Phía Nhật Bản cam kết trong năm 2009 sẽ đưa 50 doanh nghiệp (DN) nhỏ của Nhật Bản vào hoạt động tại KCN này nhằm hỗ trợ các tập đoàn công nghiệp của Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam. Cũng trong năm 2009 sẽ hình thành thêm một khu trong hệ thống các KCN hỗ trợ Việt Nam - Nhật Bản, trong năm 2010 sẽ tiếp tục lựa chọn địa điểm phát triển 3 khu khác trong hệ thống các KCN của KBC. Tổng diện tích sàn nhà xưởng của 5 khu này vào khoảng 50.000m2.
Ông Sachio Kageyama, Tổng giám đốc Canon Việt Nam cho biết: "Vào thời điểm 2001 khi Canon đến Việt Nam chỉ có 7 nhà cung cấp linh kiện cho Canon, năm ngoái số lượng các nhà cung cấp trong nước đã vượt quá 100. Tuy nhiên chúng tôi vẫn chưa thể mua những linh kiện điện, điện tử, linh kiện nhựa, thép, có độ chính xác cao, hay linh kiện trục mạ có độ chính xác cao. Tôi nghĩ rằng nhờ dự án này sẽ có nhiều DN phụ trợ đến đầu tư tại Việt Nam giúp cho việc đầu tư của những công ty sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh như chúng tôi sẽ được thúc đẩy hơn nữa". Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp dẫn chứng một hình ảnh cụ thể: "Trong một chiếc Toyota lắp ráp tại Việt Nam, hiện các DN Việt Nam chỉ đóng góp được một chi tiết duy nhất đó là chiếc đinh ốc lắp biển số xe, đây cũng là bộ phận bị han gỉ đầu tiên trên chiếc xe này". Tầm quan trọng của việc hình thành KCN này đã được ông Phan Đăng Tuất nhấn mạnh: "Nó quyết định vận mệnh nền công nghiệp của một quốc gia".
Tại buổi lễ, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh: "Đây là KCN hỗ trợ đầu tiên ở Việt Nam, chính sách của Việt Nam là khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, trước mắt tập trung phục vụ 5 nhóm ngành cơ bản gồm điện tử - tin học, dệt - may, da - giày, sản xuất và lắp ráp ô tô". Ông Vũ Huy Hoàng cho rằng, phát triển công nghiệp phụ trợ không chỉ giúp các DN Nhật Bản giảm được chi phí sản xuất, mà nó còn giúp hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam nâng cao khả năng cạnh tranh, tăng tỷ lệ nội địa hóa và tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn nữa.
Như Nguyễn
Bình luận (0)