  có thể nhân rộng thành bức tranh toàn cảnh, để nông dân không còn thấp thỏm nỗi lo được mùa rớt giá.

Theo Nh.Chánh – C.Phong / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.