Tỉ phú keo kiệt Igvar Kamprad

24/04/2009 16:45 GMT+7

(TNTS) Lâu nay vẫn có không ít ý kiến cho rằng, tỉ phú người Thụy Điển - Igvar Kamprad chẳng bao lâu nữa sẽ trở thành người giàu nhất thế giới. Sở dĩ như thế bởi ông là người rất giỏi trong kinh doanh, nhưng cũng lại rất keo kiệt...

Keo kiệt với chính mình

Nhiều người cho rằng Igvar Kamprad, 82 tuổi, sẽ qua mặt Bill Gates hay Warren Buffett, để độc chiếm vị trí thứ nhất trong top người giàu, vì hãng đồ gỗ IKEA của ông hoạt động khá lặng lẽ, nhưng rất hiệu quả. Hơn thế nữa, tỉ phú Kamprad là người không háo danh và hết sức keo kiệt.

Cuộc tranh luận về sự giàu có của Kamprad lên đến đỉnh điểm cách nay 4 năm, khi nhật báo Veckans Affärer của Thụy Điển xếp ông là người giàu nhất thế giới. Các nhà quản lý của IKEA nói rằng, Kamprad chính thức không còn là lãnh đạo của hãng, chính vì thế giá trị của hãng không thể cộng vào với tài sản của ông. Tuy nhiên báo Economic của Anh lại đưa ra bằng chứng Kamprad và các thành viên gia đình ông vẫn kiểm soát IKEA thông qua mô hình khá phức tạp là công ty “mẹ” và công ty “con”. Người ta nhận định, ít nhất tài sản của Kamprad cũng phải hơn 30 tỉ USD. Cuộc tranh luận không có hồi kết, nhưng không ai có thể đưa ra chính xác con số về tài sản của tỉ phú này.

Trước đó, từ năm 1976, nhân vật trung tâm của các cuộc tranh cãi đã cùng vợ là Margaret chuyển qua sinh sống ở Lausanne, Thụy Sĩ. Ngôi nhà của hai vợ chồng ông gần một ngã tư đường không có gì đặc biệt. Phía bên ngoài là hàng rào loại thường cao khoảng 2 mét. Bên trong không có hồ bơi, không có chuồng ngựa với những con ngựa quý hiếm. Ở đó chỉ có chiếc Volvo màu xanh – xám được sản xuất từ năm 1993. Phía bên kia của ngôi nhà trông ra hướng hồ Geneva.

 

Xưởng thiết kế - Ảnh: Flickr

Có lẽ vợ chồng Kamprad sang Thụy Sĩ sinh sống không phải vì thiên nhiên đẹp, mà bởi Lausanne là “thiên đường trốn thuế”. Nơi đây quy tụ những người giàu có, danh tiếng như doanh nhân, nghệ sĩ, vận động viên thể thao. Dọc bên hồ Geneva là nơi trú ngụ của hai cựu tay đua F1 là Michael Schumacher, Alain Prost, hay nữ ca sĩ Shania Twain, nhạc sĩ kiêm ca sĩ Phil Collins... Tại đây, người nước ngoài có thể thỏa thuận mức thuế với chính quyền sở tại mà không phụ thuộc vào thu nhập của mình. Thông thường thì mức thuế tại Lausanne thấp chỉ bằng 1/5 so với các quốc gia khác. Hơn thế, nếu Kamprad sống ở Thụy Điển, thì ông phải nộp gần 70% tiền thuế từ thu nhập của mình.

Theo những người dân địa phương, vợ chồng Kamprad không gây ấn tượng họ là những người cực kỳ giàu có. Họ chỉ có một người vệ sĩ và sống khép kín. Chủ nhân của ngôi nhà tự mình đi mua sắm tại trung tâm thương mại và trả giá đến tuyệt vọng. “Tôi là người hà tiện  – Kamprad luôn yêu thích nhắc lại câu nói này – Tôi tự hào vì điều này”. Chưa ai thấy Kamprad đến dự một sự kiện nào tại đây hay ghé vào một nhà hàng. Ngay cả báo 24 giờ nơi ông sinh sống cũng không có lấy một tấm ảnh vợ chồng Kamprad nhân sự kiện nào đó, cho dù họ đã sống ở đây hơn 30 năm.

Mùa hè và mùa thu Kamprad thường đi tàu lửa loại vé hạng thường để đến Pháp, nơi ông có sở thích đặc biệt là uống rượu nho. Ông tự cho phép mình uống hết ly này đến ly khác để trò chuyện cùng những thợ mộc người Ba Lan mà ông biết từ thập niên 1950.

Những bài học vô giá

10 người giàu nhất năm 2009

1. Bill Gates (Mỹ – 40 tỉ USD)
2. Warren Buffett (Mỹ – 37 tỉ)
3. Carlos Slim (Mexico – 35 tỉ)
4. Lawrence Ellison (Mỹ – 22,5 tỉ)
5. Igvar Kamprad (Thụy Điển - 22 tỉ)
6. Karl Albrecht (Đức - 21,5 tỉ)
7. Mukesh Ambani (Ấn Độ - 19,5 tỉ)
8. Lakshmi Mittal (Ấn Độ - 19,3 tỉ)
9. Theo Albrecht (Đức - 18,8 tỉ)
10. Amancio Ortega (Tây Ban Nha - 18,3 tỉ USD).

