Năm 2008, lực lượng kiểm lâm của vườn thu gom trên 20.000 bẫy thú. Hạt Kiểm lâm VQGCT cho biết: tình trạng cài bẫy săn bắt trái phép thú hoang dã ở đây đang diễn biến hết sức phức tạp tại hầu hết các xã giáp ranh thuộc cả 3 tỉnh trên.
Các đối tượng săn thú thường xuyên tìm cách đột nhập vào rừng đặt bẫy. Các loại bẫy thú tự chế như bẫy hom, cạm, cò ke... được cài thành từng tuyến dài theo dấu vết các loài thú thường đi qua. Có lần lực lượng kiểm lâm VQGCT phát hiện một tuyến bẫy cài liên hoàn tạo thành lưới bẫy đón lõng các loài thú lên tới 300 chiếc. Thống kê từ năm 2006 đến hết tháng 3.2009, đã có 10 con bò tót (thuộc nhóm 1b) đặc biệt quý hiếm đang có nguy cơ tuyệt chủng ở VQGCT bị sát hại, trong đó có 6 bò tót trưởng thành nặng từ 500 kg trở lên dính bẫy. Chưa kể nhiều loài chim, thú quý cũng dính bẫy. Phần lớn số thú này được các đối tượng vi phạm bán cho các đầu nậu thu gom ở các xã giáp ranh VQGCT.
Mới đây VQGCT phối hợp với Công an Đồng Nai mở đợt truy quét đột xuất các tụ điểm buôn bán thú hoang dã thuộc địa bàn xã Đắc Lua, huyện Tân Phú (Đồng Nai), đã thu giữ 286 kg thú hoang dã các loại. Qua trinh sát, Hạt Kiểm lâm VQGCT còn phát hiện 11 tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép trên địa bàn hai huyện Cát Tiên và Đạ Tẻh của tỉnh Lâm Đồng. Đây là những địa phương nằm sát rừng cấm, cũng là “điểm nóng” về buôn bán trái phép động vật hoang dã trong thời gian dài nhưng chính quyền địa phương vẫn không có biện pháp ngăn chặn và xử lý triệt để. Nguyên nhân chính là do sự phối hợp giữa chính quyền địa phương vùng giáp ranh và vườn quốc gia trong xử lý các đối tượng vi phạm chưa hiệu quả. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng thừa nhận thời gian qua lực lượng kiểm lâm địa bàn chưa kiên quyết trong việc xử lý các tụ điểm buôn bán động vật hoang dã trái phép.
Lâm Viên
Bình luận (0)