Mua tóc dài đây!

14/04/2009 09:55 GMT+7

Cứ tưởng việc mua bán tóc chỉ xuất hiện ở các vùng quê nghèo khó thuộc các tỉnh phía Bắc, nào ngờ ngay giữa TPHCM, hằng ngày vẫn có những người đổi tóc lấy tiền. Đội quân săn tóc dài đã xuất hiện hằng ngày tại các phố nghèo.

“Ai bán tóc dài không? Tóc dài bán nào”. Giữa trưa nắng, trên đường Nguyễn Văn Lượng, quận Gò Vấp, tiếng loa vang ra nghe buồn buồn. “Bán gì chứ, mày nghe rõ không?”, một thanh niên hỏi người bạn đứng cạnh mình. “Hình như là tóc dài”, người bạn vừa đáp vừa lắng nghe. Phía xa, một người đàn bà mang khẩu trang, đi trên xe máy có gắn chiếc loa từ từ tiến đến. Tiếng loa nghe to hơn: “Ai bán tóc dài...”.

Bà Hai và chị Nữ đều rất buồn sau khi bán mái tóc

Vào hẻm săn tóc dài

Tôi đuổi theo chiếc xe máy của người đàn bà mua tóc dài. Lúc ra đường lớn, tiếng loa của chị lẫn trong âm thanh ồn ã của rừng xe cộ. Nhưng nó lại vọng lên rõ mồn một mỗi khi vào hẻm nhỏ.

Chạy xe theo chị ta hơn một giờ, khuôn mặt tôi nóng hừng hực giữa nắng nóng. “Ai bán tóc dài không?”. Đã qua 6 – 7 con hẻm, hàng trăm lần tiếng rao vọng hỏi mà chẳng có tiếng ai đáp trả. Chỉ nghe  vài tiếng cười khúc khích và ánh nhìn ngơ ngác của người đi đường.

“Em tên Thương, người Hà Tây. Lúc trước mua tóc ngoài Bắc nhưng giờ nguồn tóc ít nên phải vào Nam. Nghề tụi em cũng như thu mua ve chai”. Người mua tóc nói giọng Bắc rất ngọt, lúc chị mở khẩu trang ra, tôi mới biết chị còn khá trẻ.

Bên cạnh chiếc loa, xe máy của Thương còn treo lủng lẳng bịch nước mía. Thương cho biết đang mang bầu nhưng chị phải lặn lội đi mua tóc để chuẩn bị tiền cho đứa con chào đời.

Vào TPHCM săn tóc dài, Thương và đồng nghiệp nghiệm ra muốn mua được tóc phải nhắm đến những con hẻm, vì chỉ có hẻm mới đủ yên tĩnh để tiếng rao lan tỏa và hẻm cũng là nơi có nhiều công nhân, người nghèo, họ chính là khách hàng thân thuộc.

Đến hẻm nhỏ trên đường Phạm Văn Chiêu, Thương rẽ vào con đường đất bé tẹo rồi lại lủi sâu vào những góc nhà thấp lè tè. Một cô gái tóc ngắn cũn cỡn, có lẽ là khách hàng lần trước của Thương, nói lớn: “Bên kia có bà tóc dài kìa”.

Theo hướng chỉ, Thương đến trước một căn nhà gõ cửa. Một người đàn ông, bước ra quát: “Tóc, tai cái gì, vợ tôi ngủ rồi, đi chỗ khác giùm!”. Ở hẻm kế bên, một người đàn bà chừng 50 tuổi mở cửa vẫy: “Tóc dài nè”.

Như bắt được vàng, Thương chạy đến. Cuộc thương lượng tiến hành: “Tóc cô dài, nhưng đã lấm tấm bạc, lại xoăn, thôi thì 350.000 đồng”, Thương nâng mái tóc lên xuống đoán trọng lượng rồi rao giá.

Người đàn bà nghĩ ngợi hồi lâu rồi vén tóc lại bước vào nhà. Thương giở sổ ra ghi lại số nhà, số hẻm. Có lẽ  hôm sau chị ta lại đến, biết đâu chủ tóc sẽ đổi ý.

