Tài trợ thế nào cho hiệu quả?

24/04/2009 23:02 GMT+7

Hằng năm, Nhà nước đều đặn cấp ngân sách cho nghệ thuật. Song, chưa có bất kỳ nghiên cứu, thống kê chính thức nào cho thấy hiệu quả thực tế của hình thức tài trợ này đến đâu.

Hôm 23.4, Đại sứ quán Đan Mạch và Bộ VH-TT-DL đã tổ chức hội thảo "Tìm các hình thức tài trợ cho nghệ thuật" nhằm tìm cơ chế hỗ trợ phù hợp cho sự phát triển văn hóa nghệ thuật và tạo hành lang cho việc hoạch định chính sách, chiến lược.

Theo ông Olaf Gerlach Hansen - chuyên gia tư vấn Cơ quan Hợp tác và phát triển quốc tế Đan Mạch, từng có 9 năm làm Giám đốc Quỹ văn hóa và phát triển của Chính phủ Đan Mạch - về lý thuyết, có 3 hình thức tài trợ cho nghệ thuật: thông qua các tiếp cận hành chính công thông thường (quản lý của bộ); thông qua các quỹ độc lập và bán độc lập do chính phủ thành lập (mô hình nhà bảo trợ - quản lý theo nguyên tắc "cánh tay nối dài", chú trọng vai trò của các hội đồng nghệ thuật); thông qua việc điều hành các tổ chức quản lý chương trình nghệ thuật.

"Không phải chúng ta không có nhà tài trợ, mà chỉ thiếu những nhà tài trợ vì mục đích phát triển nghệ thuật đỉnh cao" - Ông Ngô Văn Thành, Giám đốc Học viện m nhạc Quốc gia Việt Nam

Trên thực tế, các mô hình nói trên có thể pha trộn với nhau và khó có thể đòi hỏi sự khách quan tuyệt đối từ các hội đồng nghệ thuật. Vì vậy, theo ông Olaf Gerlach Hansen, Chính phủ Việt Nam cần phải có một cơ quan đầu mối đứng ra điều phối, giám sát độc lập hoạt động tài trợ nghệ thuật, cũng là để thực hiện nguyên tắc công bằng - cân bằng và sử dụng nguồn vốn tốt hơn.

Thực ra, ngay từ đầu những năm 1980, Việt Nam đã mong muốn thành lập quỹ văn hóa độc lập, phi lợi nhuận để bảo trợ cho nghệ thuật. Tuy nhiên, chỉ trong một thời gian ngắn, quỹ này nhanh chóng bị giải thể. Lý giải thất bại, TS Nguyễn Văn Tình, Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ VH-TT-DL cho rằng Quỹ chủ yếu dựa vào ý chí chủ quan của nhà quản lý mà thiếu cơ sở thực tế, thiếu sự điều hành, quản lý, gây quỹ bài bản.

 

Nghệ sĩ Kim Ngọc trình diễn vở Con nhện giăng mùng do Viện Goethe tài trợ - Ảnh: Viện Goethe cung cấp

Hiện tại, Việt Nam đang thực hiện các hình thức tài trợ thông qua các hội văn học nghệ thuật, các chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa... Song, hiệu quả thực tế của những mô hình này đến đâu vẫn còn là điều cần phải bàn. Trong khi đó, nhiều quỹ văn hóa độc lập, phi lợi nhuận, không lấy ngân sách Nhà nước dường như lại tỏ ra hiệu quả hơn mô hình bao cấp, đầu tư của Nhà nước, chẳng hạn như Quỹ văn hóa Phan Châu Trinh bước đầu có đóng góp cho công cuộc "chấn dân khí, dân trí" bằng việc dịch và phát hành các tác phẩm tinh hoa thế giới song song với việc trao nhiều giải thưởng cho các học giả, công trình nghiên cứu có chất lượng; Quỹ hỗ trợ phát triển văn hóa Việt Nam - Thụy Điển, Quỹ giao lưu văn hóa Việt Nam - Đan Mạch, Viện Goethe... làm "bà đỡ" cho nhiều loại hình nghệ thuật mới du nhập vào Việt Nam như body art, sắp đặt, trình diễn.

So sánh về hiệu quả tài trợ hoạt động nghệ thuật giữa khối nhà nước và các tổ chức tư nhân, ông Olaf Gerlach đánh giá cao vai trò của tư nhân bởi cho rằng sống bằng nguồn ngân sách cấp phát, các nghệ sĩ thường có sức ì lớn. Để khuyến khích tư nhân tham gia vào hoạt động bảo trợ cho nghệ thuật, PGS-TS Lương Hồng Quang (Phó viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật) kiến nghị Nhà nước cần xây dựng khuôn khổ pháp lý, ví dụ như các chính sách ưu đãi, miễn giảm thuế cho các doanh nghiệp tài trợ cho hoạt động nghệ thuật, hoặc có luật khuyến khích.

Y Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.