Lương bổng thấp hơn
Giám đốc truyền thông và phát triển doanh nghiệp Navigos Group, bà Nguyễn Thị Minh Tâm chia sẻ: "Theo quan sát của chúng tôi, Việt Nam hiện đang thừa lao động thiếu tay nghề và thiếu lao động có trình độ cao, năng lực giỏi và giàu kinh nghiệm". Bà Minh Tâm phân tích, những giám đốc tài chính (CFO) giỏi ngang tầm quốc tế đồng thời hiểu rõ thực tiễn trong nước còn thiếu. Nhân sự và chuyên gia thực sự giỏi và có tầm ở ngành marketing, nhân sự, quảng cáo... vẫn còn khan hiếm. "Những ngành nghề nóng và thuộc hàng "top" trước đây như chứng khoán và quỹ đầu tư đã hạ nhiệt. Có thể xem đây là sự tự điều chỉnh và loại bớt một số nhân lực tuy gọi là cao cấp nhưng chưa thực sự trưởng thành - vốn là những đối tượng có được cơ hội phát triển nhờ vào sự tăng trưởng quá nóng của cầu và vượt mức cung trên thực tế" - bà Minh Tâm nhận xét.
"Ngoài năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, ứng viên cần phải có khả năng chịu đựng, thích ứng cao trong môi trường kinh tế có nhiều thử thách như hiện nay" - Bà Tam Thanh Thiên Trang, Phó giám đốc dịch vụ nguồn nhân lực NetViet |
Ông Ngô Đình Đức, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần giải pháp nhân lực L & A cho hay: Từ đầu năm 2009 đến nay, do ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế nên nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn cắt giảm khoảng 30 - 40% nhu cầu tuyển dụng lao động ở mọi vị trí, đặc biệt là những nhân sự cao cấp khối nhà máy, sản xuất. Theo ông Đức, có một sự thay đổi rõ rệt trong cung - cầu ở thị trường lao động cao cấp. Cách đây vài năm, khi kinh tế bùng nổ, số lượng doanh nghiệp liên tục được mở rộng khiến khâu tuyển dụng khá dễ dãi. Họ sẵn sàng trả mức thu nhập ngất ngưởng cho nhân sự cao cấp. Còn hiện nay, nhiều doanh nghiệp theo xu hướng tận dụng nhân sự có sẵn, bố trí một người làm 2 - 3 công việc hoặc đôn người từ dưới lên. Trường hợp phải tuyển người mới, tiêu chuẩn chọn lựa cũng khắt khe hơn, đảm bảo chất lượng cao nhưng lại giảm bớt các phúc lợi về du lịch, đào tạo nước ngoài, thưởng... Trước đây, bình quân thu nhập của một nhân sự cao cấp (trưởng phòng trở lên) khoảng 3.000 USD/tháng, giờ chỉ còn khoảng 2.500 USD/tháng.
Bà Tam Thanh Thiên Trang - Phó giám đốc dịch vụ nguồn nhân lực NetViet nhận định nhu cầu tuyển dụng nhân sự cao cấp hiện giảm khoảng 25 - 30%, nhất là ở những công ty quỹ đầu tư, tài chính. Bà Trang cho biết thêm, dưới tác động của khủng hoảng kinh tế, một số Việt kiều ở các nước phát triển bị mất việc đã tìm về Việt Nam kiếm chỗ làm. Những người này có ưu thế nổi trội về ngoại ngữ, tác phong làm việc... nhưng vẫn chấp nhận mức lương tương đối thấp. Bên cạnh đó, càng ngày càng có nhiều du học sinh học xong quay trở về làm việc. Đó là chưa kể một số lao động đến từ Ấn Độ, Philippines, Indonesia... Bà Trang đánh giá: "Cung nhiều hơn cầu đã tạo ra sự cạnh tranh khá gay gắt trong những nhân sự cao cấp. Thị trường lao động theo đó đa dạng hơn, doanh nghiệp có nhiều sự chọn lựa hơn".
Chứng minh thành quả
Làm thế nào để lọt vào mắt nhà tuyển dụng khi có nhiều sự cạnh tranh? Theo đại diện một số công ty săn tìm nguồn nhân lực, điều quan trọng nhất là các ứng viên phải chứng tỏ những thành quả đã đạt được. Theo bà Thiên Trang thì ngoài năng lực chuyên môn, kinh nghiệm quản lý, ứng viên cần phải có khả năng chịu đựng, thích ứng cao trong môi trường kinh doanh có nhiều thử thách như hiện nay. Bà Trang còn tư vấn cho ứng viên một số "mẹo vặt" khi đi tìm việc. Chẳng hạn, sau khi nộp hồ sơ, nên chủ động gọi điện thoại cho nhà tuyển dụng để hỏi họ nhận được hồ sơ chưa; qua đó, khéo léo tranh thủ tiếp thị bản thân phù hợp với công việc đó như thế nào. Thậm chí đối với những công ty tuyển dụng không công khai, sự chủ động tìm kiếm thông tin và trực tiếp liên lạc với nhà tuyển dụng đôi khi mở ra những cơ hội bất ngờ...
Ảnh: C.T.V |
Ông Ngô Đình Đức cho rằng những người xứng đáng được gọi là nhân-sự-cao-cấp đều đã có thương hiệu, nếu họ rớt ra ngoài tập đoàn lớn thì thường có những công ty khác sẵn sàng "lượm" ngay. Đối với những bạn trẻ chưa có thương hiệu, ông Đức cho rằng việc tích lũy kinh nghiệm, xây dựng mục tiêu, kiên trì tạo lập thành quả... là rất cần thiết. Một khi đã có thành tích ấn tượng, họ sẽ được nhiều công ty khác mời chào. Ông Đức khẳng định, quan điểm "một nghề cho chín còn hơn chín nghề" vẫn rất đúng trong thời buổi hiện nay. Theo ông, trừ trường hợp chọn sai nghề phải chọn lại, còn thì đa phần những người thành công thường đã chọn nghề phù hợp. Tuy nhiên, để chuyên môn được phát triển hơn cũng cần phải tích lũy kiến thức, kỹ năng bổ trợ.
Trong khi đó, bà Minh Tâm khuyên các bạn trẻ tích cực làm việc, sáng tạo và... bớt đòi hỏi. "Các nhân viên nên ý thức đóng góp nhiều hơn nữa, bởi vì công ty tồn tại thì mình mới tồn tại. Nếu các bạn phải làm thêm một số việc khác, hãy học hỏi và trang bị kỹ năng, kiến thức cho mình. Việc có thêm kỹ năng hay kiến thức trong lĩnh vực khác sẽ giúp bạn tiếp cận được nhiều cơ hội hơn" - bà Tâm nói. Cũng theo bà, trong trường hợp bị sa thải, người lao động nên nhìn nhận đây là cơ hội để phát triển ở một nơi khác chứ không nên bi quan.
Như Lịch
Bình luận (0)