Bất an trên đường phố

15/04/2009 00:04 GMT+7

Những con đường xuống cấp ổ gà ổ voi như đường Nguyễn Văn Tạo (huyện Nhà Bè, TP.HCM) mà theo cảnh sát giao thông tổng kết là "gánh 60% tai nạn giao thông ở huyện Nhà Bè", dây điện trung thế đứt giữa giờ cao điểm rớt xuống lòng đường u Cơ sát hại cô gái hiền lành chăm chỉ Hoàng Thị Thanh Truyền, cành cây gãy rơi xuống đầu người đi đường khi trời mưa, rồi "hung thần xe buýt" sẵn sàng gây tai nạn, rồi hố ga lộ thiên trở thành những cái bẫy chết người ngay trên đường phố, rồi những "lô cốt" cản trở giao thông và cũng là tác nhân gây tai nạn giao thông, rồi…

Tất cả tạo nên một cảm giác bất an với những nguy hiểm rình rập, những hỗn loạn bất thần ngay trên những đường phố của một thành phố lớn nhất nước. Với một thành phố hơn 8 triệu dân, thì người ta có thể nói những tai nạn thường ngày như thế "vẫn chưa nhiều", nhưng đừng quên rằng, nếu những cơ quan đơn vị có trách nhiệm trong và trên (không gian) đường phố tỏ ra có trách nhiệm hơn, những tai nạn kia hoàn toàn có thể được giảm bớt. Như tai nạn đứt dây điện gây chết người vừa rồi, nếu cơ quan quản lý lưới điện thường xuyên kiểm tra những rơ-le tự động gắn trên lưới điện, thì mỗi khi xảy ra chạm chập rơ-le sẽ tự động ngắt điện, làm sao có chuyện dây điện đang dẫn điện rớt xuống gây chết người? Và nếu đơn vị quản lý xe buýt thường xuyên giáo dục tinh thần trách nhiệm kèm những hình thức thưởng phạt nghiêm minh cho những người lái xe buýt, thì những tai nạn do xe buýt gây ra trong tình trạng đường phố quá tải cũng sẽ giảm bớt. Và nếu Sở Giao thông vận tải cùng những công ty công trình công cộng phát hiện kịp thời và thường xuyên tu bổ đường sá, những đơn vị thi công các công trình ngầm phải đào bới đường phố sau khi hoàn thành biết lấp lại cẩn thận, trả lại mặt đường như nguyên trạng của nó, thì chắc chắn tình trạng ổ gà ổ voi trên các con đường sẽ không còn. Và cùng với nó, rất nhiều tai nạn giao thông sẽ không xảy ra. 

Để cho "bản giao hưởng đường phố" thực sự có hòa âm và tiết nhịp, thì như trong bất cứ dàn nhạc nào cũng cần phải có một nhạc trưởng. Cho tới bây giờ, thực trạng trên các con đường của TP.HCM vẫn thiếu sự điều hành, thiếu cây đũa chỉ huy của một "nhạc trưởng". Bởi có quá nhiều cơ quan, quá nhiều đơn vị tham gia vào những hoạt động bảo hành và lưu thông trên đường phố, nhưng không đơn vị nào phối hợp với đơn vị nào, cứ mạnh ai nấy làm, và khi xảy ra tai nạn hay sự cố thì cố gắng tránh né tối đa phần chịu trách nhiệm của mình, nên người dân lưu thông trên đường luôn có cảm giác bất an. Giáo dục ý thức của người dân tham gia giao thông là điều nhất thiết phải làm, nhưng đã ai nghĩ tới việc giáo dục ý thức cho những cơ quan, đơn vị bảo trì và thi công các công trình trên các đường phố Sài Gòn? Đừng đổ lỗi cho người tham gia giao thông, trong khi đường sá xuống cấp không được tu sửa, và không gian giao thông vẫn thiếu an toàn! 

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.