Ông Aleksandr Fomin – Phó giám đốc Cục Hợp tác kỹ thuật quân sự liên bang Nga, thông báo Nga đã thương thảo với hãng Embraer của Brazil về việc trao đổi công nghệ, nhượng quyền và thành lập cơ sở để sản xuất chiến đấu cơ thế hệ thứ 5, trang tin điện tử Lenta.ru tuần qua đưa tin. Embraer là một hãng sản xuất máy bay lớn ở châu Mỹ La-tinh, được đánh giá là tập đoàn hàng đầu trong lĩnh vực máy bay chở khách vừa và nhỏ. Hãng này cũng có nhiều sản phẩm nổi tiếng trong lĩnh vực quốc phòng như các loại máy bay chiến đấu hạng nhẹ, máy bay tập luyện và do thám.
Trước đó, Nga cùng Ấn Độ cũng đạt được thỏa thuận trong vấn đề này, nhưng theo lịch trình thì máy bay do hai nước sản xuất sẽ cất cánh chậm hơn so với những chiếc do Nga tự sản xuất.
Những thiết kế ban đầu
Thông tin về chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga (được gọi chung là Tổ hợp máy bay chiến đấu tương lai - PAK FA) gần đây được các phương tiện thông tin đề cập nhiều. Tuy nhiên, kế hoạch này hầu như vẫn còn rất bí mật. Trên internet có thể tìm thấy nhiều hình ảnh về mô hình chiếc máy bay tương lai của Nga. Nhưng khó có thể thấy hình ảnh nào gần với sự thật nhất. Một vài hình ảnh trông khá giống với chiếc F-22 Raptor của Mỹ. Và theo một số ý kiến, chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Mỹ và đối thủ cạnh tranh do người Nga sản xuất có thể có nhiều nét tương đồng.
Kế hoạch thiết kế chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga được khởi động từ những năm 80 của thế kỷ trước, khi Mỹ rục rịch khởi động chương trình sản xuất F-22. PAK FA dự kiến sẽ thay thế cho các loại MiG-29 và Su-27 được cho là đã lạc hậu. Ban đầu có các tổ hợp Mikoyan, Yakovlev và Sukhoi tham gia kế hoạch này. Phía Mikoyan thiết kế mô hình mang tên MiG 1.44 (NATO gọi là Flatpack). Theo một số tài liệu thì lần cất cánh đầu tiên của MiG 1.44 đã được thực hiện vào năm 2000 tại thành phố Zukov, ngoại vi Moscow. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia khá ngạc nhiên là sự kiện này hầu như không được ghi nhận.
Trước đó, tổ hợp Sukhoi cũng thiết kế mô hình chiếc tiêm kích đa chức năng Su-47 Berkut (còn gọi là S-37) mà NATO đặt cho biệt danh là Firkin. Nó được sản xuất đúng một phiên bản và cất cánh lần đầu tiên vào năm 1997. Khi chế tạo mô hình này, người ta đã sử dụng nguyên liệu tổng hợp, cũng như áp dụng công nghệ cánh cụp cánh xòe hướng ra phía trước mà theo các chuyên gia để nâng cao tính tàng hình cũng như dễ dàng điều khiển khi bay ở vận tốc thấp. Do nhiều nguyên nhân mà việc phát triển và tiến đến sản xuất hàng loạt S-37 đã không được thực hiện.
Năm 2002, Sukhoi bắt đầu thiết kế mô hình T-50 và đến năm 2004 thì giới thiệu phác thảo của chiếc máy bay này, theo báo Độc Lập của Nga. Theo nguồn tin chính thức thì tính năng cánh cụp cánh xòe không còn nữa và dáng vẻ bên ngoài cũng không giống Su-47 Berkut. Chiếc T-50 được sản xuất trông khá giống với F-22 Raptor. Một số công nghệ dùng để chế tạo S-37 và MiG 1.44 được ứng dụng để chế tạo chiếc T-50. Đây chính là loại máy bay mà Nga và Ấn Độ sẽ hợp tác sản xuất cho dự án PAK FA.
Hé lộ các tính năng kỹ thuật
Tính năng kỹ thuật của PAK FA hiện vẫn ít được biết đến, nhưng nhiều chuyên gia khẳng định nó được thiết kế với các động cơ có công suất cực lớn giúp máy bay có thể cất cánh thẳng đứng. Vào năm 2005, Tổ hợp Saturn của Nga (đơn vị tiếp theo tham gia dự án) đã chuyển giao 5 chiếc PAK FA để thử nghiệm, theo Lenta.ru. Ban đầu các máy bay này được mang mã số 117A, sau đó đổi thành AL-41 F-1. Theo lời ông Yuri Lastochkyn, Tổng giám đốc Tổ hợp Saturn, thì “các lần bay thử nghiệm loại máy bay này với động cơ mới đã cho các kết quả mới về chất lượng cũng như các tính năng cực kỳ đặc biệt”.
