Ông già “thuộc làu” phố cổ

18/04/2009 16:29 GMT+7

Ông chỉ khiêm tốn nhận mình là người yêu mến và có chút hiểu biết về đô thị cổ Hội An - di sản văn hóa thế giới ở Quảng Nam. Còn Le guide du routard, ấn phẩm của NXB Hachette xuất bản ở Paris (Pháp), viết rằng “ông là người uyên bác và rất lịch sự, ông thuộc làu về Hội An...”.

“Thương hiệu” Lê Ngọc Thiệp

Từ năm 2004, những thông tin cá nhân về Lê Ngọc Thiệp như số điện thoại, cá tính, khả năng hướng dẫn du khách... đã được Le guide du routard (tên tiếng Việt: Bạn đường) bất ngờ chọn giới thiệu để hướng dẫn du khách sử dụng tiếng Pháp khi đến Việt Nam. Mỗi năm, bản giới thiệu này có sự bổ sung, kể cả... thêm bớt ở lời bình phẩm của người biên soạn. Năm 2008, Le guide du routard giới thiệu ở trang 359: “Ông Lê Ngọc Thiệp, cựu hướng dẫn viên của Văn phòng hướng dẫn tham quan đô thị cổ Hội An. Người đàn ông uyên bác và rất lịch sự. Một mình ông có thể thuộc làu về Hội An. Ông có thể hướng dẫn cho bạn bằng tiếng Pháp trong vài giờ chứ không thể quá lâu vì lý do tuổi cao. Hãy điện thoại cho ông ấy nếu bạn có ý định du lịch đến thành phố cổ này để đăng ký và thảo luận về phí làm việc. Hội An là thành phố văn hóa được nhiều người nói tiếng Pháp lui tới. Người ta gặp ở đó những người nói tiếng Pháp như ông chủ Càphê Des Amis hay ông Lê Ngọc Thiệp ở nhà cổ Phùng Hưng”.

Chẵn 80 tuổi, ông Lê Ngọc Thiệp giờ như một “thương hiệu” ở thành phố di sản Hội An. Ông trở nên nổi bật giữa hàng trăm hướng dẫn viên khác không phải bởi tuổi tác, mà là ở tính chuyên nghiệp và niềm đam mê. Ngoài phương pháp “thính thị” (nghe và thấy), ông già Thiệp có tiếng là người chịu khó tìm hiểu về di tích trước khi trải lòng ra với du khách. Trên các ngả đường lang thang, ông kể với du khách những câu chuyện về rêu xanh trên mái tường nhà cổ, về những ngõ hẻm gắn với hồn phố đã trải hàng trăm năm ở vùng hạ lưu Thu Bồn...

 

Ông Thiệp lắng nghe và giải thích những câu hỏi của du khách nước ngoài

Đã có không biết bao nhiêu du khách Tây bị cuốn hút theo bước chân ông để cảm nhận đầy đủ hơn về mảnh đất “hội nhân, hội thủy, hội thuyền” của thương cảng Hội An xưa bằng lời kể đầy ngẫu hứng và một niềm đam mê hiếm thấy. Trong rất nhiều bưu thiếp mà du khách gửi đến ông già Thiệp sau chuyến tham quan đầy ấn tượng, có những lời khen ngợi chân thành. Claude Poisson, một du khách Pháp, nắn nót viết: “Tôi sẽ giữ mãi kỷ niệm đẹp về chuyến du lịch Hội An và tôi tin mình sẽ trở lại xứ sở xinh đẹp của ông trong một thời gian ngắn sắp tới. Lúc đó, tôi sẽ không quên đến chào ông. Hội An thật tuyệt vời!”. Còn với Huraro, du khách đến từ đất nước hình chiếc ủng Ý, lại nghĩ đến một kỷ niệm khác: “Cái khăn trải bàn mà tôi mua khi theo chân ông lang thang ở Hội An là món đồ đẹp nhất trên bàn của tôi. Hy vọng ngày nào đó gặp lại ông...”.

Tôi theo ông leo lên cầu thang gỗ ở nhà cổ Phùng Hưng. Buổi trưa cuối tháng 3, góc phố ở đường Nguyễn Thị Minh Khai nơi ông đang làm việc nắng gay gắt và khá tĩnh lặng. Nhưng bên trong là một không khí khác, nhộn nhịp và đầy tiếng ồn. Ông già 80 tuổi như lọt thỏm giữa nhóm du khách cao lớn, thoắt cái đã thấy ông gọn gàng tháo rời tấm cửa gỗ hay thư thả ngồi uống trà cùng họ... Cuối buổi, ông mới nhìn sang phía tôi, nheo mắt: “Thường những du khách già có cảm tình với hướng dẫn viên lớn tuổi. Có lẽ vì họ tin rằng người già ở địa phương sẽ hiểu biết nhiều hơn. Ông bà mình cũng có câu Ra đường hỏi người già, về nhà hỏi con nít” đó thôi. Hèn gì rất nhiều du khách khi bước qua bậc thềm vào nhà cổ Phùng Hưng (số 4 Nguyễn Thị Minh Khai) đều thấy cầm theo “cẩm nang” Le guide du routard.

