Đây là lần đầu tiên một số không nhỏ tài liệu mật của các cơ quan tình báo ở Sài Gòn vốn vẫn đang lưu giữ lâu nay tại Trung tâm lưu trữ quốc gia II được trưng bày để công chúng xem.
Theo tài liệu của cụ Nguyễn Việt Phương, một tác giả dày dạn trong việc nghiên cứu và biên soạn về đường mòn huyền thoại này, thì ngày 19.5.1959, Tổng quân ủy đã cho họp “đoàn quân sự đặc biệt” tại Hà Nội để giao nhiệm vụ mở đường xuyên Trường Sơn vào Nam, đặt tên là Đ559, với lệnh tuyệt đối không được tiết lộ nhiệm vụ trên cho bất kỳ ai không cùng tổ chức. Từ đó đến nay đã đúng 50 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh (1959 - 2009). Và tên gọi “đường mòn Hồ Chí Minh” được người nước ngoài biết đến qua một cuốn sách của Van Geirt - ký giả người Pháp - viết về sự nản lòng của quân đội Mỹ trước con đường huyết mạch của cách mạng Việt Nam vắt ngang dãy Trường Sơn, với nhan đề: La piste Hồ Chí Minh (Đường mòn Hồ Chí Minh) xuất bản năm 1971. Cũng từ đó, các cơ quan tình báo của Mỹ lẫn của chính quyền Sài Gòn càng ra sức theo dõi, tìm kiếm những tin tức mới nhất về động tĩnh của con đường để ngăn chặn “nguồn chi viện lớn nhất của Bắc Việt” vào Nam, thể hiện qua các tài liệu mật được đặt trong tủ kính của đợt trưng bày khá đặc biệt này.
|
Dầu để trong tủ kính, song vẫn có thể đọc rõ ràng bằng mắt thường một văn bản tình báo nào đó. Có nhiều tờ trình đóng dấu “mật” và “tối mật” bằng chữ in và mực đỏ tuy lâu ngày nhưng vẫn còn rõ nét. Người ta có thể đọc thấy danh tánh một số nhân vật có máu mặt, một số tướng tá nổi cộm trên chính trường Sài Gòn thời trước, được ký dưới các tờ trình quan trọng.
Như tường trình chi tiết của tướng Nguyễn Khánh (sau làm thủ tướng của chính quyền Sài Gòn, rồi bị Mỹ buộc phải rời Việt Nam, sống lưu vong ở nước ngoài), hoặc hồ sơ đặc biệt ký tên ngoại trưởng Trần Văn Lắm, với nội dung phân tích những việc liên quan đến thời sự ngoại giao, chính trị lẫn quân sự đương thời.
Trong các hồ sơ khác, có một chỉ thị nội bộ được đánh máy với màu chữ xanh trên mặt giấy đã vàng ố hướng dẫn về kế hoạch sử dụng các đại đội thám kích người Thượng (người dân tộc thiểu số ở cao nguyên) để do thám vẽ sơ đồ đường mòn Hồ Chí Minh trên khu vực miền Trung, hỗ trợ cho việc tấn công, phá hoại các điểm huyết mạch của con đường.
Cạnh đó, có rất nhiều bức ảnh chụp từ máy bay xuống được gửi về Trung tâm tình báo hỗn hợp Sài Gòn ghi lại nhiều dấu hiệu chuyển quân trên đường mòn từ hướng Bắc xuống. Hoặc nhiều chiếc bè nằm theo khoảng cách đều nhau trên bờ sông Thạch Hãn, kèm theo ghi chú gợi ý, với các đánh dấu, khoanh tròn của tình báo viên, nhằm đưa ra câu hỏi đó có phải là những phương tiện vượt sông của “quân Việt Cộng ngoài Trung” hay không? Cũng có bức chụp những nơi nghi ngờ là điểm đóng quân “của đối phương” trên đường Trường Sơn thuộc khu vực Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế, các xe chở hàng ngụy trang đang chạy trên đường Hồ Chí Minh đoạn qua Quảng Trị (đường 556) hoặc đoạn qua vùng thượng du Quảng Nam (đường 537).
“Việc kết hợp những tài liệu mật này (do các cơ quan tình báo của chính quyền Sài Gòn thu thập) với những tài liệu khác của ta, sẽ càng giúp các thế hệ của người Việt Nam hôm nay và mai sau hiểu rõ hơn, tự hào hơn về những chiến sĩ Trường Sơn và về con đường Hồ Chí Minh huyền thoại, đã đóng góp những trang sinh động vào lịch sử kháng chiến và thống nhất đất nước đánh dấu bằng sự kiện trọng đại ngày 30.4.1975” - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoài, Giám đốc Trung tâm lưu trữ quốc gia II. |
Từ những bức không ảnh, phối hợp tin tức tình báo đưa về, cùng nhận định của Phủ đặc ủy Trung ương tình báo, đã đưa đến những quyết định oanh tạc, bắn phá, hoặc rà soát kỹ lưỡng hơn những động tĩnh “trên đường mòn” với những con số “máu lửa” được chính các cơ quan tình báo Sài Gòn nêu lên. Đơn cử như thống kê về số bom do pháo đài bay B52 thả xuống Việt Nam trong đó có đường mòn Hồ Chí Minh lên đến 470.819 tấn (1968), 422.240 tấn (1969)...
Nhiều tấm bản đồ với ghi chú của các sĩ quan tình báo về những “điểm nóng”, những “cung đường hiểm hóc” từ Bắc vào Nam thời kháng chiến cũng được trưng bày.
Người xem đặc biệt chú ý đến một báo cáo nội bộ của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn gửi cấp trên gồm nhiều trang, với 4 chữ khá lớn ghi ngoài bìa: Tổng hợp tình báo số 004/BTTM-P2, ghi rõ dòng chữ có nội dung đe dọa như sau: “Người nào không có thẩm quyền mà giữ tài liệu này sẽ bị truy tố về tội xâm phạm cơ mật quốc phòng”. Thế nhưng, những nhân viên tình báo soạn báo cáo này cũng như sĩ quan cao cấp nhất của họ khó mà biết rằng có thể đã có người bí mật chụp hình, hoặc học thuộc lòng các điều tuyệt mật ghi trong đó, để nhanh chóng chuyển ra Hà Nội toàn bộ nội dung liên quan đến nhiều kế hoạch hoặc chiến lược vừa mới thảo xong, còn nằm trên giấy nóng. Đó là những điệp viên của cách mạng không ít lần đứng bên cạnh họ vào những giờ phút cuối cùng của việc hoàn chỉnh văn bản trước khi “ký trình tổng thống” với con dấu đóng hai chữ “tuyệt mật” đỏ sậm. Như các dự định về cuộc hành quân Lam Sơn “sấm sét” nhằm cố gắng bẻ gãy đường tiếp viện trên đường mòn Hồ Chí Minh đã bị tiết lộ từ dinh Độc Lập chẳng hạn...
Giao Hưởng
Bình luận (0)