Có nên học ngoại ngữ từ lớp 1?

24/04/2009 23:04 GMT+7

Đề án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020” vừa được phê duyệt. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Thế nhưng, nhiều năm nay ngành giáo dục ở các tỉnh thành đã đưa chương trình tăng cường ngoại ngữ vào dạy từ lớp 1, và điều này khiến nhiều người đặt câu hỏi: có cần thiết không khi trẻ lớp 1 chưa rành tiếng mẹ đẻ? Từ số báo này Thanh Niên mở diễn đàn “Có nên học ngoại ngữ từ lớp 1?”, bạn đọc quan tâm xin gửi ý kiến về địa chỉ e-mail: tuvangiaoduc@thanhnien.com.vn .

Tăng cường ngoại ngữ để thu hút học sinh

Một loạt các trường ngoài công lập ở Hà Nội hiện nay đang đầu tư vào việc tăng cường ngoại ngữ và coi đó là một trong những dịch vụ nhằm thu hút học sinh.

Nhiều cấp độ, nhiều mức học phí

Để tuyển sinh cho năm học tới, nhiều trường ngoài công lập tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh từ lớp 1 và ngay cả việc “tăng cường” này cũng chia theo các cấp độ khác nhau tùy thuộc vào mức học phí. Trường Tiểu học dân lập Lê Quý Đôn năm nay tuyển 12 lớp 1 với 340 học sinh (HS), trong đó có 3 lớp được gọi là “lớp đặc biệt” tăng cường giáo viên nước ngoài để dạy tiếng Anh với mức học phí lên tới 230 USD/HS/tháng. 9 lớp còn lại tuy cũng tăng cường tiếng Anh nhưng không có giáo viên nước ngoài nên học phí là 1,7 triệu đồng/tháng. Theo quảng cáo của nhà trường, ngay từ lớp 1, HS đã được học tăng cường tiếng Anh với thời lượng 6-7 tiết/tuần. Ngoài ra, trường còn giảng dạy những kỹ năng cơ bản về “diễn thuyết” bằng tiếng Anh, theo lứa tuổi nhằm tạo cho học sinh khả năng mạnh dạn, tự tin phát biểu trước đám đông. Môn học này do các giáo viên người Úc làm cố vấn và trực tiếp tham gia giảng dạy.

Tương tự như vậy, việc tăng cường tiếng Anh từ lớp 1 ở trường Tiểu học dân lập Đoàn Thị Điểm cũng được chia thành 2 cấp độ. Năm học tới, nhà trường sẽ tuyển 240 HS cho 8 lớp dịch vụ giáo dục cao có môn tự chọn tiếng Anh và 110 HS cho 5 lớp quốc tế học tăng cường chương trình tiểu học quốc tế Cambridge.

Theo thông báo của trường này, lớp tiếng Anh dịch vụ giáo dục cao sẽ học tiếng Anh theo giáo trình Lets go, thời lượng là 5 tiết/tuần, có giáo viên người nước ngoài cùng tham gia giảng dạy từ 1 đến 2 tiết/tuần. Trong khi đó, lớp quốc tế sẽ học tiếng Anh theo chương trình tiểu học quốc tế Cambridge với thời lượng 6 tiết/tuần và được quảng cáo là do người bản ngữ giảng dạy. Để vào được những lớp này, ngoài kỳ kiểm tra trắc nghiệm của trường, HS còn tiếp tục phải qua một đợt kiểm tra về khả năng học ngoại ngữ do giáo viên người nước ngoài tiến hành.

Trường Tiểu học dân lập Nguyễn Bỉnh Khiêm Hà Nội cũng cạnh tranh bằng cách mở ra hai loại hình lớp 1 để phụ huynh lựa chọn theo điều kiện kinh tế của mình. Lớp quốc tế với sĩ số 24 HS, hằng tuần có 5 buổi (35 phút/buổi) dạy tiếng Anh, trong đó 4 buổi do giáo viên nước ngoài giảng dạy, học phí là 2 triệu đồng/HS/tháng. Loại hình thứ hai là lớp chất lượng cao với sĩ số 28 HS/tháng, cũng có 5 buổi học tiếng Anh mỗi tuần nhưng là do giáo viên người nước ngoài giảng dạy (mức học phí của lớp học này là 1,2 triệu đồng/HS/tháng).

