Hướng về nguồn cội

29/04/2009 10:31 GMT+7

(TNO) Hiện nay, số lượng Việt kiều trong các cộng đồng Việt trên thế giới đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, tình hình học tiếng Việt cũng xuất hiện ở nhiều nước với các chương trình đa dạng, phong phú khác nhau. Điều đó phần nào cho thấy khát khao tìm về cội nguồn dân tộc thông qua ngôn ngữ, văn hóa và lịch sử Việt- những yếu tố đóng vai trò khá quan trọng với các em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, nhưng mang trong mình dòng máu Việt.

Nhân dịp kỷ niệm 34 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30.4.2009, chúng tôi ghi nhận lại quá trình tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt  của một số trí thức Việt kiều trẻ đang sống ở Mỹ, đã và đang tham gia chương trình CET Academic programs. Đây là chương trình của Mỹ, kết hợp với trường tiếng Việt Sài Gòn (Q.1, TP.HCM) dành cho các sinh viên Mỹ và Việt Kiều đến Việt Nam học tiếng Việt, tìm hiểu lịch sử, văn hóa Việt qua các chuyến đi thực tế (study tour) trên khắp cả nước.

Long Võ, 25 tuổi, hiện đang làm việc cho một công ty máy tính. Long có khả năng giao tiếp, đọc –hiểu sách tiếng Việt lưu loát, tuy khả năng viết còn hạn chế. Sinh ra và lớn lên ở bang Minnesota (Mỹ), từ khi bắt đầu biết viết và nói được tiếng Anh cũng là lúc em hỏi ba mẹ cách viết các chữ cái tiếng Việt, các dấu và cách tạo từ. “Từ khi ấy, tôi hiểu tại sao có những từ tiếng Việt đánh vần giống nhau nhưng có nghĩa rất khác nhau vì chúng khác dấu”, Long cho biết. Môi trường gia đình đã giúp Long phần nào tự học tiếng Việt và có cảm giác “rất thú vị”.

Từ nhỏ Long Võ đã yêu thích đọc sách, báo về lịch sử Việt Nam vì được ba hướng dẫn và cho xem phim về lịch sử để con trai hiểu rõ hơn về cội nguồn của mình. Trong quá trình tìm hiểu lịch sử quê nhà qua các phương tiện thông tin đại chúng, em cho biết “rất ngưỡng mộ lý tưởng cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Cũng vì có sự yêu thích lịch sử hình thành từ nhỏ trong tâm hồn nên khi học Đại học, em đã chọn ngành Lịch sử và ngôn ngữ ở trường University of Minnesota, để được tìm hiểu thêm về lịch sử của nhiều nước trên thế giới.

Bên cạnh đó, khi học năm cuối Đại học, được tham gia chương trình CET mùa hè năm 2007, Long có dịp về Việt Nam trau dồi thêm tiếng Việt và làm từ thiện, dạy tiếng Anh miễn phí cho các trẻ em nghèo và nhờ khóa học này các kỹ năng tiếng Việt của Long đã được nâng cao khá rõ nét.

Sau khi tốt nghiệp Đại học, em lại trở về Việt Nam để thăm các thầy cô dạy tiếng Việt, bạn bè và bà con nơi đây. Đất nước và con người Việt Nam để lại trong em những ấn tượng sâu sắc, khó quên và em có dự định tương lai không xa sẽ quay về phục vụ quê hương. “Đất nước Việt Nam có nhiều thắng cảnh đẹp và con người làm việc khá chăm chỉ”, Long chia sẻ.


Chèo ghe trên sông trong chuyến đi thực tế ở Bến Tre

Gặp gỡ Tú Nguyễn, 20 tuổi, sinh viên trường Smith college, Northampton, bang Massachusetts (Mỹ) đang tham gia chương trình CET mùa hè 2009 tại TPHCM, chúng tôi rất hào hứng khi trao đổi với em, nghe em huyên thuyên kể về các di tích văn hoá, lịch sử em đã tham quan ở Huế, Hà Nội cũng như những thắng cảnh đẹp và ấn tượng về người dân Việt sau chuyến đi thực tế từ Nam ra Bắc vào tuần trước.

Ngoài ra, kiến thức lịch sử Việt của em còn được tiếp thu từ lớp học ở Mỹ trong chương trình phổ thông.

Tú Nguyễn nói tiếng Việt khá lưu loát, mặc dù chỉ mới học tiếng Việt khoảng hai tháng rưỡi vì em đã được bố mẹ dạy tiếng Việt từ khi mới sinh ra.


 Cùng giáo viên tìm hiểu về văn hóa sông nước ở đồng bằng sông Cửu Long

Cùng tham gia chương trình CET với Tú Nguyễn trong mùa hè này còn có Mai Trần, sinh viên năm thứ ba trường College Student, ở bang California (Mỹ).

Đến TPHCM trong thời gian ba tháng rưỡi lần này cũng là dịp đầu tiên em có cơ hội tìm hiểu lịch sử, văn hoá Việt. Mặc dù được bố mẹ dạy giao tiếp tiếng Việt trong gia đình từ nhỏ nhưng chỉ là những gì liên quan đến đồi sống, sinh hoạt xã hội. Do đó, em cảm thấy vô cùng bất ngờ và thú vị với những gì được thấy, được biết về lịch sử, văn hóa Việt trong lớp học cũng như qua các chuyến đi thực tế trong khu vực TPHCM và trên khắp các nẻo đường ở Việt Nam.

Mỗi một Việt kiều trẻ sinh ra nơi xứ người, đã trưởng thành, đều có những khát khao, mong muốn được học, được biết và có cơ hội tìm hiểu tiếng Việt, văn hoá và lịch sử Việt. Tất cả đều hướng về tổ quốc, về nguồn cội…

Mong sao trong tương lai, thế hệ trẻ này có thể phần nào góp sức vào sự phát triển kinh tế- xã hội của quê nhà.

Cẩm Thúy
(Ảnh do nhân vật cung cấp)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.