“Đối với những người dân vùng quê Kinh Bắc, quan họ dường như đã ngấm vào máu thịt. Đến khi lên Hà Nội học, hằng ngày không còn nghe những câu ca quan họ, mình cảm thấy nhớ nhớ, thiếu thiếu một cái gì đó rất đỗi quen thuộc. Trong khi, rất nhiều bạn tiếng là ở Bắc Ninh, nhưng khi được yêu cầu hát quan họ, thì không thể nhớ và thuộc vài làn điệu. Do đó Hội đồng hương sinh viên Kinh Bắc nảy ra ý tưởng thành lập CLB Quan họ” - Trịnh Văn Tỉnh, Chủ nhiệm CLB Quan họ, hiện là sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội bộc bạch. Ban đầu số người đến với CLB do tò mò muốn nghe và xem là chủ yếu, còn thực sự biết hát chỉ có 3 người trong ban chủ nhiệm. Để duy trì hoạt động định kỳ 2 tuần một lần vào tối chủ nhật, các thành viên chia nhau sưu tầm băng đĩa, lời bài hát...; người biết nhiều dạy người biết ít, người biết ít dạy người chưa biết. Những bài hát quen thuộc như: Ngồi tựa mạn thuyền, Cây trúc xinh, Qua cầu gió bay... nghe qua tưởng dễ hát, nhưng để đạt được trình độ: vang, rền, nền, nảy; hát đúng nhịp, phách không phải ai cũng hát được. Có những bài khó, phải luyện 5-6 buổi mới có thể hát nhuần nhuyễn. Dần dần, tất cả các thành viên trong CLB ít nhất có thể thuộc vài làn điệu.
|
Gần 2 năm đi vào hoạt động, vượt ra ngoài ý tưởng ban đầu, CLB trở thành nơi gặp gỡ, giao lưu cho những ai yêu thích quan họ khi một số thành viên còn đứng ra lập trang web: http://quanhobacninh.vn và http://dancavietnam.net. CLB đã thành địa chỉ quen thuộc để các bạn trẻ đến tìm hiểu về quan họ, chia sẻ hiểu biết và thể hiện tình cảm với bộ môn nghệ thuật dân ca truyền thống này. Nguyễn Xuân Hà, thành viên CLB, kể: “Rất nhiều bạn ở nước ngoài, Việt kiều xa quê thông qua trang web nhờ bọn mình tìm nhạc, tìm lời những làn điệu cổ. Có những làn điệu như: Thuyền thúng, Con ếch, Trao duyên một mình... bọn mình chưa nghe bao giờ, kiếm cũng chẳng ra băng đĩa nào có, phải mất rất nhiều thời gian về tận quê hỏi thăm, nhờ các cụ hát chay, rồi thu âm lại”. Đến nay, đây là hai trang web duy nhất chuyên giới thiệu về quan họ Bắc Ninh với cơ sở dữ liệu khoảng 400 bài quan họ cổ và quan họ lời mới với sự tham gia của hơn 200 thành viên. Cũng từ trang web, CLB đã thu hút thêm nhiều thành viên mới mà người cao tuổi nhất đã ngoài 70. Trong số đó có Nguyễn Hữu Duy, cựu sinh viên CĐ Nghệ thuật Bắc Ninh, là thành viên tích cực nhất. Dù nắng hay mưa, Duy vẫn bắt xe buýt gần 30 km từ Bắc Ninh lên Hà Nội tham gia sinh hoạt. Với kiến thức học từ trường nghệ thuật, Duy truyền dạy miễn phí cho các bạn sinh viên. “Mình rất phục các bạn sinh viên học xa nhà, điều kiện khó khăn mà vẫn tự đứng ra thành lập, tổ chức hoạt động CLB. Trong khi nhiều bạn trẻ hiện nay mê nhạc pop, rock, hip-hop... thì những bạn trẻ yêu dân ca, sưu tầm, gìn giữ bộ môn văn hóa truyền thống là rất đáng trân trọng”, Duy tâm sự.
Không chỉ hát cho nhau nghe, từ “lò luyện” quan họ, nhiều thành viên của CLB đã đoạt giải trong các cuộc thi văn nghệ sinh viên cấp trường, tham gia hát hội cùng các liền anh, liền chị tại các lễ hội... Trịnh Văn Tỉnh khoe: “Mới đây, bọn mình còn nhận được lời mời qua CH Czech biểu diễn. Nhưng mình chưa dám nhận lời vì CLB còn quá non trẻ, các bạn còn phải cố gắng trau dồi, rèn luyện thêm nhiều. Trong thời gian tới, bọn mình sẽ cố gắng tổ chức các chương trình biểu diễn tại các trường ĐH; tổ chức các tour du lịch cho sinh viên kết hợp tìm hiểu về văn hóa Kinh Bắc và nghệ thuật hát quan họ...”.
Thu Hằng
Bình luận (0)