Trường dân lập Nguyễn Siêu thì thời lượng dạy tăng cường tiếng Anh ở bậc tiểu học lại nhiều hơn ở bậc trung học. Cụ thể, từ lớp 1 HS đã học tiếng Anh 5 tiết/tuần (mỗi tiết 45 phút) nhưng ở bậc trung học thì chỉ học tiếng Anh 3 tiết/tuần. Trường này cho biết: có 4/5 tiết tiếng Anh trong mỗi tuần là do giáo viên người nước ngoài giảng dạy. Mức học phí đối với khối lớp 1 là 120 USD/HS/tháng.

Chưa có quy định quản lý

Tất cả những trường tổ chức dạy tăng cường tiếng Anh kể trên đều tổ chức cuộc kiểm tra, khảo sát để tuyển chọn HS đầu vào do số lượng nộp hồ sơ đăng ký thường lớn hơn nhiều so với chỉ tiêu. Mức học phí ở mỗi trường khác nhau, thấp nhất là 1,2 triệu đồng/HS/tháng và cao nhất là 230 USD/HS/tháng; giáo trình được đưa vào giảng dạy cũng tùy thuộc vào sự lựa chọn của mỗi trường hoặc cơ sở mà trường đó liên kết đào tạo.

Theo quy định của Sở GD-ĐT Hà Nội, đối với các trường tiểu học có tổ chức dạy học 2 buổi/ngày, các tiết học tăng cường của buổi học thứ hai dành cho môn học tự chọn là ngoại ngữ và tin học chỉ có tối đa là 4 tiết/tuần và chỉ bắt đầu dạy cho HS từ lớp 3 trở lên. Trong khi đó, ở các trường ngoài công lập kể trên thì thời lượng tăng cường dành cho môn tiếng Anh ít nhất cũng là 5-7 tiết/tuần và được nhấn mạnh là dạy ngay từ lớp 1.

Trao đổi với PV Thanh Niên, ông Phạm Xuân Tiến - Trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết: quan điểm của Sở là không khuyến khích việc dạy tăng cường tiếng Anh quá nhiều đối với HS lớp 1, lớp 2, nếu thực sự đảm bảo chất lượng thì chỉ dạy tối đa khoảng 4 tiết/tuần là vừa. Ông Tiến cho hay: Cuối năm 2008, Sở GD-ĐT đã tổ chức đi khảo sát chất lượng ở một loạt trường, trong đó có các trường ngoài công lập. Kỳ kiểm tra này cho thấy có những trường đã tổ chức dạy tăng cường ngoại ngữ lên tới 10 tiết/tuần và Sở phải yêu cầu các trường giảm xuống.

Học ngôn ngữ thành công trước tiên phải nói đến động cơ và việc sử dụng ngôn ngữ đó. Trong môi trường mà 100% thầy cô và học sinh là Việt Nam, học ngoại ngữ từ lớp 1 có ba cái bất lợi xét về môi trường. Thứ nhất: các em học vài từ để đó, chẳng biết làm gì vì không có mục tiêu rõ ràng ngoài việc học cho quen. Thứ hai: học mà không sử dụng thì các em sẽ rất vất vả để nhớ. Điều thứ ba rất đáng chú ý: các em vào lớp 1, mới học A, B, C theo tiếng Việt, đến giờ ngoại ngữ lại được dạy mẫu tự của các nước, điều này chắc chắn có làm cho các em lúng túng, thậm chí rối trí hay không, cần phải xem lại cho kỹ” - ông LÊ QUANG VINH, giảng viên Trung tâm ngoại ngữ trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Cho học sinh học sớm ngoại ngữ là rất tốt, nhưng đối với lớp 1 là lúc các em mới bắt đầu làm quen Tiếng Việt mà còn yêu cầu các em học thêm Tiếng Anh thì rất dễ bị lẫn lộn. Có những âm Tiếng Anh có mà Tiếng Việt không có; có những âm giống nhau nhưng được biểu hiện bằng chữ viết khác nhau, như âm “phờ” thì Tiếng Việt là “ph” mà Tiếng Anh lại là “f”. Đối với học sinh lớp 1, như vậy là thật không dễ chút nào trong điều kiện thời lượng và dung lượng tiếp nhận của các em đều phải tăng lên” - tiến sĩ NGUYỄN THỊ LY KHA, Phó khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM

