Vào lúc 10 giờ sáng theo giờ Việt Nam, tại Cung hội nghị thành phố Bác Ngao, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc đã chính thức khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao, một trong những diễn đàn quan trọng nhất về kinh tế trên thế giới. Tham dự diễn đàn năm nay có nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia trên thế giới như Tổng thống Pakistan A.Zardari, Tổng thống Kazakhstan N.Nazarbayev, Thủ tướng Mông Cổ S.Bayar, Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Thủ tướng Phần Lan M.Vanhanen, Thủ tướng Albania S.Berisha, Thủ tướng New Zealand John Key, Thủ tướng Papua New Guinea M. Somare, Phó Tổng thống Iran P.Davoodi... Tham dự, còn có cựu Tổng thống Mỹ G.Bush, cựu Thủ tướng Nhật Bản Fukuda Yasuo, cựu Phó thủ tướng Trung Quốc Tăng Bồi Viêm, các vị đứng đầu các đặc khu hành chính Hồng Công, Ma Cao, Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy và hơn 50 Bộ trưởng. Sau bài phát biểu khai mạc của Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Diễn đàn, đã có bài phát biểu quan trọng.
Bác Ngao – Diễn đàn kinh tế trọng yếu tại Châu Á
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Việc thành lập Diễn đàn Bác Ngao thể hiện tầm nhìn xa trông rộng của các vị lãnh đạo Trung Quốc và các nước Châu Á. Diễn đàn Bác Ngao đã thực sự trở thành một diễn đàn kinh tế trọng yếu tại Châu Á, tập hợp các chính khách, học giả và doanh nghiệp, trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ các ý tưởng mới và đưa ra những cách thức hợp tác hiệu quả vì sự phát triển và thịnh vượng của mỗi quốc gia, vì hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển của cả Châu Á.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Theo Thủ tướng, Diễn đàn Bác Ngao năm nay diễn ra trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng tài chính - kinh tế sâu sắc. Toàn thế giới đang góp sức và phối hợp hành động để vượt qua khủng hoảng và khắc phục những thiếu sót mang tính hệ thống nhằm đưa nền kinh tế thế giới trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững, chất lượng cao hơn và thân thiện môi trường hơn.
Thủ tướng phân tích và nhấn mạnh: “Chúng tôi tin rằng với những giá trị Châu Á truyền thống và nền tảng kinh tế vĩ mô đã được tăng cường từ sau cuộc khủng khoảng Đông Á cuối thế kỷ trước, cùng với quyết tâm và sự lãnh đạo đúng đắn, các nền kinh tế Châu Á sẽ sớm vượt qua khủng hoảng và đóng vai trò như một động lực phát triển mới của nền kinh tế thế giới“
Cùng hợp tác vượt qua khủng hoảng
Thủ tướng đánh giá cao sự tham dự tích cực cũng như đóng góp quan trọng của Trung Quốc tại khuôn khổ hợp tác G-20 cũng như trong việc cùng các nước Châu Á, các nước ASEAN đối phó với khủng hoảng lần này và nhận định: Trên cơ sở những thành tựu phát triển kinh tế của 30 năm cải cách, mở cửa, cũng như gói giải pháp kịp thời và phù hợp của Chính phủ ứng phó với cuộc khủng hoảng, Trung Quốc sẽ là một nền kinh tế lớn đầu tiên khôi phục đà tăng trưởng.
Ảnh: Chinhphu.vn |
Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ cùng với Trung Quốc và các nước Châu Á khác phối hợp, hợp tác chặt chẽ để cùng vượt qua khó khăn và đề nghị tất cả các nước cùng nhau đẩy mạnh tiến trình hợp tác khu vực, nhất là thúc đẩy hợp tác Tiểu vùng Mê Công Mở rộng thông qua việc đẩy nhanh xây dựng các hành lang kinh tế và sớm triển khai Hiệp định Tiểu vùng về tạo thuận lợi vận tải qua biên giới. Chúng ta kiên quyết phản đối mọi hình thức bảo hộ mậu dịch, tiếp tục ủng hộ chương trình tự do hoá thương mại, Thủ tướng nói và đề nghị các nước phát triển tạo điều kiện, giúp đỡ các nước đang phát triển nhất là về vốn, khoa học công nghệ và tiếp cận thị trường, phát triển thương mại.
Việt Nam vẫn là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư
Đề cập đến Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ: Từ đầu năm 2008, trong điều kiện bị tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng, Chính phủ đã thực hiện đồng bộ và phù hợp các nhóm giải pháp và đã kiềm chế được lạm phát, giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và nền kinh tế vẫn tăng trưởng 6,2%; vốn đăng ký đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt 64 tỷ USD, gấp 3 lần năm 2007. Quí I năm 2009 kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng 3,1%, dự báo cả năm tăng trưởng khoảng 5-5,5%. «Chính phủ Việt Nam cũng đang triển khai các giải pháp cơ bản để tạo tiền đề cho sự phát triển bền vững trong những năm sau và tin tưởng rằng Việt Nam vẫn sẽ là một nền kinh tế năng động và là điểm đến tin cậy của các nhà đầu tư », Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bày tỏ hy vọng, tại Diễn đàn này, nhiều ý kiến và đề xuất sẽ được trao đổi một cách sâu sắc, góp phần tích cực cùng nhau vượt qua khó khăn, khai thác tốt nhất những tiềm năng và lợi thế để Châu Á tiếp tục là một trung tâm phát triển năng động của nền kinh tế thế giới.
Năm 2001, Diễn đàn Châu Á Bác Ngao tại Hải Nam (Trung Quốc) lần thứ nhất tập trung vào chủ đề: Một Châu Á phồn vinh và ổn định hơn, sống hài hòa với chính mình và với các nơi khác trên thế giới. Chủ đề Diễn đàn lần thứ 2 (2002): Thế kỷ mới, thách thức mới, Châu Á mới: Hợp tác và phát triển kinh tế. Chủ đề Diễn đàn lần thứ ba (2004): Châu Á mở cửa với thế giới. Chủ đề Diễn đàn lần thứ tư (2005): Phát triển hòa bình của Trung Quốc và vai trò của Châu Á. Chủ đề Diễn đàn lần thứ 5 (2006): Cơ hội mới của Châu Á: Phát triển hướng tới tầm cao mới. Chủ đề Diễn đàn lần thứ 6 (2007): Sự hấp dẫn của Châu Á trong nền kinh tế toàn cầu – Đổi mới và phát triển bền vững. Chủ đề Diễn đàn lần thứ 7 (2008): Châu Á xanh: Phát triển cùng thắng thông qua Đổi mới. Chủ đề Diễn đàn lần thứ 8 (2009): Châu Á: Nỗ nực vượt qua khủng hoảng.
Theo Việt Đông – Nhật Bắc / Chính Phủ
Bình luận (0)