Theo các chuyên gia dịch tễ, cúm heo là một bệnh hô hấp cấp tính, có tính lây truyền cao do một loại virus cúm A của heo gây ra.
Tính đến ngày 26.4, tại Mỹ đã phát hiện 20 trường hợp dương tính với cúm heo A (H1N1). Còn Mexico đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc ở 7 tỉnh, thành phố.
Triệu chứng cúm heo A (H1N1): Sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình, mệt mỏi. Một số người có thể đi cầu phân lỏng, buồn nôn, nôn. Những trường hợp bị viêm phổi nặng có thể dẫn đến suy hô hấp và tử vong |
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đến nay các nhà chuyên môn chưa thấy khả năng cúm heo lây sang người do ăn thịt heo hoặc các sản phẩm từ heo đã được chế biến đúng qui cách, vì virus cúm heo bị tiêu diệt khi nấu ở nhiệt độ 70 độ C, tương tự như trong hướng dẫn chung về việc chế biến thịt heo và các loại thịt khác.
Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO tại Việt Nam tiếp tục theo dõi sát tình hình và triển khai các biện pháp phòng chống không để dịch xâm nhập và lây lan tại Việt Nam.
Theo tiến sĩ Nguyễn Huy Nga - Cục trưởng Cục Y tế dự phòng và Môi trường Việt Nam, "đến giờ này chúng ta chưa có vacxin đặc hiệu, phác đồ điều trị và thuốc đặc hiệu cho điều trị cúm lợn, vì chủng vi rút cúm lợn lần này là loại cúm mới, được kết hợp từ loại cúm lợn Bắc Mỹ, cúm lợn Á u, cúm gia cầm và cúm người thông thường. Tuy nhiên, WHO cho biết, Tamiflu (thuốc điều trị bệnh nhân bị nhiễm SARS) có tác dụng điều trị cúm lợn A. Bên cạnh đó, diễn tiến của bệnh nhân nhiễm cúm lợn vừa qua khá giống với diễn tiến bệnh nhân SARS (về kinh nghiệm phòng chống SARS thì Việt Nam được WHO đánh giá cao về kinh nghiệm và hiệu quả phác đồ điều trị SARS tại Việt Nam). Vì vậy, chúng ta yên tâm với kinh nghiệm, thuốc, phác đồ điều trị và tiềm lực trang thiết bị, đội ngũ cán bộ y tế Việt Nam. Sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ của bộ máy chính trị các cấp từ Trung ương đến địa phương và hệ thống y tế trong công tác phòng, chống dịch thời gian qua là cam kết hết sức vững bền của Việt Nam trong công cuộc phòng, chống dịch".
Tiến sĩ Nga cũng cho biết, "Bộ Y tế Việt Nam đề nghị WHO cung cấp test nhanh và phương pháp chẩn đoán để kịp thời phát hiện nhanh dịch bệnh; hướng dẫn phòng, chống dịch cúm lợn. Đồng thời, Bộ Y tế Việt Nam cùng WHO xây dựng phác đồ điều trị và định hướng cách phòng, chống bệnh cúm lợn A(H1N1) phù hợp với điều kiện, con người Việt Nam".
Bộ Y tế lưu ý người dân cần tuân thủ hết sức đúng đắn những hướng dẫn và quy định của Bộ Y tế, không nên quá hoang mang. Việt Nam là một trong số các quốc gia có rất nhiều kinh nghiệm và điều kiện để đối phó hiệu quả với các dịch bệnh mới nổi và nguy hiểm như dịch SARS, cúm A (H5N1)... |
Thực hiện việc phòng - chống dịch này, Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế tăng cường giám sát, phát hiện sớm ngay ca bệnh xâm nhập để cách ly, xử lý kịp thời. Cử cán bộ trực 24/24, đặc biệt trong dịp lễ 30.4, 1.5; chuẩn bị sẵn sàng các đội cơ động chống dịch để khống chế ngay những trường hợp mắc đầu tiên. Nếu phát hiện các chùm ca bệnh bất thường, đề nghị thông báo ngay cho y tế địa phương, các viện Vệ sinh dịch tễ /Pasteur để kịp thời phát hiện trường hượp đầu tiên, để bao vây dập dịch không để dịch lây lan.
Các địa phương có đường biên giới phải tăng cường các hoạt động kiểm dịch y tế biên giới, đặc biệt theo dõi những người bị sốt đến từ các nước có dịch.
Bộ Y tế khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng, đặc biệt khi tiếp xúc với dịch tiết hầu, họng. Những người bị mắc bệnh đường hô hấp cấp tính nên tránh nơi đông người và đeo khẩu trang. Đối với những người cần thiết phải đến những vùng có dịch nên hạn chế đến nơi đông người, tránh tiếp xúc với người bệnh và luôn thực hiện tốt vệ sinh cá nhân.
Đối với những người đến Việt Nam từ vùng có dịch, trong vòng 7 ngày, nếu có biểu hiện như sốt, ho, đau họng, đau cơ, nhức đầu, rùng mình và mệt mỏi thì thông báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất về tình trạng bệnh và lịch trình đã đi, để được tư vấn, cách ly, điều trị và y tế triển khai kịp thời các biện pháp phòng chống, không để lây lan ra cộng đồng.
Các cơ sở y tế nắm sát tình hình và tham mưu trong các cuộc họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm ở người của địa phương. Đồng thời cử cán bộ thường xuyên theo dõi, cập nhật tình hình dịch bệnh để có kế hoạch ứng phó kịp thời.
Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở điều trị sẵn sàng cơ số thuốc, hóa chất, vật tư để thu dung, điều trị, các phòng cách ly, xử lý kịp thời khi có tình huống.
K.H
(tổng hợp từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ và TTXVN)
Bình luận (0)