Cứu cá tuyệt chủng
Đó là đề tài “Nghiên cứu xây dựng quy trình và thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá lăng nha”, do thạc sĩ Lê Thị Bình cùng chồng là thạc sĩ Ngô Văn Ngọc, khoa Thủy sản trường ĐH Nông lâm TP.HCM thực hiện.
Đây là quy trình sản xuất cá lăng nha lần đầu tiên được thực hiện thành công ở Việt Nam. Điểm đặc biệt ở quy trình này chính là từ loại cá thiên nhiên sau đó được nhân tạo cho phù hợp với điều kiện nuôi trồng của người dân. Cá có thể triển khai nuôi trên mọi loại hình thủy lực nước ngọt và nước lợ; nuôi ở ao lớn, nuôi bè hoặc trong lồng; áp dụng được ở quy mô nông hộ nhỏ cũng như quy mô công nghiệp. Người nuôi có thể tận dụng nguồn thức ăn tại địa phương như: cá tạp, ốc bươu vàng, thức ăn công nghiệp, cám trộn bột cá... nhằm giảm chi phí đầu tư.
Loại cá này có giá trị cao, thịt nhiều và ngon, lại không có nhiều mỡ như cá ba sa nên mang lại hiệu quả kinh tế cao, dễ dàng trong tiêu thụ. Bình quân 1 kg cá cái sản xuất được 4.000 con cá giống cỡ từ 4 - 5cm, giá cá thịt hiện nay được bán ra trên dưới 100.000 đồng/kg tùy theo kích cỡ.
Thạc sĩ Lê Thị Bình |
Đến nay các trại thực nghiệm đã sản xuất được khoảng trên 5 triệu cá giống phân phối cho các hộ dân trong cả nước. Trong đó, chủ yếu là các tỉnh miền Đông và Tây Nam Bộ, nhiều nhất là 2 tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Hiện cá cũng được cung cấp cho các nhà nuôi cá thương phẩm ở một số tỉnh miền Trung, phía Bắc và cả Campuchia. “Hiện tại người dân chủ yếu nuôi cá thịt, nhưng trong vài năm tới sẽ tiến tới phục vụ xuất khẩu”, thạc sĩ Bình khẳng định.
Nửa đêm... canh trứng
Vừa tham gia công tác giảng dạy, quản lý, công tác Đoàn- Hội, hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học và vừa nghiên cứu khoa học nên một ngày của vợ chồng chị Bình thực sự bận rộn.
Ưu tiên số một cho công tác giảng dạy nên việc nghiên cứu thường làm ngoài giờ. Buổi chiều, có khi giữa đêm, có hôm từ tờ mờ sáng trước khi lên lớp, anh chị tranh thủ lên trại canh trứng, tiêm thuốc cho đàn cá của mình.
Vất vả nhất là những lúc đi chuyển giao công nghệ tới địa phương do phải đi thường xuyên, trực tiếp làm rồi chỉ dẫn cho người dân từ khâu nuôi vỗ cá bố mẹ, tiêm thuốc, canh trứng, hút trứng, thụ tinh, cho cá ăn...
Công trình với thành tựu nghiên cứu thực tiễn, được ứng dụng rộng rãi và nhất là trong một lĩnh vực ít có sự tham gia của nữ giới như thủy sản là những yếu tố đã giúp thạc sĩ Bình nhận được giải thưởng Tác giả nữ xuất sắc nhất của WIPO, giải ba Sáng tạo khoa học công nghệ Việt Nam (VIFOTEC).
Công trình của chị còn được mời tham gia Triển lãm và Diễn đàn quốc tế dành cho các nhà sáng chế nữ diễn ra tại Hàn Quốc.
Hà Ánh
Bình luận (0)