Cứ ngỡ bị mắc kẹt giữa những đám san hô, cuối cùng chiếc thuyền nhỏ của chúng tôi chỉ thoát được khi các anh lính đảo đưa tàu chuyên dụng ra “giải cứu”. Khi khách đến, ba anh chàng Tiến, Ngữ, Minh giữ hải đăng cách đó 4 hải lý cũng chạy ca-nô sang đón. Cũng như các anh lính đảo Tiên Nữ, các anh thợ này đang canh giữ ngọn hải đăng xa nhất Việt Nam.
Những cái nhất
Mà không chỉ thế, ở hòn đảo chìm này còn đang giữ nhiều thứ “nhất”: xa đất liền nhất, khí hậu khắc nghiệt nhất, địa hình hiểm trở nhất và là nơi đón mặt trời đầu tiên của Tổ quốc.
Đừng nói đến xa xôi cách trở, đừng nói đến cuộc sống hạn chế nhiều thứ ở nơi chân trời này mà chỉ cái chuyện thời tiết khắc nghiệt cũng đủ vật vã những chàng trai yếu đuối. Thượng úy Văn Minh Tài - Trưởng đảo Tiên Nữ kể: “Có bận bão sóng chồm lên đến tầng hai của pháo đài, ấy thế mà chẳng có gì ở đảo bị cuốn đi cả”. Anh Tài nói, những tình huống khó khăn nhất mình phải tiên liệu, ở đây mỗi bất ngờ xảy ra đều phải trả bằng cái giá đắt.
Trở thành lính Trường Sa là vinh dự của những chàng trai yêu nước. Hôm trước, khi chúng tôi ghé đảo Tốc Tan, thiếu tá Nguyễn Cảnh Hoạt đã nói như thế. Người mang quân hàm thiếu tá 46 tuổi này vẫn ôm súng đứng trên ụ pháo giữ biển trời để các anh lính trẻ có dịp vui vẻ với bạn bè từ đất liền ra. Anh Hoạt có hai đứa con, quê tận Nghệ An. Anh nói nếu anh có vợ sớm thì con anh cũng trạc tuổi những chàng trai đồng đội này rồi.
Khó khăn rồi cũng quen, càng chịu đựng thì sức sống càng mãnh liệt.
|
|
Mỗi pháo đài là một gia đình mà ở đó từng thành viên phải yêu thương nhau như máu thịt. “Lúc biển động tàu bè của ngư dân vô đây trú đông vui như thành phố”. Anh Hoạt nói thế chứ cũng không ai mong có bão về để được “vui như thành phố” đâu.
“Gặp con gái là lọng chọng lắm”
Ở đảo Tiên Nữ, lúc khan hiếm nước quy định mỗi anh em chỉ được 2 ngày tắm 1 lần, mà tắm dưới biển rồi mới lên dội nước ngọt lại. Ấy vậy mà các anh vẫn bấm bụng cho bà con đánh bắt xa bờ hàng ngàn lít nước để rồi sau đó lại tằn tiện hơn nữa...
Khó khăn rồi cũng quen, càng chịu đựng thì sức sống càng mãnh liệt. Điều mà binh nhất Hoàng Duy Tân ở đảo Tốc Tan nói có thể anh được học ở nhà trường hoặc ở ai đó nhưng nhiều tháng ở đảo Trường Sa đã đủ cho anh trải nghiệm những điều này với chính bản thân mình.
Trở lại với Tiên Nữ, nơi anh sĩ quan cơ yếu Hà Văn Trâm khăng khăng giữ bức ảnh gia đình trên đầu giường ngủ trong đó có vợ, mẹ và hai đứa con của anh mà đứa con sau chào đời khi anh vừa đặt chân đến đảo đúng 2 ngày. Chuyến tàu vừa rồi vợ anh đã gửi ảnh thằng nhóc ra cho bố, lúc bé vừa biết đi chập chững. Anh nhờ chúng tôi chụp cho anh kiểu ảnh để gửi vào đất liền “kẻo bố đi lâu quá về con nhận không ra”.
Ở đảo Tiên Nữ, khi những tiếng hát vọng ra từ pháo đài thì ba anh chàng thợ đèn Tiến, Ngữ, Minh đã rụt rè nép bên cửa nhìn vào để rồi lại lảng vảng đi mất. Khi mọi người mời vào cùng hát, Nguyễn Hồng Minh (31 tuổi nhưng đã có trên 100 tháng làm nghề giữ đèn ở Trường Sa từ Tiên Nữ, Song Tử Tây, Đá Tây, Đá Lát... anh đều qua), nói ở đảo quen, không tiếp xúc nhiều nên hễ gặp con gái là cứ lọng chọng lắm. Nói vậy nhưng vừa vào đất liền là Minh lại xin ra giữ đèn vì “thiếu tiếng sóng khó ngủ”. Anh nói ở đây cũng có niềm vui, ở đảo này đảo kia thường hay giao lưu với nhau qua máy bộ đàm. Là người Hải Phòng nhưng Minh nói đôi khi vui quá anh cũng... buông mấy câu vọng cổ.
Từ xa nhìn tới, Tiên Nữ thật đẹp với những đảo san hô trắng trên nền biển xanh chấm phá bởi pháo đài sừng sững và ngọn hải đăng kiêu hãnh không bao giờ tắt. Đảo như cô gái đẹp mỹ miều và gan góc giống như những chàng trai canh giữ vẻ đẹp mà ít người chiêm ngưỡng này.
Tiến Trình
Bình luận (0)