Loại máy bay này sẽ được trang bị các loại tên lửa không đối không thế hệ mới, tên lửa không đối đất và tên lửa không đối hạm cũng như bom điều khiển. Theo một số thông tin, nhiều khả năng PAK FA sẽ sử dụng tên lửa không đối không có tầm bắn lên tới 400 km là KS-172 do Tổ hợp Novator sản xuất, hoặc loại tên lửa điều khiển tầm bắn trung bình R-77 và tầm gần là R-73 do Tổ hợp Vympel sản xuất.
Ngoài ra, chiếc tiêm kích thế hệ thứ 5 của Nga còn được trang bị hệ thống điều khiển thông tin điện tử được điều khiển bằng hệ thống điện tử của Tập đoàn Thales, Pháp, giúp nó có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ trong tác chiến, kể cả trong trường hợp không có hệ thống radar định vị. Tính năng tàng hình của chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 của Nga cũng được chú trọng, cho dù điều này sẽ khiến giá thành tăng lên. Theo vài nguồn tin, giá của mỗi chiếc sẽ vào khoảng 70 – 80 triệu USD. Mức giá này được phía Nga khá hài lòng vì như thế là thấp hơn nhiều so với giá của một chiếc F-22.
Mới đây, Tư lệnh không lực Nga – Đại tướng Aleksandr Zelyn, thông báo dự kiến chuyến bay đầu tiên của chiếc chiến đấu cơ thế hệ thứ 5 có thể sẽ được thực hiện vào hè năm nay, chậm hơn 2 năm so với tính toán ban đầu. Tuy nhiên, không ít người nghi ngờ điều này, vì những mẫu PAK FA hiện vẫn đang được sản xuất tại nhà máy mang tên Gagarin thuộc Sukhoi và chưa biết đến bao giờ mới hoàn chỉnh.
Hợp tác để chia sẻ khó khăn
Về việc hợp tác với Ấn Độ trong sản xuất PAK FA, Nga đã đạt được thỏa thuận vào năm 2007. Tuy nhiên, trong khi phía Nga muốn thiết kế loại PAK FA có một chỗ ngồi, thì phía Ấn Độ lại muốn hai chỗ ngồi. Theo dự tính đến năm 2017, loại máy bay mới này sẽ được chuyển giao cho khách hàng, song phía Nga lại mong muốn biên chế nó vào quân đội sớm hơn, khoảng từ năm 2012 đến 2015. Đối tác của Sukhoi trong sản xuất PAK FA là hãng chế tạo máy bay lớn của Ấn Độ - Hindustan Aeronautics Limited (HAL). Cả Sukhoi lẫn HAL đều làm việc theo hợp đồng với các Bộ Quốc phòng của Nga và Ấn Độ. Cũng cần nói thêm, HAL có 19 nhà máy, 9 trung tâm nghiên cứu và từng hợp tác chặt chẽ với Sukhoi. Trong tài khóa 2008 – 2009 đã kết thúc vào tháng 3.2009, HAL đã giải ngân 2,05 tỉ USD cho việc hiện thực hóa dự án PAK FA của mình.
Mô hình chiếc T-50 mà Nga cùng Ấn Độ sẽ hợp tác sản xuất - Ảnh: Paralay.com |
Tuy vào tháng 4.2009, Nga và hãng Embraer của Brazil đã ký kết hợp đồng thỏa thuận cùng nhau thiết kế PAK FA cũng như sản xuất tên lửa đẩy cho các vệ tinh vũ trụ, nhưng hiện vẫn chưa rõ điều kiện cụ thể là chỉ lắp đặt theo thiết kế cũ hay có bước cải tiến mới nào về công nghệ hay không. Đối với Embraer, việc hợp tác với Nga trong dự án PAK FA dường như mang tính danh dự nhiều hơn, còn lợi nhuận là không đáng kể. Hiện nay, Embraer là hãng đứng thứ ba trên thế giới về sản xuất máy bay thương mại, chỉ sau Airbus và Boeing.
Với phía Nga, về lý thuyết, hợp tác với Embraer rất có lợi. Bởi không loại trừ Moscow sẽ hiện đại hóa quân đội bằng cách sử dụng công nghệ mạnh của nước ngoài. Và hợp tác với Brazil có liên quan đến vấn đề xuất khẩu cũng như làm giảm chi phí tài chính cho dự án PAK FA của mình.
Hoàng Hoài Sơn
Bình luận (0)