Nhưng tôi biết, ở ông còn có nhiều bí quyết khác. Như tấm bản đồ về những di tích Chăm do ông tự vẽ lấy được phát cho du khách trước lúc lên đường tham quan thánh địa Mỹ Sơn (Quảng Nam) và cả những di tích Chăm dọc miền Trung. Sự tỉ mỉ, chu đáo ấy khiến du khách không khỏi ngạc nhiên và khâm phục.

Người bạn đường già hoài cổ

Ông Lê Ngọc Thiệp trở thành người bạn đường già của đô thị cổ Hội An một cách đầy duyên nợ. Sinh ra ở Điện Hồng (huyện Điện Bàn), đến năm 1964, gia đình ông mới dắt díu nhau về phố Hội. Ông dạy tiếng Pháp nhiều năm ở một trường tiểu học, năm 1985 nghỉ mất sức. Mười năm sau, khi Hội An mở văn phòng hướng dẫn tham quan, ông bắt đầu cuộc lang thang mới trên cương vị tổ trưởng tổ hướng dẫn tiếng Pháp. Chừng 10 năm sau nữa, ông thôi làm hướng dẫn viên do lớn tuổi, về mở lớp dạy tiếng Pháp tại nhà riêng cho các nhân viên lễ tân của các khách sạn, hướng dẫn viên và cả... trẻ em trong xóm. Cũng ngồi yên được chừng 2 năm, được ông chủ đời thứ 7 của nhà cổ Phùng Hưng mời làm hướng dẫn viên du lịch cho du khách nói tiếng Pháp, ông già Thiệp lại đi.

 

80 tuổi, ông Thiệp vẫn còn rất năng động và đầy tín nhiệm đối với du khách đến phố cổ - Ảnh: H.X.H

Khó khăn lắm ông Thiệp mới chịu tiết lộ mức phí 200 euro từng được nhận chỉ trong 2 giờ hướng dẫn cho nhóm du khách Pháp qua 5 điểm du lịch ở Hội An hôm mùng một Tết Nguyên đán. Nhưng đó chỉ là thông tin mang tính tham khảo. Bởi quan niệm làm việc của ông lại đặt nặng ở chỗ khác, bên-ngoài-tiền: “Làm nghề phải có lương tâm, đừng lười biếng! Khi ấy, khách tự biết sẽ trả công cho anh như thế nào”. Ông luôn suy nghĩ về “sứ mệnh” của người hướng dẫn viên: người vừa thông dịch vừa góp phần truyền bá văn hóa của cả một vùng đất, chứ không phải thông dịch để giúp... bán hàng lưu niệm.

Lịch làm việc dày đặc, sáng dạy tiếng Pháp từ 6 - 7 giờ 15 rồi lên nhà cổ Phùng Hưng làm việc, tối lại dạy từ 19 - 20 giờ 30. Ít người biết đấy là một thầy giáo kỹ tính đến mức khó chịu. Học trò của ông bây giờ nhiều lứa tuổi và công việc khác nhau, nhưng mỗi tối ông vẫn... chấm bài bằng mực đỏ! Khi đọc đến đoạn “người đàn ông uyên bác và rất lịch sự” ở cuốn sách xuất bản năm 2008, Lê Ngọc Thiệp xua tay khiêm tốn: “Họ viết hơi thái quá!”. Nhưng Olivier Page, người trực tiếp giới thiệu, đã có lý do riêng. Ngay trên trang đầu cuốn Le guide du routard in năm 2009 mà NXB Hachette vừa gửi biếu, Olivier Page cũng viết vài dòng rất thân thiện: “Chúng tôi biết ơn về cuộc đón tiếp nồng nhiệt của ông”.

Cũng trong bản in năm 2009, Le guide du routard bổ sung thêm một đoạn khá đặc biệt ở trang 364: “Bạn cũng có thể tìm gặp ông ở cầu Nhật Bản. Các bạn đừng lo lắng, ông ta từ chối nói về phí hướng dẫn. Hãy đại lượng với ông ấy...”. Năm sau, nếu Le guide du routard còn muốn giới thiệu về ông, một vài chi tiết có lẽ cần thay đổi, ít nhất là điện thoại 0510-86-31-68 phải thêm số 3 ngay sau mã số vùng 0510. Hoặc nữa, ông Thiệp vừa tiết lộ phải đến tháng 9 năm nay mới thôi việc tại nhà cổ Phùng Hưng, nên dòng chữ “bạn có thể tìm gặp ông ở cầu Nhật Bản” viết từ đầu năm xem ra có phần... việt vị. Mà tất cả cũng chỉ là dự đoán, bởi chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông già 80 tuổi ấy dừng lại. “Ông cụ tôi lạ lắm, hễ dừng làm việc là... ốm” - con gái ông Thiệp tâm sự.

Bây giờ, nếu bạn tìm đến đô thị cổ, gặp một ông già gầy gò đi trên chiếc xe đạp cũ và nói giỏi tiếng Pháp, đích thị đấy là Lê Ngọc Thiệp. Bạn không biết đâu, chiếc xe đạp ấy được ông già sử dụng từ hơn nửa thế kỷ. Cả chiếc đồng hồ đeo tay sắm từ thời Pháp thuộc, ông cũng lưu luyến không muốn đổi. Ông ấy hoài cổ không chỉ với những lời thuyết minh về phố Hội...   

Hứa Xuyên Huỳnh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.