(Nguồn: Forbes)

Hãng IKEA do Igvar Kamprad thành lập vào năm 1943 tại một kho chứa đồ bị bỏ hoang. IKEA được ghép từ IK (có nghĩa là người sáng lập) và từ viết tắt của Elmtaryd trang trại nơi Kamprad sinh ra. Khi đó Kamprad mới 17 tuổi. Chàng trai trẻ vừa đi học vừa kinh doanh. Bài học đầu tiên từ thực tế mà Kamprad rút ra là: Nếu mua một lô hàng với giá ưu đãi, sau đó bán lẻ với giá cao hơn chút ít thì sẽ có lời. Một người cùng làng đến thủ đô Stockholm có công việc, Kamprad nhờ người này mua vở, bút chì, diêm... sau đó đem về bán lại trong làng hay cho những bạn học ở trường.

Bài học thứ hai chàng trai trẻ rút ra là: Nếu trực tiếp mời mọc ai đó mua hàng thì sẽ nhận được phản ứng thụ động. Tốt hơn hết là phải xuất phát từ chính nhu cầu của họ. Kamprad nhận các đơn đặt hàng của các làng nơi đây, rồi thông qua bưu điện để mua hàng từ những chỗ khác về cho họ.

Nhưng đến bài học thứ ba của Kamprad thì đó là “cuộc cách mạng” thực sự. Nhà tỉ phú tương lai bắt đầu quảng cáo hàng hóa của mình trên báo địa phương và tự gửi các catalogue do chính mình làm đến khách hàng. Cứ như thế Kamprad buôn bán hàng tạp hóa như bút, ví, tất, đồ chơi trẻ em... cho đến khi 19 tuổi.

Sau này, Kamprad buôn bán vài mặt hàng đồ gỗ. Do thấy lợi nhuận cao, hàng chạy nên vào năm 1953, ông thành lập cửa hàng đồ gỗ đầu tiên của mình tại thành phố Elmhult, Thụy Điển. Điểm mới của cửa hàng là trước khi đặt hàng, khách có thể ngắm xem, thậm chí còn thử cả đồ gỗ xem chúng có hợp với mình hay không. Thời gian hoàn thành đơn đặt hàng cũng rất nhanh. Công việc quá thuận lợi, đến nỗi 2 năm sau đó, hiệp hội các nhà sản xuất đồ gỗ và các nhà thiết kế kiện Kamprad bán phá giá và yêu cầu ông ngừng kinh doanh. Kamprad không đồng ý nên bị các nhà cung cấp hàng tẩy chay. Khi đó ông thuê các nhà thiết kế riêng để họ tạo mẫu mã đồ gỗ mang thương hiệu IKEA. Vào năm 1955 ông đến Ba Lan để xây dựng nhà máy đồ gỗ vì ở đó giá thành rẻ hơn tại Thụy Điển. Và đó chính là bước khởi đầu để IKEA chuẩn bị bước ra thế giới.

Không có thời gian để chết

Một trong những câu chuyện về thành công của IKEA là vào năm 1956, nhân viên thứ 4 của hãng - Lundgren mới được thuê loay hoay mãi không nhét được chiếc bàn gỗ vào xe chở của chủ hàng. Lundgren bèn nảy ra sáng kiến tháo bộ chân ra, sau đó đến nhà chủ lắp vào. Quan sát sự việc, Kamprad nảy ra ý tưởng dùng các thùng các-tông chở đồ gỗ tháo rời, sau đó đến nhà khách hàng để lắp vào. Vừa kinh tế lại vừa thuận tiện.

Người sáng lập IKEA luôn khuyến khích mọi nhân viên sáng tạo. Ông nói: “Chỉ có ai ngủ mới không gây ra lỗi lầm”. Bên cạnh đó ông luôn giữ phương châm đồ của IKEA luôn rẻ hơn của đối thủ, nếu chất lượng là ngang bằng. Với nhân viên mọi người đều như nhau, không ai được đặc quyền ưu đãi. Ông không khuyến khích họ mặc bộ đồ vét đeo cà vạt. Ông ăn mặc giản dị và thuộc loại người “hà tiện còn hơn là vứt tiền qua cửa sổ”. Cứ như thế, IKEA liên tục mở rộng thị trường và cửa hàng đầu tiên của hãng được mở tại Na Uy vào năm 1963. Sau 10 năm IKEA vươn ra khỏi bán đảo Scandinavia, đến năm 1974 thì xâm nhập Đức. Hiện IKEA có khoảng trên 270 cửa hàng tại 35 quốc gia trên thế giới.

Công bằng mà nói thì Kamprad cũng làm từ thiện, nhưng cũng khá tính toán. Chẳng hạn cứ mỗi bộ sản phẩm IKEA bán ra, sẽ có 1 USD trích ra cho Quỹ UNICEF của Liên Hiệp Quốc. Bằng cách này ông trao cho UNICEF khoảng 2 triệu USD cách nay 2 năm. Hay trước đó là chút ít tiền cho nạn nhân sóng thần... Còn tại ngôi làng ông ở Thụy Sĩ, trong khi Schumacher bỏ tiền xây một sân chơi cho trẻ em, Asher Edelman làm nghề môi giới chứng khoán ở New York xây hẳn một bảo tàng nghệ thuật thì Kamprad không chi bất cứ đồng nào cho ngôi làng này.

Không chỉ keo kiệt với người ngoài, mà trong gia đình cũng vậy. Kamprad có 3 người con trai, nhưng ông không hề nghĩ đến việc giao cho họ quyền thừa kế. Ông nói: “Tôi nghĩ rằng lúc này không có người con nào có đủ khả năng điều hành IKEA... Tôi không cảm thấy sợ khi vượt qua tuổi 80. Tôi còn nhiều việc phải làm. Tôi không có thời gian để chết”.

Hoàng Hoài Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.