“Theo tôi, cho trẻ học ngoại ngữ sớm rất tốt vì trẻ được giao tiếp với tiếng nước ngoài ngay từ nhỏ sẽ trở nên dạn dĩ hơn. Đầu vào của các lớp tăng cường ngoại ngữ do được chọn lựa từ những em có năng khiếu, nhanh nhẹn nên khả năng giao tiếp của các em ngày càng phát triển hơn. Về chương trình tăng cường ngoại ngữ bậc tiểu học chủ yếu là học mà chơi, chơi mà học nên không gây nặng nề đến việc học tập của các môn học khác. Ở trường tôi, các lớp Tiếng Anh tăng cường các em cũng được học với giáo viên nước ngoài. Đây cũng là một cơ hội để các em phát triển khả năng nghe nói” - bà PHẠM THÚY HÀ, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Q.4, TP.HCM

“Cần có những bước chuẩn bị kỹ càng, nếu muốn đưa môn ngoại ngữ giảng dạy ở lớp 1. Trước nhất là đội ngũ giáo viên giảng dạy ngoại ngữ, phải hội đủ 3 yếu tố: có trình độ ngoại ngữ, có phương pháp sư phạm và giảng dạy phù hợp tâm sinh lý của lứa tuổi. Muốn trẻ em học tốt thì người lớn phải chuẩn bị kỹ. Bàn việc dạy ngoại ngữ ở lớp 1 làm gì, khi hiện nay các trường ĐH Sư phạm và CĐ Sư phạm chỉ đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ cho bậc THCS và THPT, chưa có trường sư phạm nào đào tạo giáo viên dạy ngoại ngữ cho bậc tiểu học” - tiến sĩ VŨ THỊ ÂN, Trưởng khoa Giáo dục tiểu học, trường ĐH Sư phạm TP.HCM

Chương trình mầm non lớp Lá hiện nay chỉ cho các cháu làm quen với chữ cái, đến khi vào lớp 1 thì học sinh mới được học Tiếng Việt. Theo tôi, muốn dạy ngoại ngữ ở lớp 1 thì cần cho các cháu lớp Lá học tiếng Việt; nếu không thực hiện được điều này thì không nên dạy ngoại ngữ ở lớp 1”- thạc sĩ TRƯƠNG THỊ THU VÂN, trường ĐH Sư phạm TP.HCM

“Hiện nay, chưa có quy định nào của Bộ về việc dạy tăng cường tiếng Anh ở bậc tiểu học. Môn học này ở cấp tiểu học mới chỉ là môn tự chọn, trường nào có điều kiện, khả năng, phụ huynh HS có nhu cầu thì thực hiện. Tuy nhiên, học tiếng Anh với thời lượng nhiều đối với một đứa trẻ chưa hẳn đã tốt. Điều quan trọng vẫn là khả năng tiếp thu của đứa trẻ ấy và chất lượng của đội ngũ giáo viên, chất lượng của giáo trình. Từ năm 2010, khi tiếng Anh trở thành môn học bắt buộc (đối với HS lớp 3 trở lên) thì thời lượng quy định cũng chỉ là 4 tiết/tuần” - ông NGUYỄN SONG HÙNG, chuyên viên môn ngoại ngữ, Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD-ĐT

Tôi hoàn toàn ủng hộ việc cho các cháu lớp 1 được học ngoại ngữ nếu các cháu có khả năng. Được học từ nhỏ các cháu sẽ nghe nói tốt hơn, học nhanh hơn và trí nhớ cũng tốt hơn. Các lớp tăng cường ngoại ngữ chẳng qua chỉ để biết được những cái cơ bản chứ không có học hành nặng nề gì đâu. Như con tôi, mới học lớp 2 thôi nhưng cháu gặp người nước ngoài có thể tự nhiên nói chuyện, về nhà đôi lúc cháu cũng yes, no với cha mẹ như một phản xạ tự nhiên đến nỗi mình không ngờ con mình lại như vậy” - ông ĐỖ THANH HẢI - Chi hội trưởng Hội cha mẹ học sinh trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng, Q.1, TP.HCM.

Nhựt Quang - Phi Loan - Tuệ Nguyễn (ghi)

Tuệ Nguyễn

* Tuyển sinh đầu cấp: “Người ăn không hết, kẻ lần không ra”
* Nở rộ "lò" luyện thi lớp 1
* Luyện ngay tại trường "ứng thí"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.