Cho vay tín chấp: Chặt đẹp !

28/04/2009 09:03 GMT+7

Phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu trong suốt thời hạn vay khiến chi phí của người vay tăng lên

Ngân hàng (NH) đang rộng cửa cho vay tiêu dùng tín chấp với hạn mức tín dụng từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, người vay cần tính kỹ phương thức trả lãi, thời hạn vay, các loại phí để giảm thiểu chi phí vay vốn.

Áp đặt thời hạn

Ngày 27-4, anh Châu Thy (quận Gò Vấp - TPHCM) đến NH Sài Gòn - Hà Nội (SHB) chi nhánh TPHCM tìm hiểu thông tin vay vốn tiêu dùng tín chấp. Nhân viên SHB cho biết số tiền được vay gấp 8 lần thu nhập, lãi suất 10,56%/năm, thời hạn vay từ 12 tháng đến 48 tháng, vốn và lãi trả góp hằng tháng. “Tôi cần vay vốn trong 6 tháng” - anh Thy đề nghị. “SHB quy định thời hạn vay ngắn nhất là 12 tháng.

Do đó, khách hàng phải ký hợp đồng vay với thời hạn tối thiểu là 12 tháng. Nếu bên vay trả nợ trước hạn, NH tính phí”, nhân viên này thông báo và diễn giải thêm: Với số tiền trả nợ trước hạn là 50 triệu đồng, số kỳ hạn vay còn lại là 6 tháng, phí trả nợ trước hạn được tính như sau: 50 triệu đồng x 0,3% x 6 = 900.000 đồng. Tiền lãi được tính theo dư nợ ban đầu trong suốt thời hạn vay.

Tại NH Việt Á, khách hàng không có tài sản bảo đảm được vay vốn lên tới 200 triệu đồng, thời hạn vay ít nhất 12 tháng, lãi suất từ 9%- 9,84%/năm, phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu. Nhiều NH khác cũng áp dụng cách tính lãi, thời hạn vay tối thiểu và phí trả nợ trước hạn tương tự.

Tăng chi phí vay vốn

Nhiều người cho rằng hằng tháng bên vay đã trả một phần vốn, số tiền vay đã giảm dần, NH tính lãi theo dư nợ ban đầu là bất hợp lý. Mặt khác, khách hàng không có sự lựa chọn thời hạn vay ngắn hơn thời hạn 12 tháng. Người có nhu cầu vay trong vài tháng phải chấp nhận đóng phí trả nợ trước hạn. Một số người cho rằng với phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu và phí trả nợ trước hạn, chi phí vay vốn bị đội lên rất nhiều. Người vay đã bị chặt đẹp.

Một hình thức cho vay tín chấp khá rộng rãi là thông qua thẻ tín dụng. Nhiều NH mạnh tay cấp hạn mức tín dụng từ 50 triệu đến 200 triệu đồng/chủ thẻ, lãi suất phổ biến 12%- 15,5%/năm, thậm chí có NH áp mức lãi suất 20%/năm. Khi chủ thẻ rút tiền mặt, NH “chặt” thêm mức phí 2%-4% khiến nhiều người chới với. Chị Lê Thi Mai (quận Bình Thạnh- TPHCM) cho biết đã rút 10 triệu đồng từ thẻ tín dụng và chỉ trong 3 tháng chị phải trả vốn, lãi và phí rút tiền gần 14 triệu đồng.

Chênh lệch tiền lãi khá lớn

Qua tính toán, chúng tôi nhận thấy phương thức tính lãi theo dư nợ ban đầu và dư nợ giảm dần có sự chênh lệch khá lớn. Giả sử khách hàng vay 40 triệu đồng, lãi suất 12%/năm tính theo dư nợ ban đầu, thời hạn vay 12 tháng, tổng vốn và lãi khách hàng phải trả là 44,8 triệu đồng. Trong khi với cách tính lãi suất theo dư nợ giảm dần, tổng vốn và lãi người vay chỉ trả 43,48 triệu đồng, ít hơn so với cách tính lãi suất theo dư nợ ban đầu 1,32 triệu đồng.

Theo các chuyên gia tài chính, hàng loạt NH đưa ra lãi suất cho vay tín chấp khá mềm nhằm thu hút khách hàng, đồng thời tung “chiêu” tính lãi theo dư nợ ban đầu, khống chế thời hạn vay tối thiểu, thu phí trả nợ trước hạn để đạt lợi nhuận như mong muốn. Trong khi đó, lãnh đạo các NH cho rằng lãi suất, phương thức tính lãi và điều kiện vay tín chấp là thuận mua vừa bán. Riêng cho vay qua thẻ tín dụng có độ rủi ro lớn nên NH đưa ra mức phí rút tiền mặt cao để bù đắp rủi ro, khuyến khích chủ thẻ sử dụng hạn mức tín dụng thanh toán tiền mua hàng hóa.

Theo Thy Thơ / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.