Trong cuộc nghiên cứu, các nhà khoa học đã xem ảnh thời đại học của các đôi vợ chồng và đánh giá mức độ cười của họ theo thang điểm từ 1 đến 10. Kết quả là không ai trong nhóm 10% cười nhiều nhất từng ly dị, trong khi nhóm 10% ít cười nhất có tỷ lệ hôn nhân đổ vỡ lên đến 25%.
Việc đánh giá thang điểm cười được dựa trên hai yếu tố: miệng kéo dãn ra và các vết nhăn xuất hiện ở đuôi mắt.
Ngoài ra, các nhà khoa học cũng xem ảnh từ thời còn niên thiếu (trung bình 10 tuổi) của một nhóm người 65 tuổi. Họ phát hiện rằng 11% nhóm người cười nhiều nhất từng ly dị, trong khi tỷ lệ này ở nhóm “làm mặt hình sự nhất” khi chụp ảnh lên đến 31%.
Sau khi tính toán tổng thể từ tất cả các thử nghiệm, nhóm nghiên cứu kết luận rằng những người thường giữ vẻ mặt nghiêm trang khi chụp ảnh có tỷ lệ ly dị cao hơn những ai hay cười trong ảnh đến 5 lần.
Báo điện tử LiveScience dẫn lời các nhà nghiên cứu cho biết họ không tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự khác biệt quá lớn kể trên. Tuy nhiên, có nhiều giả thuyết được đưa ra. Trưởng toán nghiên cứu Hertenstein cho rằng những người hay cười có lẽ có thái độ sống lạc quan nên dễ có hôn nhân hạnh phúc, hoặc có thể người hay cười thì dễ thu hút được một người hay cười khác sống chung, và hai con người hạnh phúc hẳn sẽ làm nên một cuộc hôn nhân bền vững.
Ngoài ra, Hertenstein cho biết ông cũng xem xét đến những khía cạnh khác, chẳng hạn như người hay cười thì thường dễ có nhiều bạn, từ đó có một mạng lưới hỗ trợ rộng lớn để có thể giúp cho cuộc hôn nhân của họ hạnh phúc. Việc một người dễ dàng mỉm cười theo yêu cầu của người chụp hình, chứng tỏ họ là người dễ tùng phục cũng có thể là một yếu tố góp phần làm nên sự bền vững của hôn nhân.
Đoan Nhật
Bình luận (0)