Mái tóc - nỗi niềm

Ngoài Bắc, người đi mua tóc thường mang theo một chiếc cân để cân tóc rồi trả tiền cho người bán. Giá tóc phụ thuộc vào độ dài và trọng lượng của bộ tóc cắt ra. Tóc càng dài càng nặng thì càng được giá. Bình quân mỗi lạng tóc dài 60 cm giá khoảng 200.000 đồng.

Tuy nhiên, giới mua tóc lẻ ở TPHCM rất ít khi dùng cân mà xem tóc của khách rồi hô giá và cắt ngang. Với kiểu mua bán này, phần thiệt bao giờ cũng thuộc về người bán vì người mua tóc thường giở mánh khóe khi cắt.

Hơn 10 kg tóc này bán cho các tiệm uốn tóc được 40 - 50 triệu đồng

“Tóc tôi dài quá mông và rất dày, bữa đó, sau một hồi thương lượng, tôi đồng ý bán với giá 500.000 đồng nhưng bảo phải chừa lại cho tôi hai gang tay. Thế mà cô mua tóc cắt sát đầu luôn. Thấy tôi la quá trời, cô ấy vứt tiền rồi biến ngay”, bà Hai gần 60 tuổi ở tổ 59 đường Tân Sơn, phường 12, quận Gò Vấp than vãn.

Bà thở ra: “Hồi nhỏ, tui cũng một lần bán tóc ở chợ, người mua cắt đàng hoàng lắm”. Quê ở Hải Dương, bà Hai vào TPHCM để trông cháu. Bà lo mai mốt khi bà về quê, nhìn mái tóc này, ông chồng sẽ buồn.

Từ mái tóc cũn cỡn của bà Hai, nhiều phụ nữ trong tổ dân phố này đã rút ra kinh nghiệm phòng vệ mỗi khi bán tóc. Chị Nữ, nhà sát bên bà Hai, kể: “Hôm trước, tui bán tóc, để nó khỏi cắt gian, tui dùng bàn tay bóp chặt lọn tóc không cho chiếc kéo cắt lẹm lên trên”.

Buổi giao dịch tóc hôm đó hoàn thành đúng giao kèo. Tuy nhiên, khi nhìn mái tóc mình rơi ra, chị Nữ vẫn cứ thảng thốt. Cả thời con gái chị lên TP làm công nhân, rồi lấy chồng đẻ con và chuyển qua nghề buôn bán trái cây. Bao năm bon chen giữa phố thị, cái nghèo vẫn cứ đeo đuổi  chị. “Thôi thì mình cũng đã lấy chồng, qua thời con gái rồi, đổi mái  tóc lấy chút đỉnh tiền phòng khi đau ốm”, giọng chị buồn buồn.

Săn tóc khắp nơi

Giới thu mua tóc dài ở TPHCM cho biết tóc dài ở đây chất lượng thường thấp nên ít được giá hơn so với tóc dài ngoài Bắc. Theo họ, tiết trời trong Nam không có mùa đông, không có khí lạnh nên sợi tóc thường khô và xơ, có khi bị chẻ ngọn, khác với tiết trời miền Bắc đầy đủ bốn mùa nên tóc thường mềm và mượt hơn. Từ Thanh Hóa trở ra là nơi những tay săn tóc rất thích vì tóc ở đây đẹp và cao giá nhất.

Lượng tóc dài ở miền Bắc cũng dần cạn kiệt, hơn nữa những người bán tóc quá rành giá cả nên giới mua tóc khó kiếm lời. Vì thế, hàng trăm người thu mua tóc từ các tỉnh phía Bắc đổ vào Nam để hành nghề. Riêng ở TPHCM có khoảng hơn 10 tay săn tóc trú ngụ tập trung chủ yếu ở quận 12. Địa bàn hành nghề của họ chủ yếu tập trung ở các khu dân cư nghèo, các khu công nghiệp ở quận Gò Vấp, 12, Thủ Đức... Hiện nay, theo giới buôn tóc, gần như tất cả các tỉnh, thành trong nước đều đã xuất hiện người đi mua tóc dài.

Theo Như Phú / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.