Ông Nguyễn Ngọc Hai, Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận cho rằng: “Thực ra đây chỉ là hàng rào kỹ thuật mà phía bạn đưa ra. Nhưng khi gia nhập WTO, chúng ta phải chấp nhận. Rất may là Đài Loan chưa phải là thị trường chính của trái thanh long Bình Thuận”.
Theo ông Nguyễn Thuận, Phó chủ tịch Hiệp hội thanh long Bình Thuận, cả thị trường Trung Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 80% thị phần xuất khẩu thanh long Bình Thuận. Trong đó, hàng đi Đài Loan chiếm khoảng 20%. Mặc dù thị phần không lớn, nhưng việc trái thanh long bị cấm vào Đài Loan là một tổn thất cho người nông dân và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Cũng theo ông Thuận, sở dĩ thanh long VN bị cấm vào Đài Loan là do chưa xử lý dứt điểm được nạn ruồi đục quả. Với quy trình kỹ thuật mà Đài Loan đưa ra là phải xử lý nhiệt trước khi nhập vào thị trường này, ông Thuận cho biết sẽ khó khăn và phức tạp hơn nhiều so với chiếu xạ. Bởi lẽ, xử lý nhiệt sẽ phải bóc gỡ thùng thanh long ra hấp nhiệt từng trái, trong khi chiếu xạ không cần gỡ thùng.
Ông Trần Minh Tiến, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: "Bình Thuận đã xây dựng mô hình diệt ruồi đục quả trên trái thanh long từ năm 2008. Hiện nay tỉnh đang xây dựng mô hình thanh long theo tiêu chuẩn VietGAP trên diện tích 3.000 ha, trong đó có tiêu chí phải xử lý triệt để nạn ruồi đục quả. Bà con trồng thanh long sẽ được hỗ trợ kinh phí đến 80% cho việc diệt ruồi".
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận Nguyễn Văn Thu cho biết, tỉnh sẽ cùng với các cơ quan chức năng của Bộ NN-PTNT, Bộ Công thương sang Đài Loan để đàm phán và có thể mời bạn sang để quan sát. “Chúng ta đã thông báo quy trình sản xuất thanh long của Bình Thuận đạt tiêu chuẩn EUROGAP, VietGAP, thậm chí nhiều nhà vườn đạt tiêu chuẩn của Mỹ, Nhật, Úc. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để thanh long Bình Thuận sớm trở lại thị trường Đài Loan”, ông Thu nói.
Quế Hà
Bình luận (0)