21 ngày với Đại tướng Võ Nguyên Giáp

06/05/2009 23:39 GMT+7

Một ngày cuối tháng 3 năm 1992, tôi theo đoàn cán bộ tỉnh lên đỉnh đèo Ngang đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp và gia quyến về thăm quê. Đó là cơ duyên và là niềm vinh dự của cuộc đời tôi khi được cùng đi với ông suốt 21 ngày trên đất quê hương...

Bấy giờ tỉnh Quảng Bình tái lập gần hai năm. Đây không phải là lần đầu tiên tôi có cơ hội gặp vị Đại tướng lừng danh, lại là người đồng hương Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Ba mươi ba năm trước đó, năm 1959, tôi đã có dịp... gặp ông, chạy theo ông trên đôi chân trẻ thơ.

Hồi ấy, mới 5 năm sau ngày ký hiệp định Giơ-ne-vơ, khắp nơi đang còn âm vang bài ca hòa bình và âm hưởng hùng tráng của chiến thắng Điện Biên, Đại tướng về thăm quê. Hôm ấy, một ngày hè chói chang của năm 1959, cả huyện ào về hữu ngạn Kiến Giang đón Đại tướng. Bọn trẻ chúng tôi cũng liều mạng vượt sông theo người lớn. Một lũ trẻ con trần như nhộng bị cuốn vào cơn lốc của dòng người chạy theo xe. Trong cơn hỗn loạn, tôi kịp thấy ông đứng thẳng trên xe mui trần, mặc binh phục, mũ kê-pi, cánh tay gấp, bàn tay duỗi phẳng đưa ngang vành mũ chào quê hương, đồng bào. Hình ảnh ấy gây trong tâm hồn trẻ thơ tôi một ấn tượng rất mạnh, đến nỗi mười năm sau tôi nhập ngũ, mỗi lần chào theo quân lệnh đều gắng gập cánh tay đúng góc độ, duỗi thẳng các ngón tay trên vành mũ, dồn tâm tưởng vào... làm sao cho giống cánh tay ông nhất.

Thập nhị đại lộc

Lại nói, một ngày cuối tháng 3 trên đỉnh đèo Ngang, 16 giờ 30, nắng rải vàng như mật. Ông bước xuống, giáo sư Đặng Bích Hà (phu nhân), giáo sư Võ Hồng Anh (ái nữ) và các sĩ quan cùng đi như đại tá Tâm, đại tá - bác sĩ Huyên... bước xuống. Ba phút sau cả hai đoàn chủ và khách đã hòa lại làm một cùng lặng ngắm về dải đất nam đèo Ngang mềm mại thân thương và gần như chưa được đánh thức.

Với ông, từ ngày rời quê nhà Lệ Thủy vào Huế học Quốc học, ra Thăng Long mở trường tư thục, làm thầy, làm tướng có biết bao lần vượt Hoành Sơn. Nhưng đây là lần về thăm quê dài ngày của tuổi thượng thọ và như dân gian nói là chuyến đi dối già, gương mặt vị Đại tướng không giấu nổi vẻ xúc động.

Trong vị trí một người làm báo hình, tôi may mắn được theo sát ông suốt 21 ngày, thăm qua 5 huyện thị. Đến đâu ông cũng được quân dân nhiệt liệt đón chào và ngưỡng mộ. Có ngày ông du ngoạn trên sông Nhật Lệ, ghé thăm bậc danh sĩ Nguyễn Tú ở Bảo Ninh, đi lại rất lâu trên doi cát nơi cửa sông, thăm động Phong Nha, tiếp đoàn thám hiểm Hoàng gia Anh đang khảo sát động, làm việc với cán bộ chủ chốt ở các địa phương.

Về thăm lại khu vườn, căn nhà xưa mới được phục hồi tôn tạo, ông tha thẩn sờ lại từng cành khế, gốc mít, ngồi trầm ngâm trên bến sông Kiến Giang ngóng vọng qua Lòi Đá còn rì rầm những gốc cây nguyên sinh, những khối đá thiên tạo, nghe âm âm vọng về ký ức một thời ấu thơ xa lắc. Ông đặc biệt dành tình cảm và thời gian cho trường học và các cháu học sinh.

An Xá làng ông nằm bên hữu ngạn Kiến Giang kéo dài tới ven phá Hạc Hải, có lịch sử trên dưới 700 năm nghĩa là vào nửa cuối triều Trần, giai đoạn Thượng tướng Hoàng Hối Khanh vào trấn thủ lập nên huyện Nha Nghi (Lệ Thủy ngày nay). Có 12 cụ vào đây khai canh lập ấp nên còn gọi là thập nhị đại lộc. Làng có hai vị đại khoa là tiến sĩ Hán học Lê Đa Năng và Phạm Đại Kháng. Cùng mạch đất, xóm trên có tiến sĩ triều Mạc Dương Văn An, tác giả Ô Châu Cận Lục, Đại tướng Nguyễn Danh Cả chiến đấu dưới cờ Lê Lợi, Thượng tướng quận công Hoàng Hối Khanh, Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh. Sau này có các ông Đào Viết Doãn, Bùi Xuân Các, Đặng Phạm Mai, Võ Tử Thức, Võ Thuân Nho, Trần Bội, Trần Sự là những bậc thức giả, những sĩ quan tài năng...

Làng An Xá và làng Tuy Lộc liền kề có nghề làm chiếu cói và làm giấy dó, giấy bản được tiến sĩ Dương Văn An mang từ Thăng Long về thời thế kỷ 16. Các bậc cao niên cho biết gần đây dân làng không gọi Đại tướng là anh Văn hay bác Giáp nữa mà đột ngột kêu vị đồng hương là Ngài.

Nói vào ngọn gió

Đại tướng và phu nhân thăm Đài truyền hình tỉnh. Tôi trở thành chủ nhà. Ngày ấy, đầu tháng 4.1992, đài còn đóng trên đồi Hải Thành. Vị trí này chính là dấu tích một đoạn trong chiến lũy Nhật Lệ của Đào Duy Từ thời Trịnh - Nguyễn. Giai đoạn này đài phát sóng bằng máy công suất... một trăm oát, chỉ đủ cho dân nội thị. Đang có kế hoạch mua máy mới. Vấn đề là mua máy công suất bao nhiêu: một ký (1.000W) hay nửa ký (500W). Đã có một cuộc hội thảo bất thành vì một số cán bộ sợ tốn kém cứ đòi mua rẻ máy công suất nhỏ. Đêm trước, tôi báo cáo toàn bộ tình hình với “bác đồng hương” rồi thở vào tai ông: “Ở các tỉnh khác, đài cấp huyện mà cũng đã được trang bị máy một ký”, với dụng ý nhờ uy tín của ông gây sức ép để tỉnh Quảng Bình mua máy công suất lớn ngõ hầu cho dân các huyện cũng bắt được sóng truyền hình. Y như rằng, mới nghe người trưởng đài báo cáo tình hình hoạt động và dự định thay máy 100W bằng máy 500W, Đại tướng đã đùng đùng nổi giận. Ở ngay trên đỉnh đồi có một cái lô cốt cũ với rất nhiều bậc bê tông lên vọng gác. Mọi người bất ngờ thấy vị Đại tướng bát tuần cứ bước ào ào lên xuống sáu bảy bậc cấp. Thú thực, ban đầu tôi khoái chí thấy ông bênh vực cho đài, nhưng tới lúc ấy lại thót tim sợ ông ngã. Ông nói trong cơn giận dữ:

- Ở tỉnh ai lo việc này?

- Dạ thưa... - Ông phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách văn xã lên tiếng.

Chiều hôm ấy, một buổi chiều chớm hè trên đỉnh đồi lộng gió. Những cơn gió đầu mùa cường lực từ cửa biển Nhật Lệ thổi ào ạt. Chúng tôi lại thấy Đại tướng rẽ đám đông bước ra triền đồi đứng đối diện với gió. Không một ai dám theo. Riêng tôi, trong tư thế cầm máy (camera) buộc phải tiếp cận ông. Và, trên màn hình phi-dơ hiện lên cận cảnh một vị tướng kỳ lạ: đầu tóc bạc phơ, cúc áo ngực phanh ra, gương mặt đầy những nét căng thẳng. Ông nói rất lớn vào ngọn gió những điều đang khiến ông giận dữ, những điều mà ngoài những bụi sim đang nở hoa tím trên chiến lũy Đào Duy Từ chỉ có tôi và ngọn gió thẩm thính được.

“Yêu đương gì đâu mà hẹn hò

Chia tay. Ngày thứ 21, cũng vào một buổi chiều có mưa rào nhẹ, se lạnh. Trước đó, khi ông đang nói chuyện với cán bộ nhân dân huyện Quảng Trạch, tôi ngồi la đà với nhóm sĩ quan trong đoàn.

Đỉnh đèo Ngang. Mũi xe hướng ra bắc. Đại tá Tâm mở dù che cho ông. Mọi người nhường chỗ cho dân truyền hình làm việc.

- Thưa bác, đây đã là thước đất cuối cùng của quê hương, xin bác nói đôi lời với cán bộ nhân dân.

Rất may mắn là tôi mở đầu được một câu khá chuẩn. Đại tướng trả lời, căn dặn nhiều điều, thân ái chào bà con và...

- Thưa bác, xin bác một lời hò hẹn ngày tái ngộ!

Câu này tôi bất ngờ bật ra như cái máy. Trong đám đông có tiếng cười khẽ. Tâm trạng mọi người cheo leo như đứng bên bờ vực. Đại tướng trả lời ngay:

- Tôi có phải trai gái yêu đương gì đâu mà hẹn hò (đám đông phá ra cười vang trời Hoành Sơn). Quảng Bình là nhà tôi, khi nào rảnh việc nước thì tôi về nhà...

Đám đông lập tức yên lặng, lắng nghe từng lời gọn, ngắn, bình dị mà sâu sắc, đầy đặn chất giọng Lệ Thủy của ông. Rồi cũng bị thúc đẩy, tôi bật ra câu thứ ba:

- Thưa Đại tướng! Bác có thể cho cháu... ôm...!

Chưa dứt lời, tôi đã thả micro lao tới. Không một ai kịp phản ứng. Tôi cảm nhận được từ cơ thể cụ già đã tám mươi mốt tuổi này còn một nội lực phi phàm. Và tôi thầm mong với niềm yêu thương tha thiết rằng: Xin linh khí trời đất phù hộ cho ông sống dư 100 tuổi...

Những ngày gần đây, ở Lệ Thủy vừa khánh thành khu lăng mộ Nguyễn Hữu Cảnh - người có công khai phá phương Nam, định vị hình hài đất nước và khởi công con đường về làng quê Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Tôi về quê lấy tư liệu cho bài viết này, đọc trong trang lưu bút mới hay không phải chỉ mình tôi ước mong như vậy. Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Trúc quê ở Hoài Nhơn - Bình Định viết: “Từ miền Nam ra thăm (quê) bác Giáp kính yêu. Chúc bác mạnh, sống lâu hơn nữa, đem lại hạnh phúc cho nước nhà và xã hội phồn vinh”.

Nguyễn Thế